Mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu tại xã miền núi Xuân Dương (Thường Xuân, Thanh Hóa). |
Hiện nay, các dự án, nhiệm vụ đã xây dựng được 653/1.000 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (đạt 65%); Chuyển giao được hơn 500/1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (đạt 33,3%); Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án cho 1.566/1.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương (đạt 104,4% kế hoạch dự kiến); tập huấn cho 30.505/60.000 lượt nông dân về các tiến bộ KH&CN đã được chuyển giao, ứng dụng cho dự án (đạt 50,8%).
Về cơ bản, các mô hình ứng dụng KH&CN ở vùng đồng bào DTTS đã thúc đẩy chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác, năng suất lao động, giúp cải thiện đời sống, thu nhập của bà con.
Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nhiệm vụ chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước ta.
Tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội Khoá XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định một nhiệm vụ và giải pháp, đó là: “Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ”.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH14, hoạt động KH&CN ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai trên nguyên tắc: “lấy bản sắc văn hóa, tri thức cộng đồng, truyền thống của các dân tộc thiểu số làm nền tảng; phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh làm mục tiêu; khoa học và công nghệ là giải pháp”.