Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Ảnh CTV |
Theo truyền thống tốt đẹp Giáo hội luôn dành riêng tháng sáu hằng năm để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cùng với 2 ngày lễ trọng kính Chúa Kitô. Năm nay theo lịch phụng vụ Chúa nhật ngày 14/6 kính trọng thể Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, mà giáo dân thường gọi là lễ “Săng-Ty”. Và lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào thứ sáu 19/6/2020.
Riêng việc tôn thờ phép mình thánh được cộng đoàn dân Chúa khắp nơi tôn kính một cách đặc biệt vì “Bí tích Thánh Thể là trung tâm của tất cả các việc cử hành phụng vụ trong Giáo hội, chúng ta gọi việc cử hành này là thánh lễ, bữa tiệc ly và tiệc thánh” (Lc 22: 17-20). Đây còn là mầu nhiệm đức tin luôn được tôn xưng trong thánh lễ misa.Vì thế vào năm 1264 Đức Giáo hoàng Urban IV đã thiết lập lễ Mình Thánh Chúa trong toàn Hội Thánh.
Ngoài phụng vụ cộng đoàn hiệp dâng thánh lễ misa hằng ngày. Nhiều nơi sau đó còn đặt Mình Thánh Chúa cả ngày, hầu tạo điều kiện cho giáo dân luân phiên đến cầu nguyện, viếng Chúa thường xuyên, cách riêng còn chầu mình thánh Chúa vào thứ sáu đầu tháng dành cho cả giáo xứ, cũng như thứ năm hằng tuần của đoàn Nghĩa Binh Thánh Thể (Thiếu nhi Thánh Thể ngày nay), việc tôn thờ phép Thánh Thể đã đi vào nề nếp từ lâu. Riêng tại giáo phận Bùi Chu theo tập sách “Nửa giờ chầu Chúa “của Đức cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948) biên soạn, được phổ biến rộng rãi nơi các xứ đạo từ thập niên 1945 cho tới nay, với tiếng hát lời kinh đối đáp cầu cho bản thân, đoàn thể, gia đình, giáo hội và cả xã hội luôn vang lên rập ràng đi vào lòng người.
Từ buổi sơ khai khi thành lập giáo hội, các thánh tông đồ đã rao truyền sự hiện diện của Chúa Giêsu ngự thật trong phép Thánh Thể. Vì yêu thương nhân loại Chúa phán: “Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:22). Trong tinh thần yêu mến phép bí tích cực trọng, quanh năm nhiều giáo phận còn có truyền thống đạo đức, phân chia cho các xứ đạo luân phiên tuần tự nhận chầu Mình Thánh Chúa thay cho giáo phận, hay gọi là “chầu lượt”.
Thông lệ giáo xứ nào cũng dành cả tuần lễ trước để chuẩn bị, như mời các cha đến “làm phúc” tĩnh tâm dọn mình cho giáo hữu sốt sắng hơn, đồng thời nhiều nơi còn xin đức cha về cho các em thiếu nhi rước lễ lần đầu và lãnh bí tích thêm sức vào dịp này. Thật là niềm vui cho mọi thành phần dân Chúa.
Đây cũng là cơ hội tụ tập dân làng, những kẻ đi làm ăn xa, được tin cũng náo nức thu xếp trở về cho kịp mừng lễ, tham gia cuộc rước, dự giờ chầu, ngoài ra còn có nhiều thân hữu khách khứa ở các địa phương khác cũng được mời đến thông công, chung vui với xóm đạo, làng nước, trong sự đón tiếp nồng hậu của bà con giáo dân.
Đến tuần chầu, theo chương trình thường kéo dài trong ba ngày: khai mạc, chính ngày và bế mạc, ngoài cao điểm thánh lễ đồng tế trọng thể ra, còn có giờ chầu chung toàn xứ. Tiếp đến các họ, các xứ bạn, xóm giáo, hội đoàn luân phiên phụ trách các giờ chầu liên tục, kể cả lúc đêm khuya thanh vắng, lời kinh tiếng hát chúc tụng tôn vinh bí tích cực thánh vang lên không ngừng, nói lên tâm tình đoàn con yêu mến Chúa Giêsu, đã chết để đền tội cho nhân loại mà nay còn hiện diện trong phép Thánh Thể, nuôi dưỡng đoàn con Chúa yêu “Ai ăn thịt Ta, và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy!” (Ga 6:57).
Riêng cuộc rước kiệu Thánh Thể xung quanh nhà thờ hay trên các đường phố hoặc làng quê, xuất phát nơi các cuộc kiệu khởi đầu từ cuối thế kỷ XIII ở Pháp và Đức, sau đó được phổ biến rộng rãi khắp châu Âu vào thế kỷ XIV - XV. Còn tại Rôma cũng được thực hiện cuộc rước bắt đầu từ năm 1350, các vị Giáo hoàng không những khuyến khích việc này, mà còn ban những ân xá cho giáo hữu tham gia các cuộc cung nghinh Thánh Thể nơi các xứ đạo hằng năm, vì “Thánh Thể còn là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô giáo.” (Lumen Gentium 11).
Qua tập tục đạo đức lưu truyền trên, khi các xứ đạo đến phiên được chỉ định chầu lượt, các vị trùm trưởng, chức việc đều sốt sắng chu toàn phần việc trong xứ giao cho, và còn phải đôn đốc tín hữu nam nữ khi tham gia cuộc rước “Săng -Ty” đi trong hàng ngũ đều phải y phục chỉnh tề, đoàn thể lo sắm sửa cờ quạt, áo quần đồng phục tươm tất. Đội trắc, hội kèn trống tập dượt từ lâu chỉ chờ dịp này là ra quân. Hội các bà mẹ thì chuẩn bị áo nhung, ô dù, khăn nhiễu. Riêng quý ông đảm trách cầm phương du, che lọng đi theo cha xứ cung nghinh Mình Thánh Chúa lại càng nôn nức chuẩn bị quốc phục áo tấc, khăn đóng nổi bật trong cuộc rước. Trước đó mọi thành phần trong giáo xứ còn thi đua thực hiện các trạm chầu Thánh Thể trải dài theo các xóm giáo, đường sá tu bổ bằng phẳng ngay ngắn, cây cối tre nứa cắt tỉa quang đãng, nhà hai bên cuộc rước đi qua đều trang trí bàn thờ trước cửa để bái vọng... Bầu không khí trong làng xóm tưng bừng hẳn lên.
Ngày cuối sau thánh lễ đồng tế, đến giờ khởi hành cuộc kiệu Mình Thánh Chúa trong nhà thờ đi ra, tiếng chuông đổ hồi, hòa cùng lời hát của ca đoàn vang lên, tiếp theo là tiếng kinh rập ràng của hàng ngũ tín hữu tuần tự di chuyển theo lộ trình, khi đến mỗi trạm, đoàn rước ngừng lại để mọi người quỳ xuống, cha chủ sự cung kính rước thánh thể tiến lên đặt trên tòa cho giáo dân cầu nguyện ca hát thờ lạy Chúa, sau đó cha chủ sự lại cung nghinh “mặt nhật “ đi đến các trạm kế tiếp cho đến hết, cuối cùng đoàn rước “Săng -Ty” về lại nhà thờ, cộng đoàn tham dự giờ chầu chung kết thúc tuần chầu lượt tại xứ nhà.
Qua những ngày giờ tất bật chuẩn bị cũng như tham gia các việc đạo đức, giờ đây mọi người ra về với đời sống thường nhật, lòng hân hoan mừng vui với niềm tin rằng Chúa sẽ ban muôn ơn lành hồn xác, công ăn việc làm thuận lợi, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, gia đình ấm no hạnh phúc, xóm làng đoàn kết, xứ đạo thăng tiến và giáo phận luôn phát triển bền vững,trong tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể.