Giáo xứ Tây Cát (GP. Bùi Chu) không chỉ xanh - sạch - đẹp mà còn văn minh, hiện đại. |
Đáp lời mời gọi của Đức Thánh Cha Những năm gần đây, Giáo hội Công giáo thường xuyên quan tâm bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực. Trong đó Ủy ban Bác ái- Xã hội (Hội đồng Giám mục Việt Nam) đã lan tỏa nội dung Thông điệp Laudato Si’ của Đức Giáo hoàng Phanxicô về “chăm sóc Ngôi Nhà Chung của chúng ta” vào đời sống. Theo đó, các khóa tập huấn về môi trường được các tổ chức triển khai tại hầu khắp các giáo xứ, giáo phận. Nhiều cuộc hội thảo về môi trường và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã diễn ra tại các xứ đạo thu hút nhiều tổ chức và đông đảo giáo dân tham dự. Người Công giáo cũng tích cực hoán cải môi sinh bằng cách kiến tạo không gian xanh tại khu vực thánh đường, nơi công cộng và gia đình; hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng tiết kiệm điện, nước,…
Khi Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam được ký kết tại Thừa Thiên- Huế năm 2016, đại diện Ủy ban Bác ái- xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhấn mạnh đoạn trích từ Thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxico: “Tôi muốn nhìn nhận, khích lệ và cảm ơn tất cả những ai đang nỗ lực bằng muôn vàn cách để bảo vệ Ngôi Nhà Chung mà chúng ta đang cùng nhau chia sẻ…”.
TS.Nguyễn Văn Thanh trao đổi thông tin về công tác phối hợp bảo vệ môi trường của Giáo hội Công giáo Việt Nam |
Theo TS.Nguyễn Văn Thanh- Trưởng ban Tôn giáo (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), phát biểu của Ủy ban Bác ái- Xã hội là lời mời gọi và khích lệ mọi người cùng nhau tham gia vào trách nhiệm bảo vệ môi trường, cũng là khẳng định của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong thực hiện các chính sách bảo vệ thiên nhiên và môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu.
Bảo vệ công trình của Thiên Chúa Từ đường hướng đồng hành cùng dân tộc và lời mời gọi chung tay bảo vệ “Ngôi Nhà Chung” (Trái Đất- PV) của Đức Giáo hoàng, cùng Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường đồng bào Công giáo đã xây dựng được nhiều mô hình, câu lạc bộ, phong trào bảo vệ môi trường có ý nghĩa thiết thực, điển hình như mô hình “Xứ đạo sáng- xanh- sạch- đẹp” ở Lâm Đồng; “Đẹp xóm làng, đẹp nhà cửa, đẹp xứ họ, đẹp ruộng đồng” ở Nam Định; “Khu dân cư- Họ đạo không rác”, “15 phút vì Thành phố văn minh - sạch- đẹp” ở TP.Hồ Chí Minh; “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, sạch đường làng” ở Hải Phòng; “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” ở TP.Hà Nội; các câu lạc bộ bảo vệ môi trường tại Đồng Tháp (trong đó Công giáo có 12 câu lạc bộ) với sự tham gia của 7.863 thành viên là chức sắc, chức việc, tín đồ.
Đến nay trên cả nước đã có 2.000 mô hình bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai thuộc 43 tổ chức tôn giáo phát huy hiệu quả. Trong đó rất nhiều mô hình của đồng bào Công giáo được lan tỏa tới tận gia đình, khu dân cư. Nội dung mô hình, phong trào phù hợp với đặc điểm thực tế tại xứ đạo, hoặc địa phương. Hiện 63/63 tỉnh, thành phố đã cùng các tôn giáo ký kết chương trình hoặc kế hoạch phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình phối hợp đã và đang phát huy giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo và quy định pháp luật về môi trường vào đời sống để nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên.
Sự quan tâm của đồng bào Công giáo đối với môi trường và khí hậu phát triển lên một bước mới, khi vừa qua, Giáo hội Công giáo Việt Nam nhấn mạnh: “Đối với chúng tôi, ngoài việc chăm sóc trái đất này để con người hiện nay và thế hệ tương lai có môi trường đáng sống, chúng tôi còn có nghĩa vụ bảo vệ môi trường vì đó là công trình của Thiên Chúa - Đấng Sáng Tạo. Ngài cho con người được cộng tác trong việc bảo vệ và tiếp tục tô điểm cho trái đất này nên tốt đẹp hơn”. Thông điệp này được phát biểu công khai tại lễ ký Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2022-2026, một lần nữa cho thấy, Giáo hội Công giáo Việt Nam luôn chủ động tham gia cùng Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc trong công tác bảo vệ môi trường để góp phần tích cực xây dựng đất nước phát triển văn minh, hiện đại và phục vụ hạnh phúc của đồng bào.