Ông Vũ Đình Khoa- Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, ông Đặng Xuân Hùng- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nam Định đã tham dự và phát biểu tại tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: An Luých)
Tọa đàm đã thảo luận và đặt ra nhiều câu hỏi về những vấn đề tác động đến đời sống gia đình như: Lòng hiếu thảo đang có nguy cơ bị xói mòn; nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi; tỷ lệ ly hôn gia tăng; trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều; nạn phá thai ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là ở những em học sinh…
Để hạn chế, cải thiện những vấn đề trên, đa số các ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động để các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội, giáo hội nâng cao trách nhiệm của mình cùng các gia đình từng bước ổn định, củng cố xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững. Đặc biệt, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định cần tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, hiệp thông cùng Giáo hội thực hiện “Phúc Âm hóa gia đình” và “Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ” nhằm góp phần xây dựng gia đình Công giáo trở thành cộng đoàn yêu thương, cộng đoàn phục vụ sự sống, là nơi giáo dục nhân bản…
Các đại biểu đã nhấn mạnh tới ý nghĩa của gia đình đối với Hội Thánh, xã hội và đất nước mà Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Chỉ thị 49/CT- TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương đã khẳng định: “Gia đình là Hội Thánh tại gia giữa lòng cộng đồng Ki tô. Gia đình là trường học đầu tiên. Cha mẹ là những người giáo dục đầu tiên. Sách giáo khoa đầu tiên là những quan hệ trong gia đình, giữa cha mẹ với nhau, giữa cha mẹ với con cái, giữa gia đình này với gia đình khác”- Thư chung 2013 của HĐGMVN; “Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”- Chỉ thị 49/CT-TW.
Phó Chủ tịch Ủy ban ĐKCGVN Vũ Đình Khoa phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: An Luých)
Phát biểu tại tọa đàm, ông Vũ Đình Khoa- Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam khẳng định, nội dung tọa đàm là một sáng kiến có tính thời sự, phù hợp với Thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam về Phúc Âm hóa đời sống gia đình và Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ, với cuộc vận động 7 tốt đời 3 đẹp đạo do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động.
Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam bày tỏ niềm vui về kết quả thực hiện phong trào “Xây dựng gia đình Công giáo gương mẫu” tại tỉnh Nam Định với 95.450 lượt gia đình Công giáo đạt 4 tiêu chuẩn gia đình Công giáo gương mẫu. Theo Phó Chủ tịch, việc thực hiện phong trào từ cách đây 15 năm, chính là một sự sáng tạo có tính tiên phong, đến nay phong trào vẫn phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, và đường hướng của Giáo hội về xây dựng gia đình Việt Nam. Phong trào đã khơi dậy những giá trị đạo đức, bác ái, yêu thương của đạo Công giáo, phát huy nội lực của đồng bào giáo dân để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời góp phần không nhỏ vào sự phát triển của quê hương, xứ đạo và các chương trình phát triển của địa phương.
Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đề nghị, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định tiếp tục phát huy phong trào Xây dựng gia đình Công giáo gương mẫu, hiệp thông cùng Giáo hội thực hiện Phúc Âm hóa đời sống gia đình, Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ. Phó Chủ tịch mong muốn đồng bào Công giáo Nam Định tiếp tục cùng nhau chăm lo, yêu thương, chia sẻ, hòa giải, nhìn nhận cái mới, cái đẹp để hướng tới tương lai, góp phần xây dựng giáo xứ giàu đẹp, văn minh; gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.
Qua 15 năm thực hiện phong trào “xây dựng xứ họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, Nam Định có 95.450 lượt gia đình Công giáo đạt 4 tiêu chuẩn gia đình Công giáo gương mẫu; 100% nhà thờ giáo xứ, giáo họ và nhiều nhà giáo lý được trùng tu, nâng cấp và xây mới khang trang; các sinh hoạt tôn giáo tổ chức long trọng, tôn nghiêm đúng với nghi lễ và những quy định của Nhà nước về hoạt động tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh của bà con giáo dân.
4 tiêu chuẩn về gia đình Công giáo gương mẫu, đó là: Góp sức thực hiện đường hướng của Giáo hội gắn bó với dân tộc và 10 điều răn của Chúa, hương ước, quy ước của địa phương; Tích cực tham gia vào các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc các cấp khởi xướng, tham gia các phong trào do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp phát động; Đoàn kết trong gia đình và cộng đồng dân cư, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo; Giữ gìn và phát huy bả sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn hóa và các thuần phong mỹ tục trong việc cưới, việc tang, việc chầu lễ, sinh sản có trách hiệm, gia đình không có người phạm tội và mù chữ.
An Luých