Một số kết quả nổi bật năm 2017
Báo cáo tại Hội nghị tập huấn triển khai nội dung công tác dân số trong tình hình mới và năm 2018, ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết: Năm 2017, dân số nước ta là 93,7 triệu người, tăng thêm 0,987 triệu người so với năm 2016. Trong đó, số trẻ em mới sinh trên toàn quốc đạt 1.313.186 cháu với tỷ số giới tính khi sinh là 112,4 bé trai/100 bé gái, tăng 0,2% điểm phần trăm so với năm 2016 (112,2). Năm 2017, có hơn 912.000 người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 1 lần/năm do trạm y tế xã tổ chức thực hiện; 92,8% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế... Chất lượng dân số, mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh từng bước được mở rộng.
Năm 2017, ngành Dân số đã tập trung can thiệp tại các địa phương có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao, nhằm ngăn chặn có hiệu quả đà gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Tuy nhiên một vài nơi, do chế tài xử phạt chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe các đối tượng cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi; vi phạm xét nghiệm, chẩn đoán sớm giới tính thai nhi còn phổ biến. Hiện có 57/63 tỉnh đã ban hành đề án hoặc kế hoạch hoạt động triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh của địa phương và bố trí kinh phí triển khai.
Ông Lê Cảnh Nhạc cũng chỉ rõ một số bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đó là một số văn bản hướng dẫn về cơ chế quản lý, điều hành của cơ quan có thẩm quyền ban hành chậm; cơ quan chuyên trách dân số tại một số nơi, một số thời điểm thiếu chủ động, quyết liệt trong điều hành thực hiện kế hoạch; vai trò điều phối còn mở nhạt; cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch, có nơi xem đây là việc của cơ quan chuyên trách.
Mục tiêu năm 2018
Bước sang năm 2018, Tổng cục DS-KHHGĐ đề ra mục tiêu chủ động duy trì vững chắc mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới khi sinh, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Cụ thể, chỉ tiêu dân số trung bình đạt mức 94,7 triệu người; tỷ lệ tăng dân số (chung, tự nhiên) là 1,0%. Tỷ số giới tính khi sinh là 112,8 bé trai/100 bé gái sinh sống; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế... Đẩy mạnh hoạt động can thiệp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh Thalassemia tại cộng đồng ở 261 xã của 29 huyện thuộc 6 tỉnh (Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa) do Bệnh viên Nhi Trung ương hỗ trợ can thiệp. Duy trì hoạt động Tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân tại 56/63 tỉnh (465 huyện và 2.588 xã) và 7 tỉnh (Lào Cai, Bắc Kạn, Hòa Bình, Lai Châu, Quảng Ninh,Tây Ninh, Trà Vinh) tạm dừng do thiếu kinh phí.
Tổng cục DS-KHHGĐ xác định công tác truyền thông trong lĩnh vực dân số phải được cụ thể hóa trong từng khu vực, từng địa phương chứ không phải theo một khẩu hiệu chung toàn quốc. Cán bộ và cộng tác viên dân số phải thay đổi suy nghĩ và cách thực hiện đến tận gốc rễ: công tác dân số chuyển hướng sang Dân số và Phát triển chứ không chỉ đơn thuần là kế hoạch hóa gia đình như trước đây.
Đảm bảo quyền và trách nhiệm sinh con
Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian tới, công tác dân số phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: Chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh giữa các vùng miền còn lớn, nhiều vùng vẫn có mức sinh cao (đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn); già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng… Thứ trưởng kêu gọi lãnh đạo các tỉnh, thành phố chủ động, sáng tạo, tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí của địa phương để hỗ trợ công tác dân số chứ không chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí của Trung ương.
Thứ trưởng cũng đề nghị, thời gian tới, Tổng cục DS-KHHGĐ cần tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về công tác dân số; chuẩn bị các nội dung để trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Dân số; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có đủ 2 con”, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.
BA