Những ai đã chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa và đã hoàn toàn được thanh tẩy, sẽ sống muôn đời với Chúa Kitô. |
Người viết tìm hiểu thì được cha chủ tế cho biết đó là những người xin lễ cầu cho người thân qua đời hay kỷ niệm ngày mất mà người thân của họ không là người Công giáo. Việc cầu nguyện và xin lễ cho người ngoài Công giáo hiện nay cũng phổ biến. Có nhiều trường hợp xin lễ như: con cái xin lễ cho thân nhân mà họ hàng bên chồng (vợ) không theo đạo Công giáo, vợ chồng lấy nhau được phép chuẩn của Hội Thánh về hôn nhân khác đạo mà chồng (hay vợ) khác đạo qua đời; xin lễ cầu bình an cho thân hữu, đồng nghiệp không phải tín hữu Công giáo. Chúng ta cùng tìm hiểu giáo huấn của Hội Thánh về vấn đề này.
Giáo hội dạy chúng ta: “Những ai đã chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa và đã hoàn toàn được thanh tẩy, sẽ sống muôn đời với Chúa Kitô” (GLCG 1023). Như vậy, sau khi chết những ai có ơn nghĩa với Chúa, những người được sạch tội tổ tông và tội riêng thì được vào hưởng Nước Chúa. Tuy vậy, việc mỗi người được ơn nghĩa Chúa, không thuộc quyền thẩm định của con người vì có những trường hợp Chúa ban ơn cho người khác, chúng ta không thể biết được. “Những người không do lỗi của mình mà không biết đến Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và nhờ ơn sủng của Ngài mà hành động để làm trọn thánh ý Ngài, theo như lương tâm của họ mạc khải cho họ và truyền dạy họ, thì những người đó có thể đạt tới ơn cứu độ muôn đời” (LG 16). Thiên Chúa có thể dùng những con đường mà chỉ mình Ngài biết để đưa người ta tới đức tin (xem AG 7). Chúng ta vẫn có thể xin lễ cầu nguyện cho họ và phó thác cho Chúa tùy Ngài sử dụng theo ý của Ngài. Giáo lý của Giáo hội Công giáo dạy chúng ta: “Sự chuyển cầu của các Kitô hữu đã không đặt cho mình một giới hạn nào” (GLCG 2636).
Trong một bài giảng trong khóa học hỏi tìm hiểu về Phụng vụ tại Đền thánh Vinh Sơn, quận 11 mới đây, linh mục Giáo sư môn Phụng vụ Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, trả lời thắc mắc: Có được cầu nguyện và xin lễ cho người ngoài Công giáo? Cha nói rõ “Tất cả mọi người dù biết Chúa hay không biết Chúa, Đức Giêsu đến cứu độ hết mọi người không trừ ai hết, người có đạo hay không có đạo Ngài cứu độ hết. Không phải vì có tên thánh (linh hồn...) thì chúng ta mới cầu nguyện được. Như vậy, với người không có đạo, kể cả người có đạo mà không biết tên thánh, chúng ta vẫn cầu nguyện được, vẫn xin lễ được như thường. Khi đọc kinh nguyện: Xin cho linh hồn NÀY được lên chốn nghỉ ngơi hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng Amen, vẫn được như thường”.
Còn nhớ vài năm trước đây, người viết khi tham dự lễ viếng một chức sắc hội Thánh Cao Đài, linh mục Bảo Lộc và Ban đối thoại Liên tôn cùng một số tín hữu các đoàn thể Công giáo đã được nhà hiếu (tang chủ) xin cầu nguyện cho người đã khuất theo nghi thức Công giáo. Linh mục Trưởng ban cùng mọi người cầu nguyện. Buổi lễ viếng trang trọng kết thúc bằng bài hát KINH HÒA BÌNH. Vị đại diện, đạo hữu Huệ Khải sau đó rất cảm kích và ghi nhớ mãi Lời kinh và bài thánh ca cho thấy người ngoài Công giáo cũng rất trân trọng và cảm kích, tin tưởng vào việc cầu nguyện cho người quá cố.
Một số lời cầu nguyện (mẫu tham khảo) cho anh chị em chưa là Kitô hữu:
1/ Lạy Chúa: con có một người bạn, tuy là người ngoại đạo nhưng bạn ấy chơi thân với chúng con đã lâu..! và hiện giờ bạn đang bị bệnh nặng và đã phải nghỉ học gần tháng nay rồi....! con biết tin ngày mai, bạn ấy vào viện điều trị.... nên hôm nay con đến với Chúa xin Ngài ban cho bạn ơn lành và mau chóng khỏi bệnh...!
Xin mọi người bỏ chút thời gian nho nhỏ cùng con cầu nguyện với Chúa cho bạn con...! Con tạ ơn Chúa và cám ơn mọi người...! Amen
2/ Xin Chúa hãy thương cho người bạn của con được khỏi bệnh (qua cơn thử thách...), để bạn ấy nhận ra Thiên Chúa là Đấng hằng hữu, luôn yêu thương bạn ấy, dẫu hôm nay bạn ấy chưa nhận ra Người Cha đích thực của mình. Nhưng lạy Chúa, với quyền năng và tình yêu thương vô bờ của Chúa, thì không có điều gì là không thể!
3/ Lạy Chúa là Cha nhân lành, đầy lòng thương xót! Xin Chúa xót thương cứu linh hồn ông (bà, cô, cậu...) mới qua đời, Chúa ơi! Dù người anh chị em con chưa nhận biết Chúa, chúng con cùng nhau nguyện cầu và cậy trông vào tình thương và lòng nhân hậu của Chúa. Xin cho mọi sự được nên như ý Chúa, và vinh danh Chúa đến muôn đời và khắp mọi nơi. Amen
4/ Lạy Chúa, Ngài là đấng giàu lòng thương xót, tình yêu của Ngài không phân biệt tôn giáo nào, xin hãy gìn giữ, nâng đỡ những người này đang khóc thương người thân mới ly trần và xin cho người quá cố được đón nhận lòng thương xót của Chúa. Amen.