Phối hợp triển khai nhiều hoạt động
Thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2018-2025”, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã tham mưu UBND ban hành về thực hiện Đề án trên địa bàn.
Theo đó, hàng năm Ban Dân tộc chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn ngành, với mục tiêu và đối tượng hướng đến là cán bộ làm công tác dân tộc ở huyện, xã, thôn, già làng, người người uy tín nơi có đông đồng bào DTTS và hộ gia đình DTTS, tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; về hôn nhân và gia đình, về phòng chống bạo lực gia đình...với nhiều hình thức thiết thực hiệu quả, đảm bảo tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của người phụ nữ ở vùng DTTS và miền núi.
Trong giai đoạn từ năm 2018-2023, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là hệ thống văn bản chính sách pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ngày càng được hoàn thiện nên công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được quan tâm và triển khai lồng ghép trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với nhiều giải pháp, tạo mọi cơ hội điều kiện để mọi người được bình đẳng và phát triển trên các lĩnh vực.
Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về giới, bình đẳng giới, về phụ nữ và công tác phụ nữ được nâng lên rõ rệt. Cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các văn bản cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế- xã hội qua đó từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng vị thế phụ nữ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ chủ chốt luôn được quan tâm. Đội ngũ cán bộ nữ có sự chuyển biến cả về số lượng và chất lượng, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và tinh thần trách nhiệm, vượt khó vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Quảng Nam đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong năm 2023. |
Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới được đẩy mạnh; công tác phối hợp liên ngành được chú trọng góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu, mục tiêu về bình đẳng giới đã đề ra.
Trên cơ sở nguồn lực đầu tư hỗ trợ thực hiện Đề án, Ban đã lồng ghép nhiều hoạt động, trong đó chú trọng các nội dung liên quan đến chương trình hành động bình đẳng giới của tỉnh, đạt kết quả nổi bật:
Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch, Hội Nông dân tỉnh, Chi Cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình và UBND các huyện tổ chức 39 hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền chính sách dân tộc, Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025 tại 43 thôn ở các xã vùng dân tộc thiểu số, với hơn 3.800 người dân và gần 200 cán bộ làm công tác dân tộc tại các địa phương tham dự. Biên soạn, in ấn và cấp phát 5.000 tờ rơi hỏi đáp Luật bình đẳng giới và Luật phòng, chống bạo lực gia đình.
Tổ chức các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với các đơn vị trường học, Phòng Dân tộc các huyện tổ chức các hoạt động ngoại khóa “Học sinh với bình đẳng giới”; tổ chức tuyên truyền, tổ chức cuộc thi tìm hiểu "nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Luật Sức khỏe sinh sản vị thành niên"; Diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp - Tuổi trẻ học đường nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bạo lực học đường.
Ngoài ra, tập trung củng cố, kiện toàn thường xuyên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của Ban Dân tộc nhằm đáp ứng, yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của Luật Bình đẳng giới và thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực chuyên môn để mỗi công chức, đảng viên và người lao động trong cơ quan nâng cao nhận thức, chuyển biến tư tưởng, trao dồi kỹ năng, bản lĩnh, ý chí nghị lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Những thách thức
Mặc dù có nhiều chuyến biến tích cực nhưng, công tác bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn những mặt hạn chế. Cụ thể:
Trong lao động, việc làm thì phụ nữ DTTS có thời gian làm việc nhiều hơn nam giới. Ngoài lao động kiếm sống hàng ngày, phụ nữ đồng bào DTTS còn phải tham gia nhiều vào làm việc nhà và chăm sóc con cái. Mặc dù pháp luật quy định trong gia đình vợ chồng đều bình đẳng nhưng thực tế, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Do đó, phụ nữ DTTS ít có cơ hội để học tập nâng cao trình độ, nghỉ ngơi giải trí hay tham gia các hoạt động xã hội.
Những rào cản của tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” và các phong tục tập quán lạc hậu vẫn chưa được xóa bỏ triệt để; vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội chưa được nhìn nhận tương xứng, trình độ học vấn của phụ nữ thấp hơn nam giới; vị trí quản lý, lãnh đạo của cán bộ nữ vừa thấp về tỷ lệ vừa không có vai trò quyết định trực tiếp; khoảng cách về sự tham gia đóng góp trong các lĩnh vực đời sống xã hội và thụ hưởng thành quả của phụ nữ so với nam giới còn khá xa.
Đẩy mạnh tuyên truyền tại cơ sở nhằm xóa bỏ những định kiến, nâng cao vị thế phụ nữ vùng đồng bào DTTS ở Quảng Nam |
Đồng bào các DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không những bị tách biệt về không gian địa lý, mà còn bị tách biệt về không gian xã hội. Chính sự tách biệt này đã và đang ảnh hưởng đến khả năng ứng phó với những thay đổi không lường trước trong môi trường sống của họ. Tư tưởng định kiến giới còn tồn tại, việc lồng ghép yếu tố giới và nội dung về bình đẳng giới vào công tác giáo dục, đào tạo có nơi chưa được quan tâm đúng mức.
Chưa có những chính sách đặc thù cho một số nhóm đối tượng nữ giới, giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng xa và vùng có điều kiện khó khăn. Việc tiếp cận giáo dục cho trẻ em trai và trẻ em gái ở vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn.
Tư tưởng định kiến giới, thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực còn nhiều hạn chế, tồn tại bất cập ở hầu hết vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn thiếu, hạn chế về kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới; bên cạnh đó kinh phí bố trí thực hiện các hoạt động về bình đẳng giới còn rất thấp.
Vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; chưa bố trí kinh phí cho hoạt động này.
Nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động chưa phong phú, đa dạng, chưa có tác động mạnh làm chuyển biến nhận thức và hành động trong xã hội.