Ra mắt Liên minh kích cầu du lịch nhằm đối phó với dịch bệnh Covid-19. Ảnh: CTV |
Du lịch Việt “mạnh ai nấy làm” Liên kết cùng phát triển không phải là câu chuyện mới, cũng không phải là câu chuyện riêng của ngành du lịch. Ngạn ngữ có câu “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau” quả không sai. Trong nền kinh tế không biên giới như hiện nay, sự liên kết một cách mật thiết và liên tục là kim chỉ nam, là chìa khoá đi đến thành công cho mọi doanh nghiệp.
Còn nhớ, thời điểm năm 2009, du lịch Việt Nam cũng từng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế và dịch cúm A/H1N1. Khi đó, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đã thành lập nhóm kích cầu triển khai nhiều giải pháp và nhờ đó, ngành du lịch đã vượt qua những khó khăn khá nhẹ nhàng. Rất tiếc, khi mọi thứ trở lại bình thường thì dường như đội nhóm kích cầu lại “mạnh ai nấy làm”, sự liên kết được hình thành trong hoạn nạn không duy trì được.
Điều này gợi lên câu hỏi về một “thói xấu” mà các doanh nghiệp Việt đang mắc phải là có hay không chỉ đến lúc khó khăn mới tìm đến nhau?!
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, hiện nay hoạt động du lịch Việt Nam vẫn còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ, thiếu sự liên kết phối hợp. Hoạt động du lịch được thực hiện một cách manh mún, dàn trải, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, lãng phí nguồn lực và hiệu quả thấp. Hay nói cách khác, các đơn vị làm dịch vụ du lịch hiện nay vẫn đang trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”; khiến cho việc xây dựng những sản phẩm thương hiệu dịch vụ chất lượng cao của ngành gặp không ít khó khăn; tính liên kết, hợp tác giữa các địa phương, vùng miền chưa cao, đôi khi vẫn còn mang tính hình thức. Những cam kết vẫn chỉ mang tính chung chung theo kiểu “ghi nhớ, hứa hẹn”, chưa có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương và không thống nhất được cách thức hoạt động, điều hành sản phẩm. Sự liên kết mới chỉ dừng lại ở hình thức, trao đổi kinh nghiệm. Hiện nay các địa phương đều có quy hoạch định hướng phát triển du lịch nhưng sự gắn kết vùng còn hạn chế và quan trọng hơn là thực hiện chưa tốt những cam kết về liên kết. Đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch đa phần có quy mô nhỏ, thiếu tính liên kết, chưa hình thành hệ thống cung ứng dịch vụ liên hoàn, năng lực cạnh tranh hạn chế. Thậm chí, một số công ty lữ hành của các địa phương còn phát sinh mâu thuẫn khi khai thác tour, tình trạng trùng lặp về sản phẩm du lịch còn khá phổ biến. Sự hạn chế này đã ảnh hưởng đến sức hấp dẫn du lịch của các địa phương, không những thế còn lãng phí nguồn tài nguyên du lịch...
Phao cứu sinh thời COVID-19 Theo thống kê của ngành du lịch, tuy dịch COVID -19 mới được phát hiện chưa đầy 2 tháng nhưng du lịch Việt Nam đã thiệt hại nghiêm trọng. Dự kiến lượng khách quốc tế đến trong tháng 2 và tháng 3-2020 sẽ giảm trên 60%; lượng khách nội địa có thể giảm đến 80%. Hàng loạt cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ, lữ hành, vận chuyển chỉ hoạt động cầm chừng. Một số lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch được đề nghị tạm nghỉ hoặc nghỉ luân phiên. Có thể nói, COVID-19 đã phủ đám mây đen u ám lên ngành du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú và dịch vụ tại Việt Nam đang từng ngày “thấm đòn” khó khăn từ COVID-19.
Liên minh kích cầu du lịch ra mắt vào chiều 21/2 được xem là một bước đi hết sức kịp thời và nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ phía cộng đồng làm du lịch. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi khi khó khăn lại là lúc du lịch Việt Nam tìm ra được sức bật mới. Nhưng cũng phải nói thêm, đây không phải lần đầu tiên Liên minh kích cầu du lịch được thành lập; tuy không phải là ý tưởng mới nhưng dẫu sao nó cũng được xem là “phao cứu sinh” giúp cho ngành du lịch Việt Nam vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.
Để vượt sóng to gió lớn, rõ ràng cần một liên minh đủ mạnh, với một chiến lược tổng thể. Liên minh kích cầu du lịch đã ra mắt với 16 thành viên Ban chủ nhiệm, bao gồm đại diện các hãng lữ hành lớn, hãng không, khách sạn, các hiệp hội du lịch… chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai chương trình kích cầu cụ thể, tạo sự thống nhất hành động giữa các doanh nghiệp và các địa phương trên cả nước.
Trước mắt, vấn đề đặt ra là sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng của các thành viên trong liên minh như thế nào để đạt được mục tiêu chung. Xa hơn câu hỏi đặt ra là liệu Liên minh kích cầu du lịch có duy trì được hoạt động sau khi dịch bệnh qua đi và mọi thứ trở lại bình thường? Hay vẫn là “lâm thời”, xong việc, nhà ai nấy về?!