Thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc “Chăm sóc ngôi nhà chung”, chúng ta cùng tìm hiểu về cuộc khủng hoảng môi trường trên quan điểm đạo đức. Trước đây, cuộc đối thoại về môi trường hầu như chỉ đóng khung trong những ngôn từ kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Cho đến khi Thông điệp này ra mắt, thì ngôn ngữ của niềm tin đã chính thức nhập cuộc. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Đặc biệt, các tín hữu Kitô nhận thấy rằng, các nghĩa vụ của họ đối với thiên nhiên và Đấng Tạo Hóa là thành phần đức tin của họ” (Laudato Sí số 64).
Khi quan tâm đến việc “Chăm sóc ngôi nhà chung” là Trái đất của chúng ta, Đức Giáo hoàng đã nhắc đến lời của Thánh Phanxicô Assisi: “Nếu chúng ta tiếp cận thiên nhiên vạn vật và môi trường sống, mà không mở lòng ra trong thái độ kinh ngạc và chiêm ngưỡng; nếu chúng ta không nói với thế giới chung quanh bằng ngôn ngữ thân tình và đẹp đẽ (tôn trọng môi trường), thì thái độ của chúng ta sẽ trở thành thái độ của một sở hữu chủ, chỉ biết tiêu thụ và bóc lột tài nguyên” (Laudato Sí số 5). Đức Giáo hoàng Phanxicô còn kêu gọi mọi người theo đuổi một nền sinh thái toàn diện, biết xem xét các vấn đề trong thế liên kết hỗ tương về mọi phương diện: môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và đạo đức. Một nền sinh thái như thế đòi hỏi một tầm nhìn, là nghĩ đến các giải pháp toàn diện cho cả khủng hoảng về môi sinh lẫn nhân văn. Trong đó, “Làm sạch môi sinh tâm hồn” là rất quan trọng.
PHẦN I:
LÀM SẠCH MÔI SINH TÂM HỒN “Làm sạch môi sinh tâm hồn” chính là làm sạch từ bên trong ra bên ngoài, từ nội tâm ra ngoại giới. Nhưng thực ra, cái bên ngoài mới khiến chúng ta đặt vấn đề về cái bên trong. Ai trong chúng ta cũng nhớ đoạn Tin Mừng nói về việc các người Pharisêu chất vấn Chúa Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” (Mc 7,5). Theo tập tục của Do Thái, người ta phải rửa tay trước khi ăn, đó là vấn đề sạch dơ theo nghĩa thiêng liêng. Chúa Giêsu và các môn đệ khi rao giảng, đã tiếp xúc với đủ mọi người kể cả người cùi, nên bị xem là ô uế, thì lại càng phải rửa tay, càng phải làm nghi thức thanh tẩy. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời một câu đầy ấn tượng: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15.21-23). Hóa ra là, những hành động bên ngoài xuất phát từ những suy nghĩ ở bên trong; những tâm tư ẩn sâu bên trong con người lại được thể hiện ra bên ngoài qua những hành vi, lời nói và hành động. Thật vậy, Chúa Giêsu là Đấng Khôn Ngoan đã nhìn thấu tâm can con người khi bảo rằng: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Ngài coi trọng những ý định ở trong lòng con người, đó là nguồn gốc của những hành động bên ngoài. Cho nên, thế giới nội tâm rất quan trọng, nó làm nên chính con người chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta phải làm sạch môi sinh bên trong thì môi sinh bên ngoài mới sạch sẽ. Thật vậy, cái chết của linh hồn thì đáng sợ hơn cái chết của thân xác, sự sống của linh hồn quý hơn sự sống của thân xác; bệnh tật thể lý đưa tới cái chết của thân xác, nhưng chưa đáng sợ bằng bệnh tật của tâm hồn, tức là tội lỗi, sẽ đưa muôn người tới cõi chết đời đời.