Tin tức - Hoạt động

Chẻ đá vùng biên

Cập nhật lúc 07:00 21/05/2021
Dưới những “túp liều dã chiến”, những người phu đá đang ghì mình bên tảng đá.
Dưới những “túp liều dã chiến”, những người phu đá đang ghì mình bên tảng đá.
Đến nay vẫn chưa có con số thống kê chính xác hiện có bao nhiêu lao động nữ đang hành nghề chẻ đá tại tỉnh An Giang, tập trung nhiều nhất là huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn và TP Châu Đốc. Dù nghề này khá nặng nhọc, nguy hiểm nhưng cho thu nhập cao nên nhiều phụ nữ chấp nhận đánh đổi để có được miếng cơm, manh áo. Điều đáng buồn là hầu hết họ vẫn chưa có ý định bỏ hay chuyển nghề bởi chưa có được sự lựa chọn nào khác.

Mưu sinh trong hiểm nguy vất vả

Chúng tôi có mặt tại làng chẻ đá thị trấn Cô Tô (huyện Tịnh Biên) trong cái nắng tháng 4 hừng hực như đổ lửa nhưng khí thế lao động của hàng trăm lao động, trong đó có nhiều phụ nữ vẫn nhộn nhịp.Bên cạnh sông Cô Tô là hàng chục chiếc tàu đang “đợi hàng” để xuất bến đi giao hàng ở khắp đồng bằng sông Cửu Long và sang tận Campuchia trong khói bụi mịt mù tràn ngập tỉnh lộ 943 và nhiều nhà dân xung quanh.

Chị Neáng Xuon, người dân tộc Khmer tâm sự: “lao động mùa nắng tuy cực nhưng thu nhập khá hơn bởi khi mưa dầm mình phải căng lều bạt rồi vào đó hành nghề bất tiện lắm, năm nay chủ cơ sở thuê mình làm nhiều hơn các năm trước do đơn đặt hàng rất nhiều”.

Theo lời chị Xuon, đàn ông hay phụ nữ đều có thể làm nghề chẻ đá. Nếu như đàn ông có lợi thế về sức khỏe thì đàn bà lại “ nhỉnh” hơn về độ khéo léo khi xử lý những tảng đá “ khó tính” đòi hỏi kỹ thuật cao. Về tiền công thì mỗi lao động được trả từ 300.000 đến 400.000 đồng/người/ngày, nếu tăng ca sẽ có thu nhập nhiều hơn. Chỉ riêng làng chẻ đá Cô Tô đã có hơn 100 lao động nữ làm việc mỗi ngày, đi cùng là rất nhiều nguy hiểm về tai nạn lao động, các bệnh lý về phổi, mắt, tai, xương khớp.

Chị Thị Sánh, ngụ xã Lương Phi buồn bã kể: “Trước đây chồng tôi làm nghề này và bị bụi đá bay vào mắt trái. Hồi đầu tưởng không sao nên cứ mua thuốc nhỏ, sau bệnh nặng quá đi lên Long Xuyên, bác sỹ nói phải “múc” bỏ con mắt vì không thể cứu được. Vậy là bỏ nghề. Tôi lại thay thế “ ổng” để có tiền trang trải cuộc sống gia đình và lo cho 2 đứa con đang học đại học ở Cần Thơ. Mình có đất đai gì đâu, chữ nghĩa không rành, thôi thì tới đâu hay đó thôi”.

Đa phần chị em phụ nữ tại các làng chẻ đá là người dân tộc Chăm, Khmer từ các địa phương khác nhau đến đây lập nghiệp. Họ thường dựng lều bạt để ăn nghỉ cạnh các công trường để không phải mất thời gian đi lại. Đây cũng là nguy cơ để khói bụi tấn công họ ngày đêm một cách vô hình. Hộ làm nghề lâu nhất tại đây đã trên 60 năm, hộ ít nhất cũng trên 20 năm theo phương thức người đi trước hướng dẫn cho người đi sau.

Cần có những chính sách, giải pháp bảo vệ người lao động

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có rất nhiều người lao động, đặc biệt là nữ giới không được các chủ cơ sở mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, từ đó khi có những rủi ro xảy đến thì đa phần người lao động phải gánh chịu một mình hay chỉ được hỗ trợ rất ít từ người thuê mướn.

Chị Thi Cha Ra, ngụ xã Núi Tô kể: “Đa phần người thuê mình lách luật bằng hình thức lao động thời vụ không thường xuyên để không phải ký kết hợp đồng lao động. Và nếu xảy ra tai nạn hay bệnh nghề nghiệp thì mình tự lo. Biết vậy là không công bằng nhưng biết làm sao hơn. Mình mà có ý kiến thì họ cho thôi việc ngay lấy gì mà sống”.

Chị Cha Ra còn nói thêm: “Đã có hàng chục người bị hư mắt vì sạn đá vôi bay vào; một số khác bị máy cắt đá gây thương tật, nhẹ nhất cũng bị suy hô hấp vì bụi đá bám đầy phổi. Nghề này nếu trang bị đầy đủ kính chống bụi đá, khẩu trang, ủng, găng tay thì rất khó thao tác. Mà nói thật lòng cũng chưa hề thấy cơ quan nào đến kiểm tra sức khỏe, bắt buộc trang bị đầy đủ bao giờ”.

Nhiều phụ nữ chẻ đá cho biết: hiện nay nhiều máy móc hiện đại có thể cắt đá dễ dàng thay cho sức người nhưng giá của những lưỡi cắt khá đắt lại dễ gãy khi gặp đá cứng nên họ ít khi dùng đến. Một nguyên nhân rất lạ nhưng hoàn toàn có thật là xu hướng người mua lại rất thích mua những tảng đá trang trí, những bộ cột đá vôi có đường cắt chênh vênh không thẳng hàng, từ đó họ ưa chuộng những sản phẩm phải được chẻ, đục, đẽo bằng phương pháp thủ công. Đầu tiên phải chẻ chúng bằng các lưỡi cưa máy cho nhỏ ra, sau đó tiến hành đục, chẻ bằng nêm sắt theo kích thước đã định trước.

Xem ra việc chuyển đổi việc làm cho phụ nữ chẻ đá vùng biên giới của tỉnh An Giang vẫn còn lắm nhiêu khê, đồng nghĩa họ vẫn đang “sống chung với đá” và chưa biết đến bao giờ mới không còn phải đối phó với bao hiểm họa đang rình rập, tiềm ẩn xung quanh.
 
PHAN THỊ ANH THƯ
Thông tin khác:
Đổi thay ở vùng quê biển (20/05/2021)
Lòng tôn kính Đức Mẹ trong tháng năm (20/05/2021)
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bầu cử ở vùng đồng bào có đạo (19/05/2021)
Tiếp tục động viên bà con giáo dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước (19/05/2021)
ĐTC hỗ trợ 20 ngàn euro cho một trung tâm chăm sóc sức khỏe ở Ấn Độ (18/05/2021)
Thánh lễ kỷ niệm 104 năm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (17/05/2021)
Bên cầu Rạch Chiếc (11/05/2021)
Sức trẻ từ một giáo xứ (12/05/2021)
Ôi! Những phế tích (11/05/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log