Đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 31/1 - 4/2/1977, hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội đã hiệp thương, giới thiệu 191 vị tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam. Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị. Chủ tịch danh dự là ông Tôn Đức Thắng; Chủ tịch là ông Hoàng Quốc Việt. Ảnh: Kim Hùng |
Từ năm 1977 đến năm 1979 là thời kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng và bước đầu thực hiện chương trình hành động của Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng có ý nghĩa đặc biệt: trong cùng một lúc triển khai rộng khắp, mạnh mẽ công cuộc xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa; đồng thời lần lượt giành chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc. Trong lịch sử, đây cũng là thời kỳ đặc biệt - tính từ Đại hội lần thứ IV của Đảng chính thức đề ra đường lối cách mạng quá độ cả nước lên chủ nghĩa xã hội đến Hội nghị lần thứ sáu Trung ương Đảng (khóa IV - 8/1979) đã dần hình thành mầm mống của đường lôi đổi mới đất nước.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu khách quan đòi hỏi phải tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Trước sự đe dọa độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cả dân tộc ta lại đứng lên siết chặt hàng ngũ thành một khối vững chắc, làm thất bại mọi âm mưu chống phá nước ta. Đó cũng là thành tích nổi bật của khối đại đoàn kết và Mặt trận Dân tộc Thống nhất thời kỳ này.
Việc thực hiện chính sách, công tác mặt trận, đặc biệt là chủ trương đoàn kết hòa hợp dân tộc, thể hiện ở một số chủ trương, chính sách, đã có tác dụng nhất định đối với những người là sĩ quan, binh lính và nhân viên trong bộ máy chính quyền của chế độ cũ. Các giai cấp, tầng lớp khác, các dân tộc, các tôn giáo về cơ bản đã có sự nhất trí về chính trị, tinh thần đã có những tiến bộ nhưng vẫn còn những vấn đề tồn tại, mà chủ yếu vẫn là những tồn tại trong công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Trên lĩnh vực xây dựng chủ nghĩa xã hội, mô hình quản lý theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp đã ảnh hưởng đến tinh thần phấn khởi sản xuất của người lao động, quan hệ liên minh công nông và khối đại đoàn kết dân tộc.
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc thể hiện rõ trên một số lĩnh vực động viên tinh thần yêu nưốc, đoàn kết chiến đấu trong hai cuộc chiến tranh biên giới và một số nhiệm vụ công tác sản xuất, tiết kiệm, xây dựng nếp sống mới. Trên cả nước bước đầu đã chú trọng phát triển mặt trận cơ sở và bàn về phân định chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa Ban Dận vận - Mặt trận với Mặt trận Tổ quốc. Tuy nhiên, các hoạt động của Mặt trận vẫn chưa nổi bật, còn mang nặng tính hình thức, nhất là trên các lĩnh vực xây dựng, cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.