Tin tức - Hoạt động

Giáo xứ Phong Ý

Cập nhật lúc 14:16 22/05/2020
Giáo xứ Phong Ý được thành lập năm nào, hiện không có nguồn sử liệu nào ghi rõ. Chỉ biết rằng khi các nha thừa sai truyền giáo cho vùng Châu Lào, Phong Ý được coi như là một địa danh dừng chân để các thừa sai tiếp tục lên đường tiến lên vùng núi phía Tây Thanh Hóa xa xôi.
Nhà thờ giáo xứ Phong Ý. Ảnh: CTV
Nhà thờ giáo xứ Phong Ý. Ảnh: CTV

     Lược sử hình thành và phát triển

     Trong cuốn sách “Mission de Phat Diem - Thanh Hoa, Souvenirs d’un Ancien” của linh mục P. Poncet Thảo ghi lại: “Từ những năm tháng đầu thế kỷ XIX, thừa sai Jean Marie Martin (1861 - 1935) đã thiết lập một cơ sở xã hội nghèo nàn, một mái nhà tranh bên dòng sông. Năm 1904, thừa sai Jean Baptiste Dejeorge (1874 - 1926) nhận bài sai về chăm sóc mục vụ giáo xứ Phong Ý. Tại đây, một ngôi chợ vừa được người kinh từ đồng bằng lên thiết lập để ngược xuôi buôn bán trao đổi hàng hóa với đồng bào Mường”. (P. Poncet, Mission de Phat Diem - Thanh Hoa, Souvenirs d’un Ancien, trang 18).

     Năm 1907, thừa sai Jean Marie Martin Triệu cho xây nhà thờ giáo xứ Phong Ý hình Thánh giá, chiều dài 26,9m, chiều rộng 14m, chiều cao của tháp chuông là 19,4m. Nhà thờ được Đức cha Marcou Thành cung hiến vào ngày 20/3/1907. Chứng thư cung hiến bằng tiếng Latinh hiện đang còn lưu giữ tại giáo xứ.

     Từ ngày 21/9 đến ngày 8/10/1927, ba trận cuồng phong đã tàn phá dữ dội hầu như bình địa giáo họ Cửa Hạ và Phong Ý, nhưng không một giáo hữu nào thiệt mạng.

     Mùa xuân 1950, nhà thờ Phong Ý bị bom tàn phá một phần. Năm 1998, cha Giuse Phạm Văn Nhân đã cho tu sửa và cơi nới nhà thờ rộng hơn. Tháng 9/ 1998, cha Alphongsô Phạm Văn Hộ về quản xứ, tiếp tục hoàn thành công trình nhà thờ. Ngày 9/12/1999, nhà thờ được Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm cung hiến. Cũng năm đó, cha Hộ còn cho xây dựng nhà xứ hai tầng khang trang.

     Giáo xứ Phong Ý hiện nay

     Theo sổ tất niên giáo phận năm 2011, giáo xứ Phong Ý có 5.288 giáo dân, trong đó có khá đông là người dân tộc Mường, Thái và H’Mông, phân bố trong tất cả 25 giáo họ tại các huyện Cẩm Thủy, Ba Thước, Quan Sơn, Quan Hóa và Mường Lát. 

     Đời sống của giáo dân giáo xứ Phong Ý chủ yếu phụ thuộc vào nghề nông, một số ít buôn bán nơi thị trấn Cẩm Thủy nên đời sống có phần khấm khá hơn. Còn lại đa phần là nghèo khó, đặc biệt là các giáo họ vùng cao như Suối Tôn, Papua, Pù Mùa, Lốc Hà, Cá Giáng - Cánh Cộng, đời sống vô cùng nghèo khổ.
Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường , Giám mục giáo phận Thanh Hóa đã chủ tế thánh lễ nhận xứ của cha Giuse Phạm Văn Quế tại giáo xứ Phong Ý. Ảnh: CTV
Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường , Giám mục giáo phận Thanh Hóa đã chủ tế thánh lễ nhận xứ của cha Giuse Phạm Văn Quế tại giáo xứ Phong Ý. Ảnh: CTV

     Trước năm 1954, vùng phía Tây Thanh Hóa có 9 giáo xứ người dân tộc do các cha thừa sai ngoại quốc lập nên, nhưng do hoàn cảnh xã hội, các giáo xứ đó đã bị xóa sổ hoàn toàn. Hiện nay, công việc tái truyền giáo cho vùng miền Tây Thanh Hóa là công việc mục vụ hàng đầu mà Đấng bản quyền giáo phận đặt ra, trong đó, giáo xứ Phong Ý là điểm khởi đầu. “Tri ân quá khứ - chấn hưng hiện tại - dấn thân tương lai” là một lời mời gọi tất cả nhưng người Công giáo xứ Thanh cùng nhau hành động để xây dựng một giáo phận Thanh Hóa hiệp nhất, yêu thương. Trong đó bao gồm lời mời gọi hiệp nhất những anh chị em Công giáo vùng dân tộc - những con chiên đã bị bỏ rơi lâu ngày, vào mái nhà chung của giáo phận. Đó cũng là một cách tri ân các bậc tiền nhân trong quá khứ đã hy sinh thân mình để cho nước Chúa được hiển trị khắp nơi.  
Thông tin khác:
Quận Đống Đa chung tay phòng, chống dịch Covid - 19 (22/05/2020)
Chợ gạo Tiền Giang: Sinh động mô hình bảo vệ môi trường (21/05/2020)
Nhà thờ Mộ Thánh - Vùng đất thiêng (21/05/2020)
Tinh hoa tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác tôn giáo ở Việt Nam (21/05/2020)
Hội đồng Giám mục Việt Nam thư gửi cộng đồng Dân Chúa (20/05/2020)
Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam chúc mừng Đại lễ Phật đản (19/05/2020)
Đền thờ thánh Phêrô đang được nghiên cứu để mở cửa lại (18/05/2020)
Giáo xứ Nhân Lộ (15/05/2020)
Cần tranh thủ sự đóng góp của tôn giáo vào lĩnh vực giáo dục (13/05/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log