Bệnh viện Mắt Trung ương tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người hiến giác mạc ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Ảnh: CTV |
Trong phát triển kinh tế, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình giáo dân duy trì sản xuất ổn định, tạo việc làm, làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội. Ở huyện Kim Sơn có 3 doanh nghiệp sản xuất chế biến cói, đảm bảo cho trên 4.000 lao động có việc làm thường xuyên và gần 30.000 lao động thời vụ; giáo họ Kim Chính có 120 hộ làm nghề chiếu cói cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng; Doanh nghiệp Thành Hoá (huyện Yên Khánh), sản xuất hàng chiếu cói, tre nứa xuất khẩu, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động tại doanh nghiệp; Doanh nghiệp Thảo Nguyên (huyện Nho Quan), Doanh nghiệp xây dựng Tín Nghĩa (huyện Yên Khánh), Doanh nghiệp Mạnh Hùng (huyện Kim Sơn), Tập đoàn Xuân Thành (thành phố Ninh Bình) hàng năm giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập ổn định...
Một số giáo dân đã phát huy thế mạnh, tiềm năng ở địa phương đầu tư phát triển các ngành, nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Nhiều tổ hợp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm ăn có hiệu quả như: tổ hợp sản xuất và cung ứng vật liệu của ông Nguyễn Văn Vượng, giải quyết việc làm cho 150 - 200 lao động có thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Văn Thuỷ - Giám đốc Công ty Xuân Thuỷ, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty xây dựng Tuyết Hải (giáo xứ Ninh Bình), có trên 100 đầu xe ô tô vận tải và máy san, ủi xây dựng, tạo việc làm cho trên 100 lao động có thu nhập ổn định.
Trong nông nghiệp, nông thôn, thay vì sản xuất canh tác manh mún, bà con đã tích cực dồn thửa, đổi ruộng, đưa những giống cây trồng mới vào sản xuất, hiến đất mở rộng đường giao thông. Tiêu biểu như tại huyện Nho Quan có 32/42 giáo họ đã hoàn thiện dồn điền, đổi thửa; giáo dân giáo xứ Như Sơn và giáo xứ Xuân Hồi, xã Xuân Thiện (huyện Kim Sơn) đã hiến 750m2 đất, đóng góp trên 300 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn; họ Trị Sở giáo xứ Mông Hưu (huyện Kim Sơn) đã đóng góp xây dựng được hai nhà văn hóa thôn với tổng số tiền 600 triệu đồng; Ban hành giáo xứ Quảng Phúc (huyện Yên Mô) phối hợp với chính quyền vận động bà con giáo dân và nhân dân trong xóm làm 2km đường bê tông và 500m kênh mương cứng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt, linh mục Phêrô Vũ Đức Phượng chính xứ Áng Sơn, huyện Hoa Lư đã vận động bà con giáo dân ở hai giáo họ Trị Sở và Đại Áng hưởng ứng phong trào thắp sáng đường quê, đóng góp tiền, ngày công lắp đặt đèn chiếu sáng ban đêm, đến nay toàn bộ đường làng, ngõ xóm trong giáo xứ được duy trì đều đặn với chiều dài 8,5 km góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn được ổn định. Giáo họ Thôn Đồng thuộc giáo xứ Phúc Nhạc (huyện Yên Khánh) là một trong 20 đơn vị tiêu biểu của toàn huyện được công nhận đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới…
Bên cạnh phát triển kinh tế, các giáo xứ, giáo họ đang tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Xứ, họ đạo bình yên về an ninh trật tự”. Nhiều giáo xứ, họ đạo đã tổ chức cho các hộ gia đình giáo dân đăng ký và cam kết xây dựng “Xứ, họ đạo bình yên về an ninh trật tự”. Đến nay, các khu dân cư có đông người theo đạo đã thực hiện tốt các quy ước, hương ước, quy chế dân chủ cơ sở. Các mâu thuẫn trong nội bộ các khu dân cư được giải quyết kịp thời, không để kéo dài, gây mất đoàn kết, mất an ninh trong khu dân cư.
Với đường hướng đồng hành cùng dân tộc và sự nỗ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, đến nay, bộ mặt các giáo xứ, giáo họ có nhiều khởi sắc, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện. Hầu hết đường làng, ngõ, xóm, đường xung quanh khuôn viên nhà thờ được cải tạo khang trang, 100% các giáo xứ, giáo họ có đường bê tông nối khuôn viên nhà thờ với đường liên thôn, liên xã… Rất nhiều giáo xứ, giáo họ có đường giao thông với hệ thống đèn điện, trồng hoa, cây xanh do người dân Công giáo tự quản… Cảnh quan môi trường các giáo xứ, họ đạo được các linh mục, chánh trương, trùm trưởng vận động triển khai thực hiện có sức lan tỏa nhanh, được bà con giáo dân đồng tình hưởng ứng.