Tin tức - Hoạt động

Giáo hội đối phó với tình trạng thiếu hụt linh mục

Cập nhật lúc 12:55 27/12/2019
Một thánh lễ phong chức linh mục.
Một thánh lễ phong chức linh mục.
Theo Niên giám của Tòa Thánh công bố năm 2019 thì năm 2017 số lượng giáo dân toàn thế giới là hơn 1,3 tỷ, chiếm 17,3% dân số toàn cầu. Số người được rửa tội mới là 15,6 triệu người. Tăng trưởng nhiều nhất là châu Phi với 6,2 triệu giáo dân, châu Mỹ 6,0 triệu, châu Á 1,9 triệu. Nhưng số linh mục lại bị giảm từ 414.969 vị năm 2016 xuống còn 414.582 vị năm 2017 tức là giảm 387 vị. Số cuộc truyền chức linh mục cũng giảm từ 6.577 cuộc năm 2012 xuống còn 5.815 cuộc năm 2017, tức là giảm 762 cuộc. Số chủng sinh cũng giảm từ 116.160 (năm 2016) xuống còn 115.328 (năm 2017), giảm 832 người. Vì vậy số giáo dân bình quân do 1 linh mục coi sóc cũng tăng lên từ 3019 người (năm 2015) lên 3135 (năm 2017). Do đó, nhiều nơi đã có đề nghị Giáo hội Công giáo phải khẩn cấp đối phó với tình trạng thiếu hụt linh mục hiện nay.

Tại sao lại có hiện tượng đó? Trước hết là bởi vấn đề sinh ít con của các gia đình tại Âu- Mỹ. Do nhiều nguyên nhân như kinh tế, văn hóa, lối sống hiện đại mà nhiều cặp vợ chồng ở đây chỉ có 1-2 con nên họ cũng không muốn cho con theo bậc tu trì. Rồi những vụ bê bối của Giáo hội nhất là các vụ lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ kéo dài từ những năm 1980 và được phanh phui ra đầu năm 2018 làm khủng hoảng niềm tin của giáo dân. Tòa án tối cao ở Pennsylvania đã điều tra 6 giáo phận liên quan đến 1000 nạn nhân mà thủ phạm là 300 linh mục. Thậm chí một số Giám mục, Hồng y cũng bị tố cáo và Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phải cách mọi chức vụ của Hồng y Theodore McCarich- nguyên Tổng Giám mục Washington DC. Hồng y George Pell là thành viên của Ủy ban cố vấn của Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng bị tòa án Victoria (Úc) kết tội 6 năm tù giam vì lạm dụng tính dục 2 người giúp lễ. Tổng Giám mục Vigaro, nguyên là Khâm sứ Tòa Thánh tại Hoa Kỳ còn đề nghị Giáo hoàng Phanxicô phải từ nhiệm vì các bê bối này. Dư luận coi đó là vụ “khủng hoảng 11-9” đối với Giáo hội Công giáo.

Giáo hội Công giáo bị suy giảm uy tín trầm trọng, kéo theo sự sụt giảm về số lượng tín hữu. Giáo hội Pháp vẫn được vinh danh là “con cả của Giáo hội”, năm 1972 có 87% dân số nước này là tín hữu Công giáo thì năm 2010 giảm xuống còn 65% và đến năm 2016 chỉ còn 53,8%. Người ta ước tính riêng khu vực châu Mỹ Latinh, mỗi tháng có khoảng 8.000 người Công giáo bỏ đạo chạy theo các giáo phái khác. Tại đây, 19% dân số là tín đồ của Tin Lành. Trầm trọng nhất là Giáo hội Đức. Năm 2015, có 181. 925 tín hữu Đức làm đơn xin ra khỏi Giáo hội Công giáo. Năm 2016 có thấp hơn nhưng cũng lên đến 162.093 người. Theo công bố của Hội đồng Giám mục Đức hôm 21/7/2017 thì nước này hiện chỉ còn 23.582.000 tín hữu chiếm 28,5% dân số. Năm 2002, con số này là 27.401.000 giáo dân chiếm 33,2% dân số. Có nghĩa là Đức đã mất hơn 2, 8 triệu tín hữu trong 15 năm. Cho nên, số giáo xứ cũng giảm mất 3000 xứ trong vòng 20 năm từ 13.329 xuống còn 10.280 xứ. Số linh mục cũng giảm theo, năm 2015 có 14.087 vị, năm 2017 còn 13.856 vị. Việc giữ lễ của giáo dân ngày chủ nhật cũng giảm chỉ còn 10,2%.Trước đó, năm 2015, tỷ lệ này là 10,4%. Nghi thức lễ cưới Công giáo trong nhà thờ cũng ít đi từ 79.453 vụ năm 2015 giảm xuống còn 43.610 vụ. Đám tang Công giáo cũng thế từ 286.772 đám năm 2015 chỉ còn 243.213 đám năm 2017. Tình trạng nhiều người Công giáo ở Đức làm đơn xin ra đạo có một lý do trực tiếp là tín hữu ở đây phải nộp 9% thu nhập cho Giáo hội hàng năm. Giáo phận Tôkyô, Nhật Bản dù không suy giảm như Đức nhưng trong 30 năm cũng giảm từ 75.000 tín hữu xuống còn 62.000 (1987- 2017). Năm 2013, nước này chỉ có 44 vụ kết hôn theo nghi thức Công giáo. Đức TGM Isao Kikuchi (Tôkyô) nói truyền giáo ở Nhật Bản rất khó khăn không chỉ vì tôn giáo bản địa bám chắc mà còn vì thiếu linh mục. Hiện nay chỉ trông vào số người di dân đến từ Philippin để kêu mời ơn gọi. Vì thế, không ngạc nhiên khi nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ rao bán nhà thờ bởi không còn tín hữu đóng góp để sửa chữa khiến nhà thờ xuống cấp, bị cảnh sát dọa phạt nặng. 

Để đối phó với tình trạng thiếu hụt linh mục, Giáo hội đã có một số giải pháp ứng phó như tăng số lượng phó tế vĩnh viễn để giúp đỡ giáo dân về một số nhu cầu mục vụ, học hỏi giáo lý nhằm duy trì đời sống đức tin. Năm 2003, toàn cầu có 29.501 phó tế vĩnh viễn, năm 2018 số này là 46. 312 vị, trong đó 90% là ở Hoa Kỳ. Số giáo lý viên cũng được đào tạo nhanh. Năm 2013 có 2.767.451vị, năm 2017 là 3.120.000 vị. Một số nơi thiếu linh mục như Brazil, Mêhicô đã truyền chức linh mục cho một số giáo dân lớn tuổi, có gia đình,vợ đã mất và con cái lớn. Một số nước như Hoa Kỳ đã ký hợp đồng với nước nghèo nhưng có ơn gọi nhiều như Việt Nam đào tạo linh mục và chia đôi, một nửa giữ lại, một nửa trả cho nước gửi chủng sinh.

Thế nhưng xem ra tình hình không cải thiện được bao nhiêu. Giám mục Man Fred Scheuer, giáo phận Linz (Áo) đã gửi thư cho Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng, theo ý nguyện của giáo dân và đối phó với tình trạng thiếu linh mục hiện nay nên phong chức linh mục cho các giáo dân nam trưởng thành, đạo hạnh, bãi bỏ luật độc thân linh mục và phong chức phó tế cho phụ nữ. Lý do vị Giám mục này đề nghị bãi bỏ luật độc thân linh mục là vì, các Tông đồ của Chúa Giêsu xưa hầu hết có gia đình, chỉ có ông Gioan là độc thân và được Chúa yêu hơn mà thôi. Hơn nữa, khi có gia đình như các mục sư Tin Lành, Chính thống, các linh mục sẽ ít vi phạm tội lạm dụng tính dục và nếu gia đình các linh mục sống tốt lành, hòa thuận sẽ làm gương cho tín hữu vì tuyệt đại tín hữu có gia đình. Trong thời các Tông đồ đã có phụ nữ là phó tế và chính Đức Phanxicô cũng đã cho nghiên cứu lại vấn đề này. Đặc biệt, phụ nữ chiếm đa số trong số tín hữu nhiệt thành nhất là các nữ tu. Họ thực sự làm cho Giáo hội sống động phong phú. 

Hội đồng Giám mục Đức tổ chức một Công nghị vào Mùa Vọng năm 2019 với nhiều dự thảo rất táo bạo được đệ trình hôm 19/8/2019 mà theo Đức Hồng y Marx- Chủ tịch Hội đồng nói đã được đa số các Giám mục Đức tán thành liên quan đến vấn đề phong chức thánh cho phụ nữ, truyền chức linh mục cho người có gia đình, đề nghị bãi bỏ luật độc thân linh mục, cho người ly dị tái hôn được rước lễ… Tòa Thánh ngay lập tức cảnh báo những sai lầm của công nghị này và cho rằng đó không thuộc thẩm quyền của các Giám mục Đức và nếu cứ tiếp tục, nguy cơ ly khai Đức giáo là hiện hữu.

Ngày 7/10/2019, Thượng Hội đồng các Giám mục vùng Amazon đã khai mạc với sự hiện diện của Đức Phanxicô. Hồng y Chudon Hummer, người Brazil, Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng cho rằng, nếu không phong chức linh mục cho giáo dân nam có gia đình và tiến tới bỏ luật độc thân linh mục thì vùng Amazon sẽ không còn giáo dân nữa. Vùng Nam Mỹ, một linh mục phải coi sóc 7.203 giáo dân, gấp đôi so với bình quân toàn cầu nên không đủ sức làm mục vụ, gặp gỡ giáo dân thành ra giáo dân bỏ đạo sang Tin Lành. 60% người Công giáo ở đây đã chuyển sang Tin Lành rồi. Nhưng Hồng y Camillo Ruini, nguyên Tổng đại diện giáo phận Rôma và trợ lý của Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tới 17 năm đã trả lời báo Corriere della Sera hôm 3-11-2019 rằng: phong chức linh mục cho người có gia đình là lựa chọn sai lầm. Tôi cầu nguyện và hy vọng Đức Thánh Cha sẽ không phê chuẩn.

Có cách nào cứu vãn không? Giám mục John Eduardo Reyes của Venezuelach cho rằng, thực tế không phải thiếu linh mục trên bình diện toàn cầu. Nhưng là sự phân bổ không đồng đều số linh mục giữa các khu vực. Giám mục Reyes đưa ra số liệu. Hoa Kỳ có 37.000 linh mục nhưng chỉ coi sóc 70 triệu giáo dân. Brazil có số giáo dân gấp đôi lại chỉ có 13.000 linh mục. Số linh mục ở châu Âu chiếm 42% số linh mục toàn cầu nhưng giáo dân ở châu Âu chỉ chiếm 23% giáo dân trên thế giới. Tại Rôma có 1.800 linh mục nhưng chỉ có 800 vị làm mục vụ còn là lang thang, sao số này không đến phục vụ ở Amazon? 

Giám mục Lucio Andrio Muanduk ở Mozambique cho rằng, có một nghịch lý là những nước giàu có lại thu hút linh mục các nước nghèo đến cư trú. Italia có 39 linh mục người gốc Ấn Độ trong khi nước này có tới 17 triệu tín hữu Công giáo đang thiếu linh mục. Họ sang Italia vì cuộc sống dễ chịu hơn lại có thể tích cóp được tiền gửi về quê giúp đỡ gia đình. Hoa Kỳ cũng 30% linh mục ở đây đến từ các nước nghèo. Châu Phi là nơi tăng trưởng số giáo dân nhiều nhất lên tới 7000% trong 25 năm qua nhưng số linh mục đến đây ít thành ra bình quân một linh mục phải phục vụ tới 5.642 giáo dân, cao nhất trong các châu lục. Cho nên khẩn thiết là phải phân phối một cách bình đẳng các linh mục trên phạm vi toàn cầu (1).

Vấn đề này chưa biết Giáo hội Công giáo sẽ giải quyết ra sao, nhưng trước mắt, nhiều Giáo hội địa phương chủ động thực hiện như Hàn Quốc đã cho nhiều thừa sai đến truyền giáo tại Mông Cổ. Một số linh mục, nữ tu Việt Nam đã qua phục vụ tại Thái Lan, Campuchia, Lào. Nhiều dòng tu trước đây chủ yếu đào tạo tu sĩ, nay cũng mở trường đào tạo linh mục để phục vụ công cuộc truyền giáo
---------------------------
1- Các số liệu dẫn ra trong bài đều lấy từ Vietcatholic/News.net và Catholic Culture.com
 
Ts Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Pháp (27/12/2019)
Nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn - Điểm đến du lịch nổi tiếng (27/12/2019)
Đồng bào Công giáo Nghệ An luôn phát huy truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc (27/12/2019)
Dư âm cõi thế (26/12/2019)
Tóm lược niên lịch phụng vụ năm 2020 (25/12/2019)
Thánh lễ tạ ơn 50 năm linh mục (25/12/2019)
Lễ Giáng sinh có thật là kế tục một gnày lễ của dân ngoại không? (25/12/2019)
Giáng sinh về! (24/12/2019)
Ba niềm vui trong Mùa Giáng sinh (24/12/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log