Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình sinh ngày 01/9/1910 tại Tân Định, Sài Gòn. Năm 1922, tu học tại Tiểu chủng viện Sài Gòn. Năm 1932, được gửi qua Rôma theo học trường Truyền Giáo. Ngày 27/3/1937, được phong linh mục tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô, Rôma. Được tấn phong chức Giám mục giáo phận Cần Thơ ngày 30/11/1955. Tổng Giám mục Tổng giáo phận Saigòn ngày 24/11/1960, qua đời ngày 01/7/1995.
Đức cố Giám mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu,một người bạn thân nói về Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình trong lễ an táng (7/1995):
“Tôi nghĩ thế này: Thiên Chúa đã chọn và ban cho Đức TGM Phaolô một cái tên đúng là thiên định. Tên ngài là Bình, bình an, và đời sống của ngài đã thể hiện sự bình an không chỉ ở mình mà còn ban phát cho xã hội. Là một người thân nên tôi có nhiều dịp thăm ngài… ở trong Chủng viện, tôi chưa bao giờ thấy ngài cau có, gây gỗ với anh em… Tôi thiết tưởng ngài đã đem tâm trạng bình an của mình vào trong xã hội, trong những hoàn cảnh dầu xáo động đến đâu đi nữa giữa chính quyền, giữa giáo quyền. Ngài như thể là một dòng nước sâu thẳm, dù trên mặt có dao động thế nào, vẫn giữ được sự bình an, đây là một đặc điểm mà tôi nhận là ấn tượng ghi vào đời sống của tôi. Sự bình an của ngài không phải như chữ Nho giáo diễn tả chữ An, ở bên dưới có chữ Nữ, trên có chữ Miên, nghĩa là người nữ ở dưới mái nhà, nghĩa là có sự nương tựa dưới một mái nhà, điều đó dễ. Bình yên theo thánh Tôma nói: “Hoà bình là sự an nghiêm của trật tự.” Tâm hồn ngài có an nghiêm, có trật tự đó, và ngài đã đưa an nghiêm có trật tự này đến với những người chung quanh. Chúng ta thấy đời sống của ngài, giáo phận của ngài đã thể hiện được điều đó mặc dù chỉ tương đối và phần nào đã tạo nên sự hoà bình cho Giáo hội, cho đất nước. Đó là điểm tươi đẹp của ngài. Với tâm trạng hoà bình của ngài, thể hiện một mối phúc thật, mà ngài đem đến cho toàn thể chúng ta, và với những tâm tình, việc làm như thế, ngài bước qua ngưỡng cửa đời sau.
Dĩ nhiên, theo tôi nghĩ, sự hoà bình ngài đạt được không chỉ là hoà bình ở thế gian mà là sự hoà bình của Thiên Chúa, hoà bình của chân thật, hạnh phúc, vĩnh cửu chứ không phải hỗn loạn, tạm bợ. Hoà bình đó rứt bỏ những hoảng loạn của đời sống, không còn những khổ nhọc trên đường lữ thứ. Cái chết của con người là do sự hoà bình của Thiên Chúa bỏ đi cái “sinh ký” mà chuyển vào cuộc “tử quy”. Sinh ký tức là sống tạm thôi, mà tạm thì bao giờ cũng có những thắc mắc, lo âu, phiền muộn,… vấn đề là biết dùng những lữ thứ ở trần gian để đi đến quê hương của mình, về nơi Thiên Chúa. Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình là người đã góp phần kiến tạo hòa bình.
Cuộc đời của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình là vị TGM đầu tiên của giáo phận Sài Gòn khi Giáo hội Công giáo Việt Nam ra khỏi chế độ Đại diện Tông tòa hàng trăm năm, chủ yếu do các giám mục nước ngoài cai quản bước vào giai đoạn các giáo sĩ bản địa thực sự nắm quyền, chấm dứt giai đoạn Đại diện Tông tòa. Ngài cũng thuộc số những TGM đầu tiên triển khai những đường hướng Canh tân và Hội nhập của Công đồng Vatican II (1962-1965) với biết bao hoạt động mới mẻ, độc đáo. Ngài cũng là vị TGM đầu tiên của Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh dẫn dắt đàn chiên của mình hội nhập với một thực tại mới mẻ,...
Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình là người mục tử nhân lành mà trên cái nền lịch sử đó, những tư tưởng, hành vi của ngài đã trở nên thân thiết như một biểu trưng với đường hướng mục vụ của Giáo hội hôm nay “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào” (Thư chung 1980), nhưng đồng thời cuộc đời hoạt động mục vụ của ngài ở những thời điểm lịch sử phức tạp, đầy nghịch lý ấy đến nay vẫn để lại những ý kiến trái ngược...
Thời điểm lịch sử của một Giáo hội với hai giai đoạn then chốt, đó là giai đoạn (1954 - 1975) và 1975 cho đến những năm tháng cuối đời của Ngài. Thực ra trên cái nền lịch sử dữ dội nhiều biến động và gay gắt của giai đoạn này, Giáo hội Công giáo Việt Nam có nhiều những nhân vật nổi trội gắn liền với những sự kiện lịch sử của Giáo hội và dân tộc (1954-1975). Và lịch sử của Giáo hội Công giáo Việt Nam đương đại, từ 1975 đến nay, với những hoạt động nổi trội của một số nhân vật khác nữa... và tất nhiên có Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình. Vấn đề là ở chỗ cần phải làm rõ “những đòi hỏi lịch sử”, từ cả hai phía Đạo và Đời và những nhân vật “của những thời điểm lịch sử ấy” đã đáp ứng như thế nào, góp phần đưa Giáo hội sang trang sử mới.
Chỗ đứng trong lòng dân tộc của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình ở thời điểm lịch sử 1960-1975. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII thiết lập hàng giáo phẩm ở Việt Nam vào năm 1960. Nhưng trong điều kiện đất nước chia cắt, ngay tại miền Nam, Giáo hội cũng phải tự giải “bài toán Nam - Bắc” trong vấn đề nhân sự cũng như việc phân chia các giáo phận sau cuộc di cư của hàng trăm ngàn người Công giáo miền Bắc vào Nam.
Đặc điểm chính trị ở miền Nam là chính quyền Đệ nhất cộng hòa của Ngô Đình Diệm vốn tính cách gia đình trị, khiến chính quyền cũng như Giáo hội có những xung đột trong việc bố trí các nhân vật chủ chăn. Hồi ấy, chính quyền Việt Nam Cộng hòa mong muốn đưa Đức cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục được chuyển từ Vĩnh Long về làm TGM Sài Gòn. Ngài vừa là bào huynh của Tổng thống, vừa là niên trưởng của các giám mục miền Nam, thế nên uy thế rất mạnh. Nhưng Tòa thánh rất khôn ngoan, đã đưa Đức TGM Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục về Huế, quê hương của ngài, và chuyển Đức Tổng Bình từ Cần Thơ lên Sài Gòn.
Ngày 24/11/1960, Giáo hội Công giáo Việt Nam, được Toà Thánh ban Tông hiến thiết lập Hàng Giáo phẩm bản quốc, thành lập 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Sài Gòn, chấm dứt lịch sử truyền giáo hàng trăm năm. Với dấu mốc đầu tiên, khi ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Sài Gòn - Tổng giáo phận lớn và quan trọng nhất ở nước ta lúc bấy giờ.
Tòa Thánh lựa chọn Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình làm Tổng Giám mục Chính toà tiên khởi của Tổng giáo phận Sài Gòn giải quyết được bài toán chính trị - tôn giáo phức tạp lúc đó giữa Toà Thánh và chính quyền Sài Gòn. Không ít người nhận xét đó là sự “rất khôn ngoan”. Việc lựa chọn này còn góp phần quan trọng vào việc giải quyết những “xung đột Nam - Bắc” khi âm ỉ khi bộc lộ gay gắt, trong nội bộ Giáo hội Công giáo miền Nam từ sau 1954. Cuộc di cư 1954, trong đó chủ yếu là lực lượng người Công giáo miền Bắc đã thay đổi hoàn toàn bản đồ tín hữu của Công giáoViệt Nam, khi mà miền Bắc đã chiếm tới 7/9 giáo dân ở miền Nam.
Rõ ràng Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, từ tính cách đến nguồn gốc xuất thân là phù hợp với tâm lý số đông của giáo dân miền Nam.
Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã thể hiện được những khả năng của một đường hướng tôn giáo - chính trị thích hợp mà bản thân Toà Thánh đã sớm thấy. Một mục tử thuần thành, mẫu mực, giản dị và từ trong bản chất đã sớm bộc lộ đường hướng canh tân và hoà giải, rất phù hợp với những tư tưởng thần học có tính bước ngoặt của Công đồng Vatican II (1962-1965).
Về mặt chính trị, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình còn là người có khả năng giữ được mối quan hệ đúng đắn, trong đó quan trọng nhất là người có khả năng “giữ được một khoảng cách cần thiết giữa chính trị và tôn giáo”, khi mà chế độ Ngô Đình Diệm ngày càng lộ rõ tính chất chống cộng sản, độc tôn Công giáo, kỳ thị các tôn giáo khác.
Để tránh cho sự xung đột tôn giáo, năm 1963, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình là người khởi xướng cuộc đối thoại liên tôn tại Sài Gòn. Ngài đã liên lạc gặp gỡ các tôn giáo bạn để cùng hợp tác làm các công việc xã hội.
Đời sống tôn giáo - chính trị, xã hội ở miền Nam lúc đó đặc biệt cần mẫu người như thế này, điều mà Toà Thánh sớm thấy. Những năm của cuộc chiến tranh cục bộ, khi lực lượng quân Mỹ ngày càng đông đảo ở miền Nam, đường hướng bác ái, hoà giải trên cơ sở tình tự dân tộc của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã bắt đầu có những hiệu ứng tôn giáo và xã hội tích cực. Thành phố Sài Gòn lúc đó đã bắt đầu nổi lên các cuộc vận động chính trị và tôn giáo đòi dân chủ, hoà bình, dân sinh kết hợp với các cuộc bãi công, bãi khoá...
Lựa chọn con đường đứng ngoài các đảng phái chính trị để thực hiện sự đoàn kết của Dân Chúa, đóng góp với quê hương dân tộc đang trong chiến tranh với vị thế của mình là nét đặc sắc của Ngài... n
Đại thắng mùa xuân 1975 chưa phải là sự kết thúc của câu chuyện Công giáo và Cộng sản, Công giáo và Dân tộc. Cả hai phía Đạo - Đời, Nhà nước và Giáo hội cần nhiều thời gian hơn nữa để suy ngẫm, đối thoại và nghiệm sinh. Những tư tưởng có tính tiên tri của Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình cũng vậy. Linh mục Nguyễn Hồng Giáo, trong một bài viết về Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình “Phục vụ công cuộc Hoà giải”, có đoạn: “Hôm nay tôi lấy làm buồn phiền mà thừa nhận rằng năm 1975 tôi đã có lần phải kinh khiếp và giận dữ. Hồi ấy khi Sài Gòn sụp đổ, Đức cha Bình công bố lá thư mục vụ kêu gọi khá rõ ràng phải cộng tác với người cộng sản chiến thắng. Hôm nay, tôi đã biết đúng hơn rằng đó là sự khôn ngoan không phải là phản bội. Miền Bắc đã chiến thắng, nguời Mỹ bị đẩy đi, đất nước được thống nhất. Tình cảm yêu nước là chính đáng. Mặc dù các giám mục phía Bắc, Hội thừa sai Paris (MEP) là hội cung cấp phần lớn nhân sự truyền giáo ở Việt Nam có khuynh hướng chống cộng triệt để…
Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã phải trải qua những năm khó khăn. Điều đó được giải thích như là “cộng tác với kẻ thù”. Nhưng qua đó, Ngài chỉ muốn thúc đẩy con chiên của mình can đảm và bình tĩnh sống Phúc Âm trong một xã hội đã thay đổi. Đức TGM Nguyễn Văn Bình là một nhà mục tử và một nhà hoà giải”. Những con người của những bước ngoặt lịch sử, trong Đạo cũng như ngoài Đời, thường vẫn phải đối diện với những trạng thái như vậy trước khi tư tưởng của mình thực sự đến được với muôn người.
Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tỏ rõ khả năng của mình trong việc đáp ứng những nhu cầu của lịch sử, đặc biệt góp phần dẫn dắt Giáo hội Công giáo Việt Nam vượt qua những thử thách đầy nghịch lý của chiến tranh, bước đầu khẳng định chỗ đứng của mình trong môi trường xã hội hoàn toàn mới mẻ khi chế độ Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Thích ứng với xã hội mới và khẳng định đường hướng cho Giáo hội Công giáo Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam, sau khi Sài Gòn giải phóng 30/4/1975 đã trở thành nơi tiêu biểu cho mối quan hệ này.
Cũng phải nói rằng đóng góp thực tiễn quan trọng của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình là ủng hộ việc thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh, Ngài thường có mặt trong các buổi hội nghị để lắng nghe và góp ý, động viên và đối với báo Công giáo và Dân tộc, dù không phải là báo của Giáo hội nhưng Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình vẫn xem là một tờ báo Công giáo có ích cho Giáo hội nên khi có dịp đến thăm, Đức Tổng Phaolô chúc mừng, động viên khích lệ anh chị em làm báo.
Tình hình tâm tư của người công giáo Việt Nam sau ngày giải phóng với chế độ mới: “ba băn khoăn”cơ bản của người Công giáo, trước hết giới trí thức Công giáo miền Nam lúc ấy. Băn khoăn thứ nhất là về cái nghèo. Băn khoăn thứ hai là về tự do dân chủ. Băn khoăn thứ ba là về tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Riêng về “băn khoăn thứ ba” dành riêng cho người có tôn giáo.
Sau ngày 30/4/1975, lần đầu tiên Giáo hội Công giáo Việt Nam bắt buộc phải tính đến việc chỉ có thể dựa trên sức lực của chính mình sau khi các nhà truyền giáo nước ngoài ra đi hoặc bị trục xuất. Ngay sau đó là làn sóng di tản (thuyền nhân) mà trong số đó có không ít người công giáo (130.000 người với hàng trăm linh mục, tu sĩ...). Giữa bộn bề công việc khi đường phố Sài Gòn còn ngổn ngang, nhiều góc phố chưa tan hết mùi thuốc súng, tâm trạng hoang mang, chộn rộn của không ít người công giáo muốn trốn chạy khỏi những băn khoăn lo lắng TGM Nguyễn Văn Bình đã tỉnh táo, kịp thời ra Thư gửi linh mục, tu sĩ, giáo dân ngày 5-5-1975, giữa lúc dòng người công giáo hoảng hốt tìm cách di tản đang tăng lên. Bức thư lịch sử có lời kêu gọi tha thiết: “Từ ngày 30-4 vừa qua, chiến tranh đã chấm dứt, hoà bình đã lập lại trên đất nước thân yêu của chúng ta. Từ nay không còn bom đạn, tang tóc, hận thù, phân ly... Tất cả những tai hoạ đó đã thuộc về dĩ vãng. Đây là một niềm vui chung của cả dân tộc và, với cái nhìn theo Đức tin của người tín hữu, đây cũng chính là một hồng ân của Thiên Chúa”.
Sau đó, trong bức Thư chung lịch sử (22-11-1975), TGM Nguyễn Văn Bình còn có sự phân tích, nhận định đầy tính tiên tri: “chắc chắn anh chị em không sợ thống nhất mà có lẽ anh chị em sợ thống nhất trên cơ sở chủ nghĩa xã hội. Nhưng xã hội chủ nghĩa là một phương thức sản xuất không cho phép người bóc lột người, mà nhằm phân chia lợi tức cho hợp lý...”.
Lá thư này là khởi đầu cho Đường hướng của Thư Chung 1980, khi Đức Tổng Nguyễn Văn Bình chỉ ra: “Hơn mọi lúc, giờ đây người Công giáo phải hoà mình vào nhịp sống của toàn dân đi sâu vào lòng dân tộc. Thay vì để cho những tin đồn vô căn cứ làm cho chúng ta hoảng hốt, hoang mang hay khép kín, chúng ta phải hướng mình theo trào lưu của lịch sử, phải có thái độ bình tĩnh, sáng suốt và tích cực trước tình thế mới”..
Sự kiện Đại hội các Giám mục Việt Nam tiến hành tại thủ đô Hà Nội (từ 24-4-1980 đến 1-5-980), được coi là Đại hội thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam với bức Thư Chung nổi tiếng, khẳng định đường hướng “Sống Phúc Âm giữa lòng Dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”:
“Chúng ta phải là Hội thánh của Chúa Giêsu trong lòng dân tộc Việt Nam…Là Hội thánh trong lòng dân tộc Việt Nam. Chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước…Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình. Vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của người. Đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta. Dân tộc này là cộnmg đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân, vừa là thành phần Dân Chúa”. “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào đối với người công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm…là công dân tốt, phải thực sự và tích cực vun trồng lòng yêu nước.”Trong phần kết của Thư Chung năm 1980 có đoạn “Nhìn về quá khứ, chúng tôi cảm mến sâu sắc bàn tay nhân lành của Thiên Chúa đã êm ái và mạnh mẽ hướng dẫn Hội thánh Người trên đất nước Việt Nam chúng ta. Chúng tôi biết ơn công lao của vô vàn tín hữu đã làm sáng tỏ đức tin và lòng yêu nước của mình”. Đoàn HĐGMVN đi Adlimina yết kiến Đức Giáo hoàng Benedictô XVI năm 2009. Đức Giáo hoàng Benedictô XVI gặp gỡ các giám mục Việt Nam đã tái khẳng định và cổ vũ Thư Chung của HĐGMVN năm 1980 và kêu gọi: “Người công giáo tốt phải là người công dân tốt”. Vì vậy Đường hướng Thư Chung năm 1980 mà đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Đã có quá nhiều bài viết khẳng định vai trò người dọn đất và gieo mầm cho sự kiện lịch sử này của Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình. Cần nói thêm rằng, thời điểm gieo mầm cho đường hướng mục vụ ấy đã được bắt đầu ngay từ sau ngày 30-4-1975 với cả quá trình suy tư về thần học, sự vận dụng Học thuyết xã hội công giáo theo tinh thần của Công đồng Vatican II cũng như thực tiễn của Giáo hội Công giáo Việt Nam mà Ngài là một trong những người có đóng góp quan trọng nhất.
TGM Nguyễn Văn Bình không thể là nhà thần học “chuyên nghiệp”. Sứ vụ to lớn của Ngài, người mục tử tiêu biểu của Giáo hội ở thời điểm lịch sử, là ở việc cùng với các đấng bậc chăn dắt đàn chiên của một Tổng giáo phận mà số phận lịch sử đã dành cho nó một vị thế lớn và quan trọng nhất trên tất cả các phương diện Đạo - Đời.
Mặc dù thấy rõ sự khác biệt về ý thức hệ giữa Cộng sản và Công giáo, nhưng trong bối cảnh mới của đất nước sau biến cố 1975, TGM Nguyễn Văn Bình cũng đã chỉ ra cho người Công giáo Việt Nam những góc nhìn tích cực mới mẻ trong quan hệ giữa Công giáo và Cộng sản, Nhà nước và Giáo hội.
Phải nói ngay rằng từ năm 1975 Đức TGM đã có những suy tư đầu tiên thể hiện trong phát biểu tại Hội nghị hiệp thương chính trị, thống nhất đất nước (20-12-1975): “Thống nhất trên cơ sở CNXH có thể làm Nam Bắc xum họp, nước mạnh dân giàu, ai cũng được hạnh phúc, ai cũng được tôn trọng”. Hoặc một câu khác: “XHCN đích thực chính là Kitô giáo sống một cách trọn vẹn bằng cách phân chia của cải và bình đẳng căn bản”.
Những suy nghĩ chín mùi hơn và toàn diện hơn được thể hiện trong tham luận quan trọng của Ngài tại Đại hội Giám mục Thế giới 1977 với tiêu đề Sống và truyền đạt Đức Tin trong môi trường XHCN: “Dùng ngôn ngữ mácxít để nói về Chúa cho người mácxít”. Dù sao cái nhìn của TGM Nguyễn Văn Bình cũng khiến người Công giáo bước đầu có thể an tâm để sống đạo, nghiệm sinh trong “môi trường mácxít”.
Với quan điểm đúng đắn, không có sự lựa chọn nào khác với người Công giáo Việt Nam phải ở lại giữa đời, phải hội nhập vào xã hội mới - nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - theo tinh thần của thánh Phaolô “Do Thái với người Do Thái, Hy Lạp với người Hy Lạp”, từng bước hướng người Kitô hữu Việt Nam vào môi trường XHCN còn đầy xa lạ, nghi ngại.
Luận đề này được TGM Nguyễn Văn Bình đưa ra nhiều lần xung quanh chủ đề “thái độ của người Kitô hữu ở Việt Nam”. Trên cơ sở tinh thần Hiến chế Vui mừng và Hy vọng của Công đồng Vatican II, xác lập đường hướng Hợp tác với “chế độ mácxít đã được thiết lập”, kiên quyết không để tình trạng “Ghetto để sống bên lề xã hội”. Người Công giáo hoàn toàn có thể sống trong môi trường ấy và “cùng với người Cộng sản xây dựng xã hội mới”.
Lẽ dĩ nhiên, TGM Nguyễn Văn Bình cũng không e ngại bộc lộ những băn khoăn, thậm chí “nỗi sợ” có thực của không ít người Công giáo Việt Nam trong bước đầu chung sống với chế độ mới. Nhưng ở Ngài lại có những ứng xử, ngôn xứ rất đời (chất Nam Bộ), mà trong số những khó khăn ấy, như công tác mục vụ và giáo dục của bản thân Giáo hội là vấn đề giảng dạy giáo lý trong môi trường XHCN.
TGM Nguyễn Văn Bình với tư cách là một trong những người “thiết kế” Thư chung 1980, đã đặt nền móng cho đường hướng xây dựng một Giáo hội đồng hành với dân tộc; canh tân, hòa giải và hòa hợp; đối thoại và hợp tác. TGM Nguyễn Văn Bình rõ ràng là một nhân vật lịch sử của Giáo hội Công giáo Việt Nam và lịch sử dân tộc thời hiện đại. Qua hai thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt với lịch sử Giáo hội cho thấy rằng, người mục tử ấy thực sự đã có những đóng góp tiêu biểu cho việc lựa chọn và khẳng định đường hướng Công giáo đồng hành với dân tộc và bước đầu thích ứng với chủ nghĩa xã hội. Đường hướng Hòa giải và Hòa hợp, Đối thoại và Hợp tác theo tinh thần của Công đồng Vatican II (1962-1965), cũng là sự triển khai những sứ điệp của Tòa thánh, đồng thời cũng là sự sáng tạo của một thế hệ những đấng bậc, những tu sĩ, giáo dân cấp tiến đã góp phần quyết định tạo nên sự ổn định, bước đầu hội nhập gắn bó với Dân tộc từ sau biến cố 1975 đến nay.
Để ghi công ơn đóng góp của TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình. Nhà nước truy tặng Ngài “Huân Chương Đại đoàn Kết toàn dân”. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đặt tên Ngài cho con đường bên hông Bưu Điện Sài Gòn: Nguyễn Văn Bình
Về phía công giáo. Để tỏ lòng biết ơn sự chăm lo cho tu sĩ các dòng tu về học tập. Liên tu sĩ TP/ HCM. Liên tu sĩ thành phố mở trường đào tạo với tên gọi: Học viện Nguyễn Văn Bình.
Để học tập đường hướng dấn thân phục vụ giáo hội và xả hộingày30/12/2006, Câu lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình được thành lập.
SIMON LẠI VĂN MIỄN