Trung ương UBĐKCG Việt Nam và Ban Dân vận tỉnh ủy Kiên Giang chúc mừng Đại hội |
Kiên Giang có 4 giáo hạt là Rạch Giá, Tân Hiệp, Tân Thạnh và Hà Tiên trực thuộc Giáo phận Long Xuyên. Toàn tỉnh có 110 nhà thờ và nhà nguyện truyền thống, Đền thánh (trong đó có 5 giáo xứ và 23 giáo họ), 129 linh mục, 95 tu sĩ, 496 chức việc và 116.638 giáo dân. Đồng bào Công giáo sống tập trung ở 35 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, nhiều nhất ở huyện Tân Hiệp, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, một số ít mua bán, dịch vụ và làm nghề tiểu thủ công nghiệp.
Các sự kiện, sinh hoạt tôn giáo của đồng bào Công giáo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và và các ban, ngành, đoàn thể quan tâm thăm, chúc mừng và tạo mọi điều kiện thuận lợi như: Các ngày lễ Giáng sinh, Phục sinh, lễ Truyền dầu, lễ Ngân khánh, Kim khánh. Việc cấp phép xây dựng cơ sở thờ tự, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến việc đào tạo tu sĩ, hoặc đi tham quan du lịch, hay khám chữa bệnh cũng như học tập của các linh mục, tu sĩ ở trong và ngoài nước đều được quan tâm, hướng dẫn chu đáo và tạo mọi điều kiện thuận lợi.
Một số hình ảnh tại Đại hội Đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Kiên Giang lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2027 |
Nhiệm kỳ qua, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước theo tinh thần “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào” đã mang lại những kết quả tích cực, thiết thực trong đời sống cộng đồng.
Đồng bào Công giáo luôn phấn khởi thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đàng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực phong trào thi đua yêu nước. Tham gia hưởng ứng các phong trào, đảng viên là người có đạo ở nhiều nơi đã phát huy vai trò sống “tốt đời, đẹp đạo”. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” đã được đồng bào Công giáo từ thành thị đến các vùng nông thôn, hải đảo, biên giới xa xôi nhiệt tình tham gia hưởng ứng. Nhiều xứ, họ đạo còn kết hợp thực hiện các phong trào: “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Gia đình Công giáo tiên tiến”, “Xứ đạo tiên tiến”; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng 22 mô hình Câu lạc bộ “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”; thi đua tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống, góp phần tạo sự đoàn kết gắn bó trong đồng bào Công giáo cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Đồng bào Công giáo luôn phát huy truyền thống tương thân tương ái bằng những việc làm cụ thể như: vận động, đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ, thăm viếng, tặng quà, xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia dinh thương binh - liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng... kết quả đóng góp gần 4,5 tỷ đồng, góp phần cùng Nhà nước thực hiện tốt việc chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em cơ nhỡ tại địa phương.
Song song với việc phát triển kinh tế, đồng bào Công giáo tỉnh Kiên Giang còn quan tâm đến phát triển văn hóa-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, quốc phòng ở địa phương; nhiều mô hình mới được thành lập như: “Thanh niên xứ đạo phòng, chống tội phạm và ma tuý”, “Xóm đạo bình yên, gia đình hạnh phúc”, “Tố giác tội phạm”... Điển hình như huyện Tân Hiệp có phong trào “Gia đình an toàn về an ninh trật tự” ; huyện Giồng Riềng có phong trào “Tự quản về an ninh trật tự”, “Giải quyết việc làm cho người lầm lỗi”; huyện Kiên Lương có phong trào “Xứ đạo không có con em vi phạm pháp luật, ma túy”; thành phố Rạch Giá có phong trào “Xứ đạo bình yên, xứ đạo tiên tiến”; ở huyện Châu Thành có mô hình “xứ đạo không có tệ nạn xã hội”...
Đối với thanh niên đến tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự thì các vị chức sắc và thân nhân đã động viên con em đăng ký đi khám tuyển sức khỏe và sẵn sàng lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Một số em nay đang là sĩ quan, hạ sĩ quan tại ngũ, số trở về địa phương tích cực học tập và lao động.
Đồng bào Công giáo tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư vốn, công sức, thay đổi nếp nghĩ cách làm, khắc phục khó khăn về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh... để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đã mang lại kết quả cao. Tích cực tham gia đóng góp vào sự nghiệp giáo dục ở địa phương bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: đội ngũ giáo viên có khoảng 600 người ở các cấp học trong tỉnh, có một số giáo viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu nhà giáo Ưu tú, nhà giáo Nhân dân. Điển hình cho phong trào hỗ trợ sự nghiệp giáo dục là Trường Khuyết tật tình thương Mỹ Lâm do sơ Nguyễn Thị Hồng làm Hiệu trưởng, trường nuôi dạy trên 400 trẻ em khuyết tật, vừa dạy văn hóa, gắn với dạy nghề và dạy phát âm cho trẻ câm, điếc… với tổng kinh phí hỗ trợ giáo dục, khuyến học trên 25 tỷ đồng.
Ngoài tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đồng bào Công giáo còn tích cực hưởng ứng “Ngày vì người nghèo”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương, phát huy quyền dân chủ thông qua các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Gắn bó với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác, nên quy tụ ngày càng nhiều giáo dân tham gia vào các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Nhiệm kỳ VIII (2022-2027), Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang xác định phương hướng hoạt động là “Hợp tác, đồng hành và chia sẻ”. Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Kiên Giang tích cực làm cho mọi người thuộc mọi thành phần trong xã hội đến gần nhau hơn, nhằm thực hiện trách nhiệm xây dựng và thực hiện hóa phương châm “Tốt đạo đẹp đời” và “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.
Động viên đồng bào Công giáo Việt Nam trong và ngoài nước tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vận động đồng bào Công giáo nêu cao lòng yêu nước, thể hiện cụ thể trong lao động sản xuất, công tác và học tập, tham gia tích cực vào các cuộc vận động do Nhà nước, Mặt trận và các Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội phát động, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Đại hội đã hiệp thương bầu 61 vị Uỷ viên, bầu 07 vị vào Ban Thường trực, linh mục Vinhsơn Phaolô Phạm Thế Hòa, chánh xứ giáo xứ An tôn Kênh 1A được được Đại hội tín nhiệm suy cử làm Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2022-2027.