Tuần chầu lượt giáo xứ Kiến An. Ảnh: Lĩnh Nguyễn |
Lịch sử hình thành và phát triển Căn cứ vào những chứng tích lịch sử và tư liệu thu thập được, làng Kiến An được hình thành đến nay đã được khoảng 600 năm. Ban đầu, đất làng thuộc khu đất Đồng Sác hiện nay. Con sông Yên uốn khúc hình quả bầu bao bọc quanh làng. Có lẽ vì thế mà làng có tên gọi là làng Kén. Sau này, khi nhận ra nơi ở ban đầu không còn phù hợp cho sự phát triển lâu dài, dân làng đã di chuyển đến nơi ở mới cách đó khoảng 800m. Từ khi thành lập cho đến cuối thế kỷ thứ XVI, nơi đây vẫn theo đạo Phật. Hiện nay, khu đất đã được dùng để xây dựng những ngôi chùa ngày xưa vẫn còn.
Năm 1627, Tin Mừng đến Thanh Hóa qua dấu chân của cha Đắc Lộ trên đất Cửa Bạng (Ba Làng). Cửa Bạng lại rất gần với làng Kén, vì vậy, người dân nơi đây đã được đón nhận Tin Mừng từ rất sớm. Làng Kén thời ấy từ một làng theo Phật giáo đã trở thành một làng theo Công giáo. Lúc ban đầu chỉ có nửa làng theo đạo, nhưng theo thời gian, làng Kén đã trở thành làng Công giáo toàn tòng, phát triển và tồn tại đến ngày nay.
Trước kia, Kiến An (Kén) là họ đạo thuộc xứ Ba Làng (Cửa Bạng). Năm Canh Tý 1720, giáo dân trong giáo xứ đã lập ra nội quy (còn gọi là điều lệ họ đạo) được viết bằng chữ Hán. Đến năm Mậu Dần 1878, điều lệ họ đạo đã được sửa đổi nhưng vẫn được viết bằng chữ Hán. Năm Bính Thân 1956, sau khi sửa đổi thêm một số điều, điều lệ được viết lại bằng chữ quốc ngữ.
Ngôi nhà thờ đầu tiên của Kiến An được xây dựng trên đất ở của gia đình ông Lê Bá Bính. Thời gian sau, số người theo đạo ngày một đông, ngôi nhà thờ trở nên chật hẹp. Vì thế, các cụ đã xây dựng ngôi nhà thờ mới bằng gỗ và lợp lá kè trên khu đất ngôi nhà thờ xứ hiện nay tọa lạc. Năm Bính Dần 1926, dân số của làng phát triển nhanh, đồng thời, kinh tế có phần được cải thiện hơn. Theo thời gian, ngôi thánh đường thứ hai cũng đã có dấu hiệu xuống cấp và hư hỏng. Một lần nữa, giáo dân Kiến An lại quyết tâm xây dựng ngôi thánh đường mới bằng gạch ngói. Nhà thờ mới dài 8 gian được xây dựng trên nền đất cũ, tháp chuông cao và rất nguy nga.
Đầu năm 1951, Toà Giám mục quyểt định tách 4 họ: Kiến An (họ sở tại), An Cư, Xuân Yên, Đồng Độ, Trúc Hóa và Phú Nẫm (họ Nếnh thuộc xứ Tân Đạo) thành xứ mới với tên gọi Kiến An và nhận Thành Cả Giuse làm bổn mạng (cha Nguyễn Định Tường là người đã có công mua đất, xây dựng nhà xứ và đệ trình Tòa Giám mục ra quyết định xóa tên. Năm 1954, nhiều giáo dân Kiến An theo dòng người di cư vào Nam thành lập giáo xứ Kiến An). Năm 1953, hai giáo họ Đồng Độ và Trúc Hóa do di dân đã bị xóa tên. Năm 1954, nhiều giáo dân Kiến An theo dòng người di cư vào Nam.
Ngôi nhà thờ xứ hiện nay do cha Alphongsô Phạm Văn Hộ xây dựng và được cung hiến ngày 21/6/1996 dưới thời Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm.
Giáo xứ Kiến An hiện nay Theo sổ tất niên giáo phận năm 2011, giáo xứ Kiến An hiện có 1.734 giáo dân, phân bổ trong 4 giáo họ: An Cư, Kén, Phú Nấm và Xuân Yên.
Giáo dân Kiến An sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và trồng cây nông nghiệp. Từ năm 1992, bà con trồng thêm cấy cói. Đời sống kinh tế ở đây còn nhiều khó khăn vì đây là vùng ẩm thấp, đất thường xuyên bị úng ngập và nhiễm mặn.
Tuy vậy, sinh hoạt tôn giáo trong giáo xứ diễn ra rất sôi nổi. Việc học giáo lý của thiếu nhi rất tích cực. Lòng đạo đức của bà con giáo dân được thể hiện một cách rõ nét qua việc tham dự thánh lễ, đọc kinh tối sớm hằng ngày. Dù đã phải gánh chịu bao đau thương, nhưng giáo dân nơi đây vẫn một lòng son sắt giữ vững niềm tin nơi Thiên Chúa. Thời Văn Thân 1885, giáo họ Phú Nam có 79 người bị nhốt trong nhà thờ, cả người và nhà thờ đều bị đốt. Những vị tử đạo vô danh đã tô thắm cho đời sống đạo của giáo xứ thêm son sắt. Chính từ truyền thống quý báu đó, giáo xứ cũng đã dâng hiến cho Chúa nhiều người con làm linh mục, tu sĩ như: cha Vũ Văn Sửu, sinh năm 1925, đã học ở Chủng viện Phúc Nhạc, được phong chức ở Rôma, và hiện nghỉ hưu ở giáo phận Long Xuyên; cha Phaolô Vũ Đức Vượng, sinh năm 1949, nay đang quản nhiệm xứ Tân Hà, giáo phận Đà Lạt; cha Khuyên, sinh năm 1946 (đã qua đời). Theo thống kê năm 2011, giáo xứ có 3 linh mục triều, 1 tu sĩ, và 2 chủng sinh.
Hiện nay, ngoài các giờ lễ, kinh nguyện, chầu Mình Thánh, kiệu hoa, dâng hoa… các công tác bác ái xã hội cũng được thực hiện thường xuyên thông qua việc thăm viếng các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những bệnh nhân trong và ngoài giáo xứ, không phân biệt tôn giáo. Trên địa bàn của giáo xứ có một cộng đoàn Mến Thánh giá đang hoạt động.
Với truyền thống kiên cường và lòng sốt mến, giáo xứ Kiến An đang trên con đường phát triển, hòa nhập với dòng chảy của giáo phận Thanh Hóa.