Tin tức - Hoạt động

Bên cầu Rạch Chiếc

Cập nhật lúc 14:21 11/05/2021
Chúng tôi dừng lại bên chân cầu Rạch Chiếc để thắp vội nén hương tưởng niệm những liệt sỹ bảo vệ cây cầu huyết mạch để quân giải phóng rầm rập tiến vào Sài Gòn trong thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975.
Bia tưởng niệm các liệt sĩ chiến đấu bảo vệ cầu Rạch Chiếc nằm bên chân cầu Rạch Chiếc. Ảnh: CTV
Bia tưởng niệm các liệt sĩ chiến đấu bảo vệ cầu Rạch Chiếc nằm bên chân cầu Rạch Chiếc. Ảnh: CTV
Chiếc cầu lịch sử

Chúng tôi dừng lại bên chân cầu Rạch Chiếc để thắp vội nén hương tưởng niệm những liệt sỹ bảo vệ cây cầu huyết mạch để quân giải phóng rầm rập tiến vào Sài Gòn trong thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975.

Ông Võ Văn Cừ, 80 tuổi cư dân sinh sống cạnh cây cầu lịch sử này đã trên 70 năm nhớ như in: “Ngày đó, quân giải phóng và Mỹ Ngụy đánh nhau rất dữ dội tại cầu này. Mấy ông “Việt Cộng” rất ngoan cường, dũng cảm, dù biết hy sinh vẫn xung phong đánh chiếm cầu. Nếu không có mấy “ ổng”, tụi “ nó” phá banh cầu thì làm sao bộ đội vô tới Sài Gòn ngọt xớt. Công lao mấy ông Việt Cộng hy sanh tại cầu nầy lớn lắm à nghe”.

Cầu Rạch Chiếc là một trong ba cây cầu huyết mạch ở hướng Đông dẫn vào nội đô Sài Gòn. Trong những ngày cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bọn lính Việt Nam Công hòa (VNCH) đã lập phòng thủ khá kiên cố trước và trên cầu nầy với lực lượng vô cùng hùng hậu gồm: ba tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một chi đội xe tăng, hàng chục khẩu pháo 105 ly, hàng ngàn quân lính cùng với hàng rào công sự quan trọng khác để “tử thủ” và sẵn sàng nổ bom phá cầu.

23 giờ ngày 26/4/1975, các phân đội đặc nhiệm vào vị trí đánh chiếm cầu Rạch Chiếc. 3 giờ sáng 27/4, các mũi nổ súng tấn công địch. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, lực lượng của ta không bị thương vong, nhưng giữ cầu rất khó khăn. 

Sáng 27/4/1975, phía quân lực VNCH kết hợp bộ binh, xe tăng, tàu chiến và máy bay trực thăng phản kích chiếm lại cầu. Tại đây chúng có hơn 2000 binh sĩ trang bị vũ khí mạnh, trong khi lực lượng của quân ta chỉ hơn 100 chiến sĩ đặc công. Mỗi đợt pháo, bom tấn công không thành, quân VNCH lại lùi ra dùng pháo binh và trực thăng bắn phá dữ dội hơn vào các vị trí mà ta chốt giữ trên cầu. 

12 giờ ngày 27/4/1975, các chiến sĩ biệt động phải vượt qua sông rộng lui về ém quân trên bãi lầy cạnh cầu. Phi pháo địch phát hiện bắn dữ dội vào nơi ẩn nấp làm 52 cán bộ chiến sỹ ta thương vong.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu, nguyên chỉ huy đội biệt động bồi hồi nhớ lại: “Có những chiến sĩ chấp nhận hy sinh để anh em được bảo toàn lực lượng,… trận chiến giành cầu ngày càng quyết liệt hơn”.

Biến đau thương thành sức mạnh căm thù, các chiến sỹ đặc công lại quyết tâm đánh chiếm cầu Rạch Chiếc bằng mọi giá dù có phải hy sinh để quân giải phóng phía Đông vào được Sài Gòn giải phóng miền Nam.

Ông Nguyễn Đức Thọ, nguyên trinh sát đặc công nước Z23, người được phân công bắn phát đạn B 40 đầu tiên tiêu diệt tháp canh bên chân cầu phía Bắc kể lại: “ đến giờ G ( 3 giờ 15 phút rạng sáng ngày 29/4/1975), khi bắn quả đạn thứ nhất không trúng mục tiêu do địa hình sình lầy, tôi bắn tiếp quả đạn thứ hai. Lần này tháp canh sạt góc, cột cờ đổ nghiêng, khẩu đại liên của địch câm bặt. Cùng lúc, các mũi đồng loạt dùng thủ pháo ném vào công sự của địch, vượt hàng rào tấn công chiếm lĩnh trận địa. Bị đánh nhanh, bất ngờ địch tháo chạy tán loạn”.

Chiến thắng bi hùng

Đúng 5 giờ sáng 30/4/1975, các chiến sĩ còn lại của Z22, Z23 (thuộc Lữ đoàn 316) nhanh chóng nổ súng chiếm cầu. Vào thời điểm này, tàn quân thất trận từ Xuân Lộc và Long Thành (Đồng Nai), dồn về đây rất đông, nhiều tên lính dù, biệt kích ngoan cố, cuộc chiến giằng co từng góc khuất, thùng phuy, nhưng rồi phía VNCH bất lực, chống trả yếu ớt rồi vứt bỏ vũ khí tháo chạy tán loạn. Lúc này, cầu Rạch Chiếc đã hoàn toàn được giữ vững. Đến 9 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của Lữ đoàn 203 quân giải phóng qua cầu, thọc sâu vào thành phố, tiến về Dinh Độc lập, giải phóng Sài Gòn.

Để có được chiến công quan trọng này cán bộ, chiến sỹ tham gia trận đánh rất gan dạ, dày dạn kinh nghiệm, không sợ hy sinh. Cạnh đó đã sử dụng cách đánh tiêu hao, tiêu diệt, đánh nhanh, đánh hiểm, rút gọn nên đã thành công dù địa hình rất bất lợi như: địa hình trống trải, binh lính Ngụy hung hãn, chống trả “tử thủ”; hỏa lực ta và địch không cần sức…góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Đã 46 năm đi qua nhưng sự hy sinh can trường, anh dũng của 52 chiến sỹ biệt động anh hùng vẫn sống mãi cùng năm tháng, là bản anh hùng ca bất tận của sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương đặc biệt là vào những tháng ngày tháng 4 lịch sử. Và cứ mỗi lần có dịp qua cầu Rạch Chiếc, chúng tôi đều dừng lại để thắp hương tưởng niệm những chiến sy cách mạng đã vị quốc vong thân tại trận đánh lịch sử này.
 
TRƯƠNG THANH LIÊM
Thông tin khác:
Sức trẻ từ một giáo xứ (12/05/2021)
Ôi! Những phế tích (11/05/2021)
Tuyên truyền đến tận hộ dân (10/05/2021)
Chung tay xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc (09/05/2021)
Giáo xứ thánh Giuse lao công (07/05/2021)
Tổng tuyển cử đầu tiên (1946) (06/05/2021)
Sáu đan sĩ Xitô tử đạo được phong chân phước (06/05/2021)
Kiên Giang: Các tổ chức tôn giáo tích cực phối hợp bảo vệ môi trường (05/05/2021)
Giáo xứ Việt Nam trên đất nước Mỹ (04/05/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log