Gà H’Mông hay còn gọi là gà Mông, gà Mèo, gà xương đen... là giống gà bản địa có nguồn gốc ở khu vực miền núi phía Bắc, được đồng bào dân tộc H’Mông nuôi thả theo hướng quảng canh. Phát hiện giống gà quý, những năm gần đây, nhiều nông dân xã Đông Yên (huyện Quốc Oai) đã đưa “xuống núi” để chăn nuôi thương phẩm, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... mang lại giá trị kinh tế cao.
Chăn nuôi gà H’Mông tại trang trại của gia đình ông Lê Đình Bình, xã Đông Yên (huyện Quốc Oai). Ảnh: Mai Nguyễn |
Người tiên phong nuôi con đặc sản Ở khu Đồi Rậm, thôn Việt Yên (xã Đông Yên, Quốc Oai, Hà Nội), hàng nghìn con gà H’Mông được chăn thả tự nhiên, tự do chạy nhảy như chính môi trường sống ở khu vực vùng núi phía Bắc - nơi xuất phát của giống gà bản địa. Chủ nhân trang trại - ông Lê Đình Bình vui vẻ giới thiệu, đây là giống gà quý có đặc điểm thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà ở Việt Nam hiện nay. Ngoài việc sử dụng làm thực phẩm, đồng bào H’Mông còn nấu cao để bồi bổ sức khỏe.
Nói về cái duyên của người tiên phong đưa giống gà H’Mông về địa phương phát triển chăn nuôi, ông Lê Đình Bình kể lại: Cách đây gần 20 năm, khi nghỉ hưu (ông Lê Đình Bình trước là Chủ tịch UBND xã Đông Yên - PV) ông Bình khát khao tìm hiểu những vật nuôi đặc sản để phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy Đông Yên là vùng đồi gò, có diện tích rộng, người dân có truyền thống chăn nuôi gà ta thả vườn nên đây chính là vật nuôi phù hợp nhất. Nhưng, gà ta đã có nhiều hộ nuôi rồi, phải tìm hướng đi mới nên ông Bình đến Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) tìm hiểu và mua giống gà H’Mông về nuôi thử. Lứa gà đầu tiên với 300 con được nuôi thả thành công, đàn gà H’Mông tiếp tục được ông Bình nhân giống, phát triển lứa thứ hai. Nhưng ở lần nuôi này, gà bắt đầu bị bệnh, gia đình mời cán bộ thú y địa phương đến, song lúc đó cũng không tìm ra cách chữa trị. Gà chết rất nhiều, gây thiệt hại lớn...
Không đầu hàng trước khó khăn, ông Bình tiếp tục nhân đàn và dần đúc rút được kỹ thuật trong chăn nuôi... Tìm hiểu đặc tính của gà H’Mông và thấy được những hạn chế trong chăn nuôi tại trang trại, ông Bình đã rút kinh nghiệm trong chăm sóc, tiêm phòng đúng kỹ thuật nên đàn gà khỏe mạnh và phát triển trở lại.
Những ngày đầu đưa gà H’Mông “xuống núi” cũng là thời điểm ông Bình phải tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. “Những sản phẩm thịt gà lứa đầu tiên, tôi mời anh em, bạn bè ăn thử, ai cũng khen ngon. Từ đó, tôi trực tiếp mang gà đến các nhà hàng trong nội thành để giới thiệu và dần được thị trường chấp nhận. Lúc đó, mỗi con gà sau 5 tháng chăn nuôi, trừ hết chi phí lợi nhuận, thu được 50-60 nghìn đồng/kg. Đó là một khoản lãi rất lớn so với chăn nuôi gà thông thường. Điều này càng tạo động lực để tôi nhân giống, phát triển đàn gà”, ông Bình chia sẻ.
Dần dần, gà H’Mông ngày càng được nhiều người tiêu dùng Thủ đô biết tới. Riêng gia đình ông Bình nuôi gà không đủ cung cấp cho các đơn hàng. Thế rồi ông Bình lại vận động, hướng dẫn họ hàng và dân làng cùng chăn nuôi giống gà này. Học mô hình nuôi gà H’Mông của ông Bình, nhiều hộ dân ở Đông Yên đã có cuộc sống khá giả. “Tôi cung cấp giống, hướng dẫn mọi người quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh cho gà và lo toàn bộ đầu ra cho sản phẩm. Lúc cao điểm, tôi hỗ trợ 25 hộ trong vùng chăn nuôi gà H’Mông. Hộ khó khăn không có tiền mua cám, tôi ứng trước, chờ lúc họ bán gà thì trả tiền cám sau”.
Xây dựng sản phẩm OCOP Gà H’Mông thích nghi tốt với điều kiện thời tiết, khí hậu và phù hợp với phương thức bán chăn thả của người dân xã Đông Yên (huyện Quốc Oai). Thức ăn của gà khá đơn giản, thường là các loại rau, lá cây tự nhiên trộn với cám ngô, sắn, lúa. Thời gian từ lúc gà ấp nở đến khi xuất chuồng khoảng 5 tháng, đạt trọng lượng 1,5-1,8kg, lúc này gà mái bắt đầu đẻ trứng, xuất bán gà thịt chất lượng ngon nhất.
Hiện nay, trang trại chăn nuôi của ông Lê Đình Bình có 2.000 con gà. Tính cả xã, có 26 hộ chăn nuôi giống gà này với hàng vạn con. Năm nay, số gà giảm so với các năm trước bởi ảnh hưởng đại dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Theo tính toán của ông Lê Đình Bình, mỗi kilô gam thịt gà H’Mông tiêu tốn 7,5kg thức ăn. Hiện, gà thương phẩm bán buôn cho thương lái là 100 nghìn đồng/kg, bảo đảm có lãi, dao động khoảng 20.000 đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm xuất buôn cho thương lái đưa đi tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, Hòa Bình, Tuyên Quang, Ninh Bình...
Chia sẻ với phóng viên, ông Bình cho biết, không dừng lại ở chăn nuôi rồi bán sản phẩm ra thị trường theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, từ năm 2016, ông Bình cùng một số hộ chăn nuôi trong xã đứng ra thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Hòa Phú nhằm liên kết các hộ chăn nuôi để hỗ trợ nhau giống, vốn, kỹ thuật, thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Ban đầu, chỉ có 5 hộ tham gia nhưng đến nay, hợp tác xã đã có 67 thành viên do ông Bình làm Giám đốc.
Từ năm 2019, Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Hòa Phú được Sở NN&PTNT Hà Nội lựa chọn là đơn vị tham gia Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Hiện nay, Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Hòa Phú đã phát triển được 2 chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là: Chuỗi nuôi gà thương phẩm và chuỗi nuôi gà đẻ trứng với quy mô hơn 30 vạn con gà H’Mông, 20 vạn con gà Mía lai Ri, 50 vạn con gà đẻ trứng... Nhờ các chuỗi liên kết, mỗi tháng, hợp tác xã đưa ra thị trường 5 tấn gà H’Mông, 3 tấn gà Mía lai Ri mang nhãn hiệu “Gà đồi Đông Yên”. Sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc khi tiêu thụ trên thị trường.
Chủ tịch UBND xã Đông Yên Tạ Đình Quý cho biết, định hướng của xã trong các năm tiếp theo là sẽ nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi gà đồi, gà H’Mông. Đây là giống gà thích nghi với điều kiện đồi núi, giá bán cao hơn hẳn so với giống gà khác. Để giúp các hộ chăn nuôi, xã Đông Yên đang đề nghị huyện Quốc Oai hỗ trợ đầu tư dây chuyền giết mổ, đóng gói sản phẩm gà nói chung và gà H’Mông nói riêng.
Đem chuyện phát triển gà H’Mông ở xã Đông Yên tới Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, ông cho biết thêm, huyện đã đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021. Trong đó, 3 sản phẩm: Trứng gà, thịt gà Ri lai Mía và thịt gà H’Mông của Hợp tác xã Yên Hòa Phú đủ điều kiện đề nghị UBND thành phố cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. Riêng thịt gà H’Mông đủ điều kiện được OCOP 4 sao.
“Việc ông Lê Đình Bình cùng người dân đưa gà H’Mông về địa phương chăn thả rồi phát triển đến như hiện nay cho thấy đây là hướng đi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, phát triển chăn nuôi gà đặc sản này theo chuỗi giá trị là hướng sản xuất hiệu quả, bền vững”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn khẳng định.