Vả lại đó là một điều khó, vì người ta đang ngụp lặn trong cái mới rồi nên khó nhận ra những đổi mới của Công đồng. Nhiều năm quen thuộc với cái mới nên đôi khi một cách mặc nhiên chúng ta nghĩ rằng những suy tư và sinh hoạt hiện tại của Giáo Hội là chuyện đương nhiên, nhất là đối với những người hôm nay dưới 50 tuổi không hề biết cái cũ trước Công đồng. Thực ra những chuyện tưởng chừng như đương nhiên lại là kết quả từ bao nhiêu cố gắng của một sự thay đổi tâm tư não trạng ngàn đời trong Giáo Hội. Nếu đa số Kitô hữu đang sống chan hòa trong bầu khí đổi mới của Công đồng rồi, thì tại sao phải bàn đến sự chuyển mình từ cái cũ đến cái mới? Phải chăng tốt hơn nên tận hưởng bầu khí mới mẻ đầy sức sống của Công đồng? Đúng là hít thở không khí quan trọng hơn là lý luận về thành phần hóa học của không khí, và có lẽ ai cũng biết các yếu tố cấu tạo và tầm quan trọng của không khí, nhưng dù vậy đôi khi cũng nên nhắc lại những chuyện lý thuyết cũ kỹ ấy để ta tận dụng không khí mà hít thở cho đầy hai buồng phổi và sẽ không làm gì để gây ô nhiễm bầu khí quyển quanh ta. Cũng vậy, dù chẳng còn là chuyện mới lạ, nhưng nếu nhận ra ý nghĩa và tầm mức quan trọng của việc đổi mới của Công đồng, các Kitô hữu sẽ sống mầu nhiệm Giáo Hội cách phong phú hơn và phát huy cái gia sản ấy cách tích cực hơn.
Công trình của Vaticanô II quá đồ sộ không thể tóm gọn trong một vài trang. Vì thế ở đây chúng ta chỉ bàn về lãnh vực giáo hội học. Việc giới hạn như vậy phát xuất từ một lý do sâu xa, đó là Vaticanô II là Công đồng đầu tiên bàn về mầu nhiệm Giáo Hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo Hội họp nhau tại Công đồng để giới thiệu khuôn mặt đích thực của mình cho con cái và cho thế giới. Trong số 16 văn kiện của Công đồng, có tới hai Hiến chế trực tiếp nói về bản chất và sứ mạng của Giáo Hội, tám Sắc lệnh về các thành phần và các hoạt động của Giáo Hội; các văn kiện khác cũng đều liên quan tới đời sống và hoạt động của Giáo Hội (1). Nhưng ngay cả khi đã giới hạn trong lãnh vực giáo hội học, thì nguyên việc kê khai những khẳng định mới của Công đồng cũng đã là một công việc đòi nhiều thời gian. Thực tế hơn và tốt hơn, có lẽ chúng ta chỉ nêu lên hướng đi căn bản của Công đồng, tức là một cái nhìn nền tảng tiềm ẩn dưới các văn kiện. Đó là một sự chọn lựa căn bản mới đã hướng dẫn công việc soạn thảo các bản văn, đồng thời chi phối và định hướng mọi quyết định của Công đồng. Vaticanô II không những đã có những khẳng định mới, mà chủ yếu là có một cách nhìn mới có khả năng đổi mới mọi sự.
Khi nói về cái mới trong giáo hội học của Vaticanô II, có lẽ cần tránh thái độ đối lập Vaticanô I và Vaticanô II. Cái lược đồ thường được nêu lên, đó là “trước – sau”, ngụ ý rằng cái trước Vaticanô II là dở, sau Vaticanô II mới tốt. Đó là một cái nhìn giản lược có nguy cơ làm méo mó sự thật. Quả là Vaticanô II đã thay đổi cách nhìn về Giáo Hội một cách sâu xa, – đó là điều chúng ta sẽ trình bày, – nhưng không phải vì vậy mà muốn cắt đứt với quá khứ, trái lại vẫn luôn muốn trung thành nối tiếp các Công đồng và Truyền Thống trong quá khứ (2). Sở dĩ Vaticanô II mới, chính là vì đã biết trở về nguồn. Riêng đối với Vaticanô I, có nhiều vấn đề quan trọng đã được đặt ra nhưng chưa được bàn cãi và phải bỏ dở vì chiến tranh, chẳng hạn vấn đề truyền giáo, nhiệm vụ của giám mục... Một cách nào đó, Vaticanô II nối tiếp Vaticanô I: Đức Gioan XXIII cho rằng Vaticanô II phải bổ túc và kiện toàn cho Hiến Chế về Giáo Hội của Vaticanô I, nhất là về chức giám mục và về giáo dân (3). Đức Phaolô VI cũng đã nhấn mạnh rằng Vaticanô II nối tiếp Vaticanô I (4). Thực ra, nối tiếp hay gián đoạn đều phải được hiểu cách biện chứng. Nối tiếp không có nghĩa là lặp lại, và gián đoạn không có nghĩa là cắt đứt. Không thể có cái mới nếu không được chuẩn bị từ trong cái cũ, và không thể hiểu trọn vẹn cái cũ nếu không được chiếu dọi dưới ánh sáng của cái mới. Giáo hội học của Vaticanô II không cho phép trở lại với Vaticanô I nhưng đồng thời cũng không chấp nhận cắt đứt với Vaticanô I (5).
Cuộc sống Giáo Hội như một dòng chảy liên tục không có ranh giới rạch ròi giữa vùng nước đi trước và vùng nước đến sau như khi phân chia hai lô đất. Thực tại quá phong phú và phức tạp nên không thể bị đóng khung trong bất cứ phạm trù nào. Tuy nhiên, để dễ nhận ra cái mới của Vaticanô II, có lẽ chúng ta vẫn cần đến những phạm trù. Phạm trù thì rõ ràng minh bạch nhưng không thể chuyển tải trọn vẹn tính cách đa dạng của thực tại. Ý thức như vậy, ta có thể nói một cách tổng quát rằng nhãn quan về Giáo Hội trước Vaticanô II chủ yếu nặng tính cách pháp lý, còn giáo hội học của Vaticanô II chủ yếu mang tính hiệp thông (6). Đặc tính pháp lý của giai đoạn trước và đặc tính hiệp thông của giai đoạn sau không loại trừ nhau nhưng bổ túc cho nhau; và cả hai đặc tính ấy cũng chưa đủ để diễn đạt trọn vẹn thực tại Giáo Hội. Mầu nhiệm Giáo Hội quá phong phú nên không thể tóm gọn và diễn đạt trong một khuôn mẫu mà thôi. Mỗi thời có cách diễn đạt của mình, có thể nhấn mạnh điểm này mà đặt nhẹ điểm kia, nhưng không vì thế mà loại trừ các khuôn mẫu khác (7).
1. CÁCH NHÌN VỀ GIÁO HỘI TRƯỚC VATICANÔ II
Nói tới cái mới của Vaticanô II, tức là quy chiếu về một giai đoạn của quá khứ. Điểm quy chiếu của chúng ta ở đây, đó là giáo hội học trong khoảng từ đầu thế kỷ XIX cho đến Vaticanô II. Ý niệm chìa khóa trong thời kỳ này là societas perfecta hierarchica.
Trước hết Giáo Hội là societas, một xã hội. Từ sau Công đồng Trentô, thánh Roberto Bellarmino, bấy giờ là một Hồng Y có ảnh hưởng lớn trong Giáo Hội, đã định nghĩa: “Giáo Hội duy nhất đích thực là cộng đoàn những người được qui tụ nhờ tuyên xưng cùng một đức tin và lãnh nhận các bí tích giống nhau, dưới quyền cai quản của các chủ chăn hợp pháp và nhất là của Vị đại diện duy nhất của Đức Kitô là Đức Giáo hoàng Rôma” (8).
Bellarminô đã nhấn mạnh đến các yếu tố hữu hình để đối lập lại quan niệm về một Giáo Hội vô hình của anh em Tin Lành, và định nghĩa của ngài ảnh hưởng lâu dài trong Giáo Hội.
Người ta coi Giáo Hội là một tập thể hữu hình gồm các cá nhân liên kết với nhau bằng một định chế pháp lý.
Công thức đức tin được coi trọng hơn hành vi tin, nghi thức bí tích được nhấn mạnh hơn ân sủng của bí tích.
L. Billot cho rằng thân xác Giáo Hội hiện hữu độc lập với ân sủng và các nhân đức nơi các phần tử. Ủy ban chuẩn bị của Vaticanô I đã đặt tựa đề cho chương I của Hiến chế Giáo Hội là “Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô”. Ngay lập tức 53 trên tổng số 130 Giám mục đã phê bình là “mơ hồ, quá trừu tượng và thần bí”, có lẽ là không mang tính cách Bellarminô!(9) Nhưng rồi thông điệp Mystici Corporis của Đức Piô XII cũng đã làm được công việc là đưa khía cạnh ân sủng và các đoàn sủng vào thực tại xã hội của Giáo Hội. Tuy nhiên người ta vẫn chưa dứt bỏ được quá khứ. Theo P. Przywara, không phải là định nghĩa Giáo Hội bằng những hạn từ của Thân Thể mầu nhiệm, mà trái lại, phải định nghĩa Thân Thể mầu nhiệm bằng những hạn từ của Giáo Hội, nghĩa là của xã hội (10).
Kế đến, Giáo Hội là societas perfecta, một xã hội hoàn hảo. Ý niệm này phát xuất từ Aristote, nhưng chỉ được minh nhiên áp dụng cho Giáo Hội từ thế kỷ 18 khi có những lý thuyết cho rằng Nhà Nước có quyền cả trên lãnh vực tổ chức đời sống Giáo Hội nhằm hạn chế và kiểm soát sự tự do hoạt động của Giáo Hội; do đó, các Đức Giáo hoàng quả quyết rằng Giáo Hội là một xã hội hoàn hảo. Tính từ “hoàn hảo” ở đây không có nghĩa luân lý, nhưng được hiểu là hoàn hảo và đầy đủ trên bình diện xã hội, như tất cả các xã hội khác, có đầy đủ mọi phương tiện và quyền hành để thực hiện sứ mạng đã lãnh nhận. Giáo Hội là một xã hội độc đáo, độc lập, do thần luật có đầy đủ mọi quyền hành để thực hiện cứu cánh siêu nhiên: “Xét như là xã hội đích thực và hoàn hảo, Giáo Hội đã được Đấng Sáng lập thần linh thiết định là không bị đóng khung giới hạn trong bất cứ phần đất nào của thế giới, không lệ thuộc vào bất cứ quyền hành thế tục nào, trái lại, Giáo Hội tự do thi hành khả năng và quyền của mình để cứu độ mọi người ở mọi nơi trên trái đất” (11). Như vậy Giáo Hội là một xã hội hoàn hảo theo nghĩa là có tất cả các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp của một xã hội cao nhất và hoàn toàn độc lập. Một quan niệm như thế dễ đưa Giáo Hội tới chỗ tự mãn và rơi vào cạm bẫy quyền lực.
Sau cùng, Giáo Hội là xã hội bất bình đẳng và phẩm trật, societas inaequalis et hierarchica. Đây là một khẳng định then chốt trong giáo hội học chính thức từ Vaticanô I đến Vaticanô II. Người ta có thể đọc thấy trong chương X của lược đồ Supremi Pastoris của Vaticanô I: “Giáo Hội của Đức Kitô không phải là một xã hội gồm các phần tử bình đẳng, làm như thể là tất cả các tín hữu đều có những quyền như nhau; trái lại, đó là một xã hội bất bình đẳng (phẩm trật), và điều đó không chỉ có nghĩa là trong số các tín hữu có những người là giáo sĩ, có những người là giáo dân, mà nhất là vì trong Giáo Hội, Chúa đã thiết đặt một quyền mà một số người đã nhận được để thánh hóa, dạy dỗ và cai quản, trong khi những người khác không có quyền ấy” (12). Đó là lập trường chung của các Đức Giáo hoàng Piô IX, Lêô XIII, Piô X, của Giáo luật 1917 (canon 107), của các thủ bản thần học, nhất là lúc bấy giờ các thủ bản này thường nặng tính hộ giáo. Cũng cần thêm rằng Phẩm trật tập trung tất cả vào Đức Giáo hoàng, tựa như một loại quân chủ trong tôn giáo. Như vậy Giáo Hội được quan niệm như một kim tự tháp: trên cùng là Đức Giáo hoàng, tầng kế tiếp là các giám mục, rồi đến tầng các linh mục, và dưới đáy là giáo dân, những tín hữu thường. Giáo dân là servile pecus, một đoàn lũ chẳng có một chút quyền hành và không được phép có sáng kiến.
Societas perfecta et hierarchica: Giáo Hội như là một định chế pháp lý.
Quan niệm này giúp Giáo Hội củng cố vững chắc sự hiện diện và tính độc lập của mình đối với các xã hội trần thế; nó cũng giúp Giáo Hội được luôn thống nhất dưới quyền một thủ lãnh tối cao. Nếu xét đến bối cảnh lịch sử, đó là một lập trường dễ hiểu và cần thiết. Tuy nhiên thế giới đã thay đổi sâu rộng trong mọi lãnh vực: xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học và kỹ thuật. Thực ra cuộc thay đổi đã khởi sự từ thế kỷ XV với phong trào phục hưng và các học thuyết nhân bản, rồi đến Thế kỷ Ánh sáng với các trào lưu triết học mới như duy lý, duy khoa học, tiến hóa, mác-xít... Đứng trước những đổi thay của thế giới, đời sống của Giáo Hội cũng đã chuyển biến sâu rộng để có thể thích nghi với xã hội. Trên bình diện lý thuyết và chính thức, Giáo Hội vẫn được quan niệm như một định chế nặng tính pháp lý; nhưng trong thực tế của cuộc sống, đã có nhiều phong trào quan trọng – từ dưới chứ không phải từ trên – biểu lộ một ý thức mới về Giáo Hội. Từ thế kỷ XIX, đã xuất hiện những phong trào như canh tân phụng vụ, tông đồ giáo dân, dấn thân truyền giáo, đối thoại đại kết. Nhiều người ý thức cần phải trở về với nguồn mạch của đời sống Giáo Hội là Thánh Kinh và Thánh Truyền, nhờ vậy người ta tái khám phá những chiều kích thiết yếu của Giáo Hội lâu nay bị coi nhẹ, chẳng hạn chiều kích cộng đồng, ân sủng bí tích, hiệp thông, lịch sử,... Chúng ta không thể không nhắc đến các thần học gia tên tuổi của những thập niên từ 1930 đến 1960 đã tạo nên một khúc quanh trong giáo hội học như: Y. Congar, J. Daniélou, L. Cerfaux, E. Mersch, Ch. Journet, O. Semmelroth, H. de Lubac, H. U. von Balthasar, J. Hamer. Đặc biệt thông điệp Mystici Corporis của Đức Piô XII (1943) đã nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng vô hình của ân sủng để bổ túc cho quan niệm quá pháp lý về Giáo Hội (13). Tất cả các yếu tố trên đã góp phần dọn đường cho Vaticanô II.
(Còn nữa)
ĐGM. Giuse Nguyễn Năng