Tin tức - Hoạt động

ĐỐI THOẠI VÀ HOÀ GIẢI

Cập nhật lúc 16:28 07/08/2009

 

Ngày 25 tháng 01 năm 2007, khi Đức Bênêđictô XVI tiếp kiến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cũng có một làn sóng bất bình nữa lại dâng lên, nhất là trong giới Công giáo gốc Việt ở nước ngoài.
Phản ứng đó dễ hiểu, bởi vì lập trường “chống Cộng” đã kéo dài từ những thập niên đầu của thế kỷ XIX, sau khi Thông điệp Divini Redemptors của Đức Piô XI ra đời, và sau đó được tăng cường bởi giáo huấn của Đức Piô XII, và riêng tại Việt Nam, Thư chung của các Giám mục Đông Dương năm 1951 đã đưa ra biện pháp cứng rắn, là phạt vạ tuyệt thông những ai cộng tác với cộng sản: tất cả những sự kiện lịch sử ấy, đối với nhiều người, chứng tỏ rằng Giáo hội Công giáo chưa bao giờ chính thức từ bỏ chủ trương đối đầu với Cộng sản.
Chính trong bầu không khí đó, mà Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục của Giáo hội Việt Nam thống nhất đã ra đời như một sự đột phá, mở ra một thời kỳ mới cho Giáo hội Việt Nam. Tuy nhiên, ngọn đèn sáng của Thư chung 1980 đã sớm bị lu mờ, vì xem ra nhiều người vẫn chưa đồng tình với lời ngôn sứ mà Thần Khí Chúa đã nói qua các Giám mục, trong ngày khai sinh Hội đồng Giám mục Việt Nam thống nhất.
Mãi đến năm 2001, nghĩa là 21 năm sau, tinh thần Thư chung 1980 mới được hâm nóng lên trong Thư chung 2001, để rồi sau đó lại nguội lạnh đi.
Mới đây, khi Giáo hội Việt Nam đề ra chương trình tổ chức Năm Thánh 2010, kỷ niệm 350 năm thành lập Giáo hội Việt Nam, và 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm, đã có ý kiến thêm vào Năm Thánh đó một lý do khác nữa: là kỷ niệm 30 năm Thư Chung 1980. Nhưng ý kiến đó đã không được quan tâm.
Nhưng thật may mắn thay, trong bài diễn văn vừa rồi, đọc trước Giám mục đoàn Việt Nam, quy tụ trước mặt ngài, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã trích dẫn Thư chung 1980, nhắc lại cho các vị mục tử coi sóc Dân Chúa tại Việt Nam, đường hướng mục vụ mà chính các ngài đã chọn cách đây gần 30 năm về trước: “Hội thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam “ (Thư Chung, 8)
Ai cũng biết, Đức đương kim Giáo hoàng, khi nhậm chức, đã chọn cho mình danh hiệu Bênêđictô XVI, bày tỏ ý muốn tiếp nối sự nghiệp của vị Giáo hoàng tiền nhiệm xa xưa Bênêđictô XV, người đã chủ tâm hướng Giáo hội về Phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc- cũng như Đức Phaolô VI sau này, có chủ trương hướng về Đông Âu. Nhưng nhiệm kỳ ngắn ngủi 8 năm (1914-1922), lại thêm biến cố Đệ nhất thế chiến, đã khiến Đức Bênêđitô XV không thể làm được gì nhiều để có thể đạt tới mục tiêu. Về phần Đức Bênêđitô XVI, như chúng ta đã thấy, ngài đã dò dẫm nhiều nẻo đường để vào Trung Quốc, nhưng mục tiêu ấy xem ra vẫn còn xa vời.
Có lẽ vì thế mà ngài đã chọn Việt Nam làm đích đến đầu tiên, để bước vào lục địa Á châu này, bởi vì dù sao thì Việt Nam cũng là một nước đông người Công giáo đứng hàng thứ hai, sau Phi Luật Tân. Vả lại, tình hình Giáo hội Công giáo Trung Hoa khó khăn phức tạp hơn nhiều, so với Việt Nam. Thật vậy, bên Trung Hoa hiện nay có tới hai “giáo hội”: Giáo hội Công giáo được mệnh danh là “Giáo hội dưới lòng đất”, và một “giáo hội” được gọi là “quốc doanh” hay “Giáo hội của nhà nước”, mặc dầu gần đây Tòa Thánh xem ra có vẻ muốn hòa giải hai cộng đồng Giáo hội này, bằng cách nhìn nhận một số Giám mục “quốc doanh”.
Ở Việt Nam, cho tới nay, tuy vẫn còn có những người phản đối cuộc đối thoại và cố gắng tái lập bang giao giữa Tòa Thánh và Nhà nước, viện cớ cho rằng ở Việt Nam cũng có một “Giáo hội tự trị”, đó là Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, và dưới thời Đức Gioan Phaolô II, đã có những nhân vật cấp cao trong Tòa Thánh muốn dẹp Ủy ban này. Nhưng sự thật vẫn là sự thật: Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam chẳng bao giờ là một “Giáo hội tự trị”, hay “Giáo hội quốc doanh” theo kiểu Trung Quốc. Ngay từ thời trước khi hòa bình thống nhất được lập lại, thì Ủy ban Liên lạc Công giáo, - dưới góc độ nào đó được coi là tiền thân của Ủy ban Đoàn kết,- dù có bị hiểu lầm hay bị gán cho tội này tội khác, vẫn một mực trung thành với Đức Giáo hoàng Rôma. Ở Việt Nam không hề có một “Giáo hội tự trị” bao giờ, vì tất cả các linh mục trong Ủy ban đều là những linh mục đang phục vụ trong các giáo phận dưới quyền các giám mục hay dưới quyền các Bề trên cao cấp các Dòng tu hợp pháp, theo đúng Giáo luật. Ủy ban Đoàn kết Công giáo chỉ là một tổ chức qui tụ những người Công giáo tự nguyện gia nhập, để cùng nhau đóng vai trò như một nhịp cầu nối giữa hai bên Đạo và Đời, giúp hai bên hiểu biết nhau nhiều hơn, để dễ dàng cộng tác trong việc phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, hầu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, huynh đệ. Ủy ban Đoàn kết Công giáo không phải là một đảng phái chính trị, mà chỉ là thành phần của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức do Nhà nước lập ra với mục đích quy tụ các tổ chức đại biểu cho mọi thành phần dân tộc: chính trị, tôn giáo, xã hội vv. nhằm xây dựng tinh thần đoàn kết mọi người Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước.
Còn nhớ Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã công khai tuyên bố trong hội nghị trù bị thành lập Ủy ban, ngày 26-10-1983, tại Thành phố Hồ Chí Minh:
 “Theo ý kiến riêng của tôi, một tổ chức toàn quốc để phục vụ đất nước, một tổ chức để động viên tất cả những người Công giáo: linh mục, tu sĩ và giáo dân sống trên toàn lãnh thổ Việt Nam, để họ ngày thêm chân thành yêu nước, tích cực tham gia mọi công tác của Chính phủ đề xướng, làm cho đồng bào chúng ta ngày thêm hạnh phúc, đất nước ngày thêm thịnh vượng là việc làm tốt. Nhất là ở đây, một tổ chức như thế nhằm mục đích tạo dựng đoàn kết giữa người có đạo và người không có đạo, làm cho người Công giáo thấu triệt hơn mãi chính sách của những anh em cách mạng, và đồng thời mặc dầu là cơ quan chính trị, đạt lên những ý kiến giúp Chính quyền hiểu rõ hơn các sinh hoạt Kitô giáo. Một tổ chức như vậy, theo ý tôi, là một việc tốt, đáng khuyến khích. Ủy ban cần nêu lên những mục tiêu rõ ràng, mọi người bớt thắc mắc và thấy được ích lợi của Ủy ban đối với đất nước và với Hội Thánh.”
Vậy nếu hôm nay, Đức Bênêđictô XVI kêu gọi các Giám mục và Giáo hội Việt Nam "đóng góp vào việc phát triển nhân bản và tâm linh của con người, nhưng cũng đồng thời đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Việc tham gia vào tiến trình này là một bổn phận, và một sự đóng góp quan trọng, nhất là trong lúc mà Việt Nam cũng đang từ từ mở cửa về phía cộng đồng thế giới"
Hơn nữa, ngài còn mời gọi Giáo hội Việt Nam hợp tác lành mạnh với cộng đồng chính trị, ngài nói: “Một sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị có thể thực hiện được. Về điểm này, Giáo hội mời gọi các phần tử của mình dấn thân một cách trung thực để xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng.”
Thông điệp Đức Bênêđictô XVI gửi Giáo hội Việt Nam, qua hàng giám mục, thật là một luồng gió thổi vào, có khả năng thay đổi thời cuộc ở đất nước chúng ta. Đây là một thông điệp có ý nghĩa hết sức quan trọng, và chúng ta tin rằng thông điệp ấy sẽ tạo ra một khúc ngoặt mới, sớm đem lại sự phục hồi quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam, mà hệ lụy tất yếu sẽ là giúp cho Giáo hội Việt Nam nhận ra được vị trí đích thực của mình trong cộng đồng quốc gia dân tộc, để thực hiện được châm ngôn mà Thư Chung 1980 chọn, đó là: “Đồng hành cùng dân tộc” và “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, để phục vụ hạnh phúc của đồng bào.”
TIẾNG NÓI TIÊN TRI 30 NĂM VỀ TRƯỚC
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhớ lại những gì mà Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã nói cách đây hơn 20 năm, và chúng ta vừa nhắc lại trên đây, thì có thể nói những lời phát biểu của vị Tổng Giám mục mang danh Hòa Bình, có thể được coi như một lời “tiên tri” dọn đường cho những gì vừa xảy ra cho chúng ta hôm nay. Nhưng nói thế vẫn chưa đủ, bởi vì đúng hơn phải nói chính Thư Chung 1980 mới lời ngôn sứ mà Thần Khí Chúa đã soi sáng cho Hội đồng Giám mục Việt Nam thống nhất nói ra vào thời điểm ấy. Và theo tôi nghĩ, Thư chung ấy còn là một trong những công trình quan trọng có ý nghĩa nhất, mà Hàng Giáo phẩm Việt Nam đã thực hiện, đáng được ghi nhớ và nhắc đến trong Đại hội Dân Chúa năm 2010 sắp tới.
Nhưng Thư Chung 1980 đã chưa có thể tác động mạnh mẽ để có khả năng đổi mới tư duy và canh tân Giáo hội theo chiều hướng hòa giải với mọi thành phần dân tộc, đặc biệt là với người Cộng sản, sở dĩ thế là vì công cuộc hòa giải không phải bao giờ cũng dễ dàng, bởi nó đòi hỏi trước hết sự tha thứ và sự khiêm tốn của cả đôi bên, khiến cho có thể gặp gỡ, đối thoại và hiểu biết lẫn nhau. Lịch sử cho thấy chiến tranh là một biện pháp dễ dàng mà nhân loại thường dùng tới để giải quyết những tranh chấp và mâu thuẫn. Trái lại, để có thể hòa đàm đưa tới đình chiến hay hòa bình,- chứ chưa nói đến hòa giải thực sự,- người ta phải mất rất nhiều thời gian. Điều đó cũng tựa như mở chốt lựu đạn hay bóp cò súng, nhất là bấm nút cho bom trút xuống, thì rất dễ dàng và mau chóng, chẳng khác nào một que diêm đủ để đốt cháy cả một khu phố. Trái lại, để dọn dẹp đống đổ nát do súng ống, bom đạn gây ra, thì phải nhiều tháng nhiều năm.
Hòa bình thì ai cũng muốn, nhưng với điều kiện đó phải có lợi cho mình. Hồi xưa Rôma đã áp đặt hòa bình cho các xứ sở mà họ xâm lăng chiếm đóng. Vì thế Pax Romana chỉ là hòa bình của Rôma. A-lịch-sơn đại đế cũng muốn chinh phục các nước và áp đặt hòa bình của ông cho thiên hạ; Napôlêông, rồi sau này Hítle, Pháp, Mỹ cũng muốn áp đặt hòa bình cho các nước khác. Mới đây, khi khui những tài liệu mật của Tòa Bạch ốc, người ta đọc được đoạn băng ghi cuộc trao đổi giữa ông Nixon và ông Kissinger, trong đó ông Nixon nói với ông Kissinger đại ý: “Nếu hắn (ông Nguyễn Văn Thiệu) không chấp nhận (hiệp định đình chiến Paris), thì tôi sẽ cắt đầu hắn !” Người ta giải thích rằng: ý ông Nixon muốn nói là sẽ cắt viện trợ. Dù giải thích thế nào đi nữa, thì người Mỹ cũng đã “cắt đầu” ông Ngô Đình Diệm năm 1963, vì đã không chấp nhận một thứ trật tự, hòa bình kiểu Mỹ, Pax America !
Giáo hội không có hòa bình nào để áp đặt cho các quốc gia hay cho thế giới, bởi vì như Đức Bênêđictô XVI nói: “Giáo hội không đòi hỏi phải thay thế những nhà cầm quyền cai trị, nhưng chỉ mong muốn có thể góp phần chính đáng vào đời sống quốc gia, để phục vụ toàn dân, trong tinh thần đối thoại và hợp tác, tôn trọng lẫn nhau.”
Đức Giêsu khi nhập thể làm người, đã công bố Tin Mừng Bình an cho nhân loại:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14)
Nhưng Bình an đó không phải thứ bình an mà nhân loại áp đặt hay xây dựng cho nhau, mà là Bình an mà Đức Giêsu ban tặng bằng chính giá máu của Người đổ ra trên thập giá, như thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Côlôxê:
"Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,
Thiên Chúa đã đem lại bình an
Cho mọi loài dưới đất,
Và muôn vật trên trời.” (Cl 1,20)
Cũng như Chúa Giêsu, Giáo hội không có quyền lực nào để có thể áp đặt bất cứ một nền hòa bình nào cho thế giới, hay cho bất cứ một dân tộc nào, nhưng Giáo hội có thể đóng vai trò trung gian hòa giải, cho dẫu có thể trả bằng giá máu của mình.
Phần đông người Việt Nam đã trải qua cuộc chiến Việt Nam, có thể nói ngay tự trong xương tủy của mình, đã từng bị dằn vặt, xâu xé, và khổ đau trong chính trái tim mình. Vì thế chúng ta mới hiểu tại sao sự hòa giải mới khó khăn đến thế. Đúng là “có qua cầu mới hay”. Nhưng dù sao đi nữa, đã đến lúc phải dứt khoát để cho quá khứ lùi hẳn về dĩ vãng, để mọi người chỉ còn hướng tới ngày mai.
Đối với người Công giáo chúng ta, giờ đây không còn có sự lựa chọn nào khác, và chúng ta cũng không thể chần chừ, bởi vì lời kêu gọi hòa giải đã được chính Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đưa ra. Lời kêu gọi đó cũng chính là lời mà Thánh Phaolô đã đưa cách đây hơn 2000 năm trong Thư thứ II gửi tín hữu Côrintô, (5, 17-21), đăc biệt là câu sau đây mà tôi đã trích dẫn nhiều lần trong nhiều bài viết : “Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người, và giao cho chúng tôi chức vụ hòa giải. Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải.” (2 Cr 5,19). Chức vụ hòa giải mà Giáo hội đã nhận được từ nơi Thiên Chúa, và lời hòa giải mà Giáo hội phải công bố là gì, nếu không phải là hòa giải ngay trong Cộng đồng Giáo hội, và hòa giải giữa Giáo hội với cộng đồng nhân loại, và hòa giải cả cộng đồng nhân loại với nhau. Hay nói theo Kinh Tạ Ơn Hòa Giải II, Giáo hội phải đồng thời là “dấu chỉ hiệp nhất” và là “lợi khí xây dựng hòa bình” cho toàn thể nhân loại.
Đối thoại là nói chuyện với người khác, chứ không phải nói với chính mình, và hòa giải là tìm cách xóa bỏ bất đồng giữa hai người khác lập trường hay quan điểm. Trái lại, nếu hai bên đã đồng thuận với nhau, thì chẳng cần đối thoại làm gì. Nói khác đi , hòa giải không có nghĩa là đầu hàng, cũng chẳng có nghĩa là bất đắc dĩ chấp nhận quan điểm của phía đối lập. Vì thế, điều kiện tiên quyết của hòa giải, là mỗi bên phải là mình, thực sự là mình, và bình đẳng với người đối diện. Chỉ có thế thì cuộc đối thoại mới thực sự có ý nghĩa. Mình là mình, nhưng tôn trọng và chấp nhận tha nhân, sẵn sàng đối thoại để tìm ra một nền tảng hợp tình hợp lý và vững chắc, để cùng nhau hợp tác chân thành, thẳng thắn với nhau, “để xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng”, như Đức Giáo hoàng đã nói.
THAY LỜI KẾT
Ở đây, để kết luận, một lần nữa tôi lại xin phép trích dẫn nguyên tắc bất hủ mà nhà hiền triết của Á châu, Lão Tử đã đưa ra cho mọi cuộc hòa giải, đó là:
Tỏa kỳ nhuệ,
Giải kỳ phân,
Hòa kỳ quang
Đồng kỳ trần.” (ĐĐK IV,3)
Có nghĩa là gọt dũa những góc cạnh sắc nhọn, giảm bớt khoảng cách, hòa cái sáng của mình với cái sáng của tha nhân, nhìn nhận mình cũng bụi bặm như ai.
Đức Giêsu vốn ngang hàng với Thiên Chúa, vậy mà Người đã muốn trở nên ngang hàng với chúng ta, nên giống như mọi người trần thế, Người đã “trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (x.Pl 2,6-7), Người còn muốn chúng ta trở thành ánh sáng như Người (x.Mt 5,14-16), và tuy Người không hề phạm tội bao giờ, nhưng đã tự đồng hóa mình với tội nhân, khi chấp nhận chịu đóng đinh như một tội phạm, giữa hai kẻ trộm cướp (x.Lc 23,39-43). Quả thật Đức Giêsu Kitô đã trở nên gương mẫu tuyệt vời, có một không hai trong lịch sử nhân loại, từ khi thế giới được tạo thành.
Vậy thì chẳng lẽ nào Giáo hội lại không bắt chước Chúa của mình để thực hiện công trình hòa giải như Người đã thực hiện, Bởi vì chỉ có ai xây dựng hòa bình mới được gọi là con Thiên Chúa (x. Mt 5, 9).
09-07-2009
Kỷ niệm 45 năm linh mục
Lm Thiện Cẩm
Nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc số 175 tháng 6.2
Thông tin khác:
Hội nghị khoáng đại của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (07/08/2009)
HỘI NGHỊ SƠ KẾT PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC (06/08/2009)
Đồng chí Trương Tấn Sang: Hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo phải nhằm tăng cường đoàn kết toàn dân tộc (03/08/2009)
TỪ TRƯỜNG SƠN ĐÔNG TỚI SONG TỬ TÂY (29/07/2009)
Bổ nhiệm bốn Giám Mục cho Giáo Hội tại Việt Nam (28/07/2009)
LỄ DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN CHO CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ (28/07/2009)
Chứng tích chiến tranh tháp chuông Tam Tòa trở thành 'điểm nóng' (28/07/2009)
BÀI PHÁT BIỂU CÙA LM.NGUYỄN ĐỨC HIỆP NHÂN NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ (27/7/2009) (28/07/2009)
NGHỊ QUYẾT (24/07/2009)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log