Tin tức - Hoạt động

Để lễ hội thực sự văn hóa và ý nghĩa

Cập nhật lúc 14:41 16/04/2018
Ý nghĩa thực sự của lễ hội đang bị lòng tham lấn lướt. Lòng tham đó đã đến mức báo động khi đi lễ hội không còn là chuyện văn hóa tâm linh mà trở thành vi phạm kỷ cương... Điều này cho thấy đang có những lệch lạc về nhận thức tôn giáo, tín ngưỡng.
Người dân cúng lễ, trong mâm lễ nào cũng phải có vài tập vàng mã các loại. Ảnh: Nam Trần Ảnh: TL
Người dân cúng lễ, trong mâm lễ nào cũng phải có vài tập vàng mã các loại. Ảnh: Nam Trần Ảnh: TL

Khi đời sống kinh tế đi lên, nhiều người có xu hướng “phú quý sinh lễ nghĩa”. Họ muốn dùng tiền của để giải quyết các việc, các quan hệ, ngay cả đối với thần thánh. Họ đốt nhiều vàng mã, đặt nhiều tiền rồi xin theo những ý muốn cá nhân, đó được xem như phương thức nhằm đảm bảo “an ninh tinh thần” cho bản thân. Điều đáng nói hơn là tâm lý này phổ biến và đã ăn sâu vào tiềm thức rất nhiều người, theo GS.TS Đỗ Quang Hưng – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tôn giáo (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam.

GS Đỗ Quang Hưng cũng lưu ý: Lễ chùa, lễ đền là để cho cái tâm được gần với Đức Phật, là để tưởng nhớ các vị có công với dân, với nước, với cộng đồng. Bản chất là để giác ngộ được thân phận mình, giác ngộ cái tâm để tu tâm dưỡng tính chứ không phải thần thánh dùng “phép” giải thoát người này, người kia. Thế nhưng, ý nghĩa thực sự này đang bị lòng tham của nhiều người lấn lướt. Họ đi lễ chỉ chăm chăm vào việc xin đủ thứ. Lòng tham xin xỏ đã đến mức báo động khi ngay cả một số công chức cũng bỏ giờ làm để đến chùa, đến đền xin xỏ, dẫn đến đi lễ chùa không còn là chuyện tâm linh tín ngưỡng, tôn giáo mà trở thành vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật lao động, bị xử lý, điển hình như trường hợp Giám đốc Điện lực huyện Bình Lục (Hà Nam) bị miễn nhiệm chức vụ do đi lễ đền trong giờ làm việc mà báo chí phản ánh vừa qua.

Về quy định không đốt vàng mã tại cơ sở Phật giáo, GS Đỗ Quang Hưng cho rằng, việc này có thể làm được trong không gian chùa, giống như trước kia người dân lễ chùa thường cầm cả nắm hương đốt, giờ nhà chùa quy định mỗi người chỉ thắp một nén. Tuy nhiên, cái khó nhất chính là ở không gian công cộng, không gian xã hội. Liệu 10 triệu tín đồ Phật giáo là nòng cốt có đồng thuận không đốt vàng mã hay không? Hay họ không đốt tại chùa nhưng vẫn đốt vàng mã với số lượng nhiều tại gia đình, tại các lễ hội bên ngoài chùa. Đó là chưa kể còn rất đông những người không phải là tín đồ Phật giáo. Vì thế, với không gian xã hội, cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng.

“Không chỉ riêng đốt vàng mã mà nhiều chuyện khác liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cũng vậy. Việc hàng nghìn người chiếm mặt đường giao thông dài cả cây số ngay giữa Thủ đô để tham gia lễ giải hạn gây ảnh hưởng giao thông công cộng. Hàng trăm người kéo đến dựng bạt thắp hương thờ con rắn nước trên phần mộ vì một số kẻ đồn thổi rằng đó là… rắn thần(!?); hay sự việc công trình xây dựng không phép trong khu Di tích Tràng An - Ninh Bình… là những vấn đề xã hội liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo mà Nhà nước cần thể hiện rõ vai trò quản lý của mình” - GS Đỗ Quang Hưng chia sẻ.

Việt Nam hầu như ngày nào cũng có lễ hội, nhưng tập trung nhiều vào tháng Giêng. Sau Tết âm lịch, người ta nô nức đi lễ hội, hết hội làng mình rồi sang hội làng bên, tỉnh bên… Nếu không chấn chỉnh thì vẫn sẽ tiếp diễn việc vi phạm kỷ cương, cũng sẽ dễ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, thực tế tại một số nơi đang có hiện tượng lễ hội bị “nống” lên hoặc bị “chệch chuẩn” dẫn đến những hình ảnh phản cảm, kích thích mê tín…

Vì vậy, theo GS Đỗ Quang Hưng, Nhà nước cần rà soát các quy định khung và chấn chỉnh kịp thời sao cho lễ hội thực sự văn hóa, mang đậm ý nghĩa lịch sử và bản chất tốt đẹp của tôn giáo, nhưng vẫn đảm bảo được nguyên tắc lễ hội là của cộng đồng.
 
AN LUÝCH
Thông tin khác:
5 năm trên ngai tòa Phêrô (10/04/2018)
Lời tiễn biệt Đức TGM Phaolô của UBĐKCG TP. HCM (09/04/2018)
Làng Fatima (05/04/2018)
Chiếc nôi văn hóa đức tin (04/04/2018)
Thực hiện tốt chế độ đãi ngộ đối với cô đỡ thôn bản (04/04/2018)
Đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền (03/04/2018)
Trọn mối tình duyên (29/03/2018)
Hàng Triệu Công Giáo Việt Nam chuẩn bị bước vào Tuần Thánh (22/03/2018)
Lễ khai bút "Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liên" (22/03/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log