Gạo tám Hải Hậu - nét tinh túy của đồng quê Việt Nam. Ảnh: Hà Hoa |
Gạo Tám Xoan Hải Hậu, tỉnh Nam Định sản phẩm của vùng đất hạ lưu sông Hồng, được trồng những nơi ruộng bùn pha cát, kề bên bờ sông, khi mưa dầm không úng, nắng hạn không khô, cụ thể là bờ sông Ninh Cơ. Loại gạo này thường được người dùng dành cho ngày Tết, ngày giỗ, chiêu đãi khách, hoặc đong năm, ba cân làm quà biếu. Hạt gạo Tám Xoan thon, dài mỏng mình, màu trắng xanh như cô con gái “mỏng mày hay hạt”. Không một giống lúa nào có thể địch nổi về mùi thơm tự nhiên của gạo Tám Xoan. Người dùng chỉ cần vốc một nắm gạo trên tay đã hưởng mùi thơm ngát. Nồi cơm bằng gạo Tám Xoan vừa chín tới, hé mở nắp vung là trong nhà, ngoài ngõ đã nhận được mùi thơm lừng. Gạo Tám Xoan Hải Hậu chứa nhiều tinh bột, đồng thời bổ sung lượng protein, nước, vitamin và các chất khoáng rất cần cho cơ thể. Thú vị nhất là ăn cơm gạo Tám Xoan với giò lụa, chả quế, rưới thêm ít nước mắm nhĩ, rắc chút hạt tiêu. Lúa cho gạo Tám Xoan chỉ trồng và thu hoạch vào mùa thu. Từ xưa gạo này được dùng tiến vua, ngày nay đã thành nguồn xuất khẩu mang về lợi nhuận kinh tế cao.
Gạo Nàng Thơm Chợ Đào, tỉnh Long An – một chợ nhỏ nằm bên con kênh đào ăn thông với kênh xóm Bồ chảy qua xã Long Mỹ, huyện Cần Đước đã đi vào ngôn từ quen thuộc “cơm Cần Ðước nước Ðồng Nai”. Trước đây loại gạo này nằm trong danh mục đặc sản tiến vua, bởi ngây ngất hương vị đồng quê. Ở Long An, riêng loại lúa có tên “Nàng” kể đến hàng chục: Nàng Tri, Nàng Rừng, Nàng Chò, Nàng Quất, Nàng Co, Nàng Minh, Nàng Hương, Nàng Rẫy, Nàng Sóc… Nhưng không có “Nàng” nào vượt nổi “Nàng Thơm” về mặt chất lượng. Sản xuất gạo Nàng Thơm đòi hỏi công phu. Nó kén đất, kén nước, thời vụ, kỹ thuật canh tác, đòi hỏi công phu nhiều. Ví như toàn xã Mỹ Lệ có hơn 1.000 ha đất gieo trồng, nhưng ruộng để trồng được loại lúa này chỉ khoảng 400 ha. Năng xuất gạo Nàng Thơm thường thấp so với các giống lúa khác, chỉ khoảng trên 3 tấn/ha. Nếu đem giống này trồng ở nơi khác (không phải đất, nước Chợ Ðào) thì hương vị, độ thơm dẻo giảm đi đáng kể. Gạo Nàng Thơm Chợ Ðào có một khối trắng trong ánh hồng nằm ở giữa hạt, người địa phương gọi là “hột lựu”. Chỉ có gạo Nàng Thơm chợ Ðào mới có được “hột lựu”. Cho đến nay, bí mật về “hột lựu” trong gạo Nàng Thơm chợ Ðào vẫn chưa được “giải mã”.