Rất nhiều đồ chơi, quà tặng liên quan đến Giáng sinh được bày bán. Trong đó phổ biến nhất vẫn là cây thông. Từ nhiều năm nay, người ta thấy trước các công ty, hay các trung tâm mua sắm, dù chẳng liên quan gì đến Công giáo, cũng trang trí những cây thông hoành tráng, đẹp mắt. Điều này cho thấy mùa Giáng sinh đã không còn riêng của người Công giáo, với không gian riêng của nhà thờ, xứ đạo mà trở thành một hiện tượng văn hóa có sức lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng, ảnh hưởng rất rộng đến nhiều tầng lớp dân cư khác nhau.
Với người Công giáo, Giáng sinh là mùa vui, gắn với các truyền thống Giáo hội và biểu tượng từ Kinh Thánh. Bởi vậy dịp này không chỉ có cây thông mà tất cả các không gian xứ, họ đạo đều được trang hoàng từ nến, hoa, đến máng cỏ, hang đá...đều được người tín hữu chăm chút kiến tạo, hình thành một sắc màu rất đặc trưng, vừa mang tính thiêng liêng nhưng cũng cũng chứa đựng nhiều tính nghệ thuật cao. Điểm khác biệt với sự đón nhận lễ Giáng sinh của người tín hữu so với những cư dân khác là họ đón nhận bằng đức tin chứ không chỉ là một sự kiện kỷ niệm đơn thuần. Riêng với người ngoài Công giáo, đây là dịp tổ chức các sự kiện cho con cái, người thân được vui vẻ, là dịp để bày tỏ tình cảm với nhau, quan tâm lẫn nhau. Do đó họ trang trí cây thông phần nhiều mang sắc mầu văn hóa chứ không có ý nghĩa tôn giáo như người Kitô hữu. Hai điều được họ chú ý hơn cả là quà và cây thông. Nếu như thiếu hai thứ đó hầu như không phải Noen. Bởi vậy cây thông mùa Noen với người ngoài Công giáo hoàn toàn mang tính nghệ thuật và tạo một không khí vui tươi chứ không phải mang nhiều tính biểu tượng tôn giáo. Dịp Giáng sinh với họ có thể tựu trung lại là: Cây thông, ông già Noen, vui chơi, quà và lời chúc.
Vấn đề là tại sao cây thông lại được nhiều người ngoài Công giáo đón nhận như vậy? Có lẽ bản thân nó là một loại cây đẹp có tính thẩm mỹ cao. Rêng với cư dân Bắc, thông còn đại diện cho mùa đông, xứ lạnh, hợp với cái rét căm căm, nhưng sắc màu của nó lại xanh tốt vô cùng. Hơn nữa vì nó có tính truyền thông phương Tây nên đã sẵn có các mẫu hình trang trí về cây thông có tính chất mô-típ trang trí đẹp mắt, vừa ý nhiều người tiêu dùng. Qua nhiều năm, cây thông đã trở thành biểu tượng văn hóa của mùa Giáng sinh. Hễ nhìn thấy trước công ty, trước các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn có những cây thông cổ thụ với dàn đèn nhấp nháy đẹp mắt là người ta liên tưởng tới các món quà tặng và lời chúc cho những người yêu thương nhận dịp này. Bởi vậy có thể nói, nhờ một truyền thống của riêng người Công giáo trong mùa phụng vụ theo lịch Công giáo hằng năm mà cây thông đã thân quen với tất cả người Việt không kể lương- giáo. Nhờ cây thông mà người ngoài Công giáo biết đến một Thiên Chúa Giáng sinh phàm trần và mang vào mình những trải nghiệm của một người phàm để rồi lấy cái chết của Ngài trên cây thập giá cứu chuộc cho nhân loại.
Từ chuyện cây thông mùa Giáng sinh mới thấy, tôn giáo ở một khía cạnh nào đó cũng chính là văn hóa. Khi tôn giáo không còn đóng khung, vượt ra khỏi không gian thiêng, đến với công chúng, đi vào đời sống và được mọi người đón nhận thì nó đã thành một nếp văn hóa của đời sống thường nhật mà thiếu nó mọi người thấy nhớ. Thật vậy, nếu như một ngày nào đó, khi tiếng chuông nhà thờ vẫn vang xa, khi các bài thánh ca về Thiên Chúa Giáng sinh vẫn được hát để tôn vinh Ngài, nhưng ngoài kia phố xá đông đúc ồn ào lại thiếu đi những cây thông xanh với dàn đèn trang trí đẹp mặt, thu hút nhiều nam thanh nữ tú ghé thăm chụp hình, thì có lẽ người ta sẽ hoài niệm về một Giáng sinh thuở nào, cho dù đó không phải lễ trọng của mình. Cũng thật lạ, chẳng biết từ bao giờ, cây thông- một thứ cây vốn xa lạ với văn hóa Việt, giờ đây lại trở thành thân thương với rất nhiều người Việt mỗi khi Giáng sinh về.