Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Giáng sinh 2022 Tòa Tổng giáo phận Hà Nội. |
Ngài mở đầu Sứ điệp: “Ở mọi thời đại, hòa bình vừa là món quà từ ơn trên vừa là kết quả của sự dấn thân chung. Chúng ta có thể nói về một “khoa kiến trúc” của hòa bình, mà các thể chế khác nhau của xã hội đóng góp vào đó, và một “nghệ thuật” của hòa bình bao gồm mỗi người chúng ta cùng nhau hợp tác để xây dựng một thế giới hòa bình hơn, bắt đầu từ trái tim của mỗi người và từ các mối quan hệ trong gia đình, trong xã hội và với môi trường, cho đến các mối quan hệ giữa các dân tộc và quốc gia”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, chúc mừng Giáng sinh 2022 tại Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. |
Đức Thánh Cha nêu ba việc cụ thể cần làm. Thứ nhất, coi “Đối thoại” giữa các thế hệ là nền tảng cho việc hiện thực hóa các dự án chung. Ngài giải thích chí tình chí lý: “Đối thoại có nghĩa là lắng nghe nhau, chia sẻ những quan điểm khác nhau, đi đến thống nhất và bước đi cùng nhau. Cổ võ sự đối thoại như vậy giữa các thế hệ có nghĩa là phá vỡ mảnh đất khô cứng và cằn cỗi của xung đột và sự dửng dưng để gieo hạt giống của một nền hòa bình chung và lâu dài”.
Thứ hai, coi “Giáo dục” là một yếu tố của tự do, trách nhiệm và phát triển. Ngài hướng dẫn bước đi: “Điều cần thiết là phải hình thành một mô hình văn hóa mới thông qua “một hiệp ước toàn cầu về giáo dục” cho các thế hệ tương lai, trong đó các gia đình, cộng đồng, trường học, trường đại học, tổ chức, tôn giáo, chính phủ và toàn bộ gia đình nhân loại dấn thân đào tạo những người nam nữ trưởng thành. Một hiệp ước có thể thúc đẩy giáo dục trong hệ sinh thái toàn vẹn, theo một mô hình văn hóa hòa bình, phát triển và bền vững, tập trung vào tình huynh đệ và giao ước giữa con người và môi trường”.
Thứ ba, coi “Việc làm” là một phương tiện để nhận thức đầy đủ phẩm giá của con người. Ngài chỉ giáo: “Thực tế, việc làm là nền tảng để xây dựng công bằng và tình liên đới trong mọi cộng đồng. Việc làm là nhu cầu thiết yếu, là một phần ý nghĩa của cuộc sống trên trái đất này, là con đường để trưởng thành, phát triển con người và hoàn thiện bản thân. Chúng ta cần kết hợp các ý tưởng và nỗ lực của mình để tạo ra các giải pháp và điều kiện có thể cung cấp cho mọi người trong độ tuổi lao động cơ hội, thông qua công việc của họ, đóng góp cho cuộc sống gia đình họ và xã hội”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với các chức sắc và đại diện các tổ chức tôn giáo tham dự hội Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Tại Việt Nam, đồng bào Công giáo lắng nghe và thực thi lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô, thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá “Đất nước có phong trào gì thì các tôn giáo hưởng ứng tích cực, đóng góp hiệu quả cho phong trào đó. Đất nước có khó khăn, thách thức thì tôn giáo đồng hành cùng đất nước vượt qua. Đất nước có thuận lợi và thời cơ thì tôn giáo thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển hùng cường, thịnh vượng và Nhân dân ấm no, hạnh phúc” (lời phát biểu tại “Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” tổ chức ngày 30/8/2022).
Thủ tướng trân trọng nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”; “Lương - giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định thắng lợi”. Lời của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị về sự thống nhất, đoàn kết trong đa dạng, tôn trọng sự khác biệt của các tôn giáo, tạo nên truyền thống, bản sắc, văn hóa, sức mạnh, nguồn lực đại đoàn kết của toàn dân tộc.
Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, có trên 26,5 triệu người theo các tôn giáo khác nhau, chiếm 27% dân số cả nước. Suốt chiều dài lịch sử đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo là bộ phận không thể tách rời của đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Tính từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa I (1946) đến nay, đã có gần 60 vị chức sắc, chức việc tiêu biểu của các tôn giáo được bầu vào Quốc hội (trong đó có những vị tái cử nhiều lần), hàng nghìn chức sắc tôn giáo tham gia đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, góp phần thiết thực vào việc xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến dẫn đầu Đoàn công tác của Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm, chúc mừng Giáng sinh năm 2022 tại Tòa Giám mục Giáo phận Vinh (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) và Đức Giám mục chính tòa giáo phận Vinh Anphong Nguyễn Hữu Long |
Nhiều vị chức sắc các tôn giáo đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn cho Chính phủ. Tiêu biểu như Linh mục Phêrô Phạm Bá Trực (TGP. Hà Nội), là linh mục đầu tiên tham gia cách mạng giữ chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đảm nhiệm vị trí trọng yếu Phó trưởng Ban thường trực Quốc hội, sát cánh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; Linh mục Phêrô Võ Thành Trinh quê tỉnh An Giang, năm 1945 tham gia phong trào Việt Minh, tiếp đến đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên thường trực Ủy ban Liên lạc Toàn quốc Những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội các khóa V và VI, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Trong năm 2022, mọi phong trào thi đua yêu nước của toàn dân, đồng bào Công giáo là bộ phận tham gia đầy nhiệt tình, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, vừa góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vừa hiệp thông thực hiện các chương trình mục vụ của Giáo hội. Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang được khẳng định là đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào Công giáo đã góp hàng nghìn tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công để làm đường giao thông, công trình phúc lợi…
Nét nổi bật trong thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo là hoạt động từ thiện, tìm việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Nét đẹp này được phát huy từ những giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc của đạo Công giáo. Như mở lớp học tình thương dạy chữ, dạy nghề miễn phí cho trẻ em lang thang, người khuyết tật; chăm sóc bệnh nhân phong và bệnh nhân AIDS; quyên góp tiền mổ mắt, mổ tim cho người nghèo; xây nhà tình nghĩa; hỗ trợ người dân bị thiên tai… Bên cạnh đó là các phong trào: Xây dựng gia đình Công giáo gương mẫu, xứ họ đạo tiên tiến; Xứ, họ đạo an toàn; Xứ đạo thực hiện nếp sống mới văn minh; Xứ đạo Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp.
Khối đại đoàn kết dân tộc là sức mạnh nội sinh trong việc hướng tới các mục tiêu chiến lược về phát triển đất nước của Việt Nam. Trong đó, giáo dân Công giáo là một trong những nguồn lực lớn góp phần xây dựng và phát triển đất nước.