Tin tức - Hoạt động

"Lính" hỏa xa đón tết

Cập nhật lúc 14:54 06/03/2018
Quên đi nỗi buồn cá nhân, các cán bộ nhân viên trên chuyến tàu cuối cùng trong năm cố gắng mang nhiều niềm vui cho hành khách. Trên con đường thiên lý Bắc-Nam, tàu về bến đỗ an toàn với sự hài lòng của hành khách là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời của “người lính” hỏa xa.

Chuyến tàu hướng về gia đình

Như bao người con xa xứ vào TPHCM kiếm kế sinh nhai, trong tiết trời se lạnh của những ngày cận Tết, chúng tôi lỉnh kỉnh hành lí rời thành phố. 19 giờ tối, tiếng còi hỏa xa vang lên từng hồi, đoàn tàu SE4 lăn bánh rời ga Sài Gòn về ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Những con đường quen thuộc như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phan Đăng Lưu, Phạm Văn Đồng… đông nghịt người xe lùi dần ở phía sau, đoàn tàu tăng tốc lao đi trong ánh đèn đường vàng vọt!

Tại khoang ghế ngồi, sau khi hành khách ổn định vị trí, nhân viên trên tàu mỗi người mỗi ổ bánh mì đứng ở lối đi nuốt vội. Qua bắt chuyện, anh Đỗ Văn Hợi (trưởng tàu SE4, SN 1971, ở Hà Nội) cho biết, đã có 22 năm công tác trong ngành đường sắt. Ngần ấy thời gian công tác trong ngành, anh Hợi nói cùng gia đình đón năm mới tại tổ ấm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bù lại, những chuyến tàu cuối cùng đưa khách về quê cũng rất ấm áp với nhiều kỉ niệm khó quên trong đời.

“Bao giờ cũng vậy, xuyên suốt chặng đường từ ga Sài Gòn về ga Hàng Cỏ, anh em chúng tôi và hành khách có rất nhiều cung bậc, cảm xúc thú vị, nhất là thời khắc đón giao thừa trên tàu khó mà diễn tả nổi. Hành khách lúc đó có người vui mừng cười, có người thì khóc… Giây phút đó họ nhớ đến gia đình và những người thân yêu. Anh em chúng tôi cũng không ngoại lệ”, anh Hợi chia sẻ.

Tiếp lời anh Hợi, anh Hậu (SN 1986, nhân viên tàu) nói: “Trong ngành GTVT, chỉ có ngành đường sắt là có Tết Quang Trung (trước khi tiến quân ra Bắc phá 27 vạn quân Thanh vào đầu năm Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung cho quân sĩ ăn Tết sớm). Năm nào cũng vậy, khoảng 25 Tết là lãnh đạo đường sắt tổ chức cho nhân viên phục vụ trên các chuyến tàu cuối cùng trong năm ăn Tết sớm. Mọi người đều được lãnh đạo ngành lì xì hộp bánh, chai rượu, ít tiền… để động viên”. 

Cũng bánh chưng, rượu… nhưng không nuốt nổi

Gần 3 giờ lăn bánh, đoàn tàu ra khỏi địa phận tỉnh Đồng Nai. Nhìn qua cửa sổ, những cánh rừng cao su bạt ngàn nghiêng ngả trước những cơn gió phóng đãng đầu xuân, không khí lạnh tràn về áp vào các toa tàu. Trong đêm tĩnh mịch, những âm thanh của bánh tàu lăn trên thành đường ray nghe càng rõ hơn. Khi tàu đến giữa đoạn Bình Thuận – Tháp Chàm, những bài hát về mùa xuân liên tục vang lên, anh Hợi cùng các nhân viên trên tàu đi từng toa chúc Tết và phát quà lì xì cho khách.

Ngồi cạnh tôi là lương y Đinh Công Bảy – Tổng thư ký Hội Dược liệu TPHCM. Lương y Bảy người gốc Huế, ông có nhiều kỷ niệm đón giao thừa trên đoàn tàu thiên lý Bắc Nam. Là con người của nhiều chuyến đi, trải nghiệm nhiều, vì vậy ông nhận được nhiều lời chúc mừng cùng bao lì xì may mắn của nhân viên trên tàu. Ông trải lòng rằng, khoảnh khắc đón giao thừa trên tàu ai cũng rưng rưng tình người. Ai cũng xa nhà, nên xem người lạ trên cùng chuyến đi là người thân, và đều cầu mong cho nhau gặp nhiều an lành, hạnh phúc!

Lúc này những hồi còi tàu liên tục kéo dài để đón giao thừa, hành khách chẳng ai biết ai bỗng trở nên như người thân quen, họ bắt tay nhau, cùng cụng ly trong vui vẻ và ấm áp với những lời chúc tụng. Lúc này, những người trong ê kíp phục vụ tàu lặng lẽ với từng phần việc riêng. Có người, lặng lẽ lấy tay… chấm lên khóe mắt đỏ hoe khi nhận được cuộc gọi của con thơ đang cách xa mình cả ngàn cây số!

Đón giao thừa trên tàu cùng hành khách trong đêm giao thừa năm đó phần nào giúp chúng tôi hiểu hết được tâm trạng của họ. Là ngành giao thông đặc thù, tàu chạy đúng tốc độ, đúng giờ quy định là tới ga, nhưng trên chuyến tàu “đặc biệt” này, hầu hết hành khách đều có cảm giác như không gian, thời gian dài hơn, tâm lí họ lúc nào cũng mong đoàn tàu chạy nhanh hơn nữa, để nhanh về nhà đoàn tụ với gia đình.

Ngồi gần chúng tôi, anh Dương Tấn Đạt (SN 1988, quê Bình Định), một hành khách đi tàu khẽ cười: “Ngồi đây cũng bánh chưng, rượu thịt và chút dưa kiệu, nhưng không sao nuốt nổi bởi quá sốt ruột, tâm lí tôi lúc nào cũng mong tàu chạy nhanh hơn nữa để nhanh tới nhà. Một năm bươn chải tất bật, ngồi đây ngẫm nghĩ trong thời khắc quan trọng này mới cảm nhận hết được sự quí giá của giây phút đoàn tụ với gia đình trong năm mới”.

Còn theo anh Hợi, mặc dù nhân viên ngành đường sắt rất quen với cảm giác đi trên các chuyến tàu về muộn, nhưng nhiều lúc trong suy nghĩ của nhân viên trên tàu lóe lên một chút nỗi nhớ và bùi ngùi hướng về gia đình. “Thời điểm nhìn pháo hoa đêm giao thừa, cảnh người dân ở dưới xúm xít, náo nhiệt…tôi rất xúc động nghĩ về gia đình, nhưng khi hướng về mục tiêu hành khách là nỗi buồn đó sẽ thoảng qua nhanh, bởi tôi làm nghề phục vụ. Vợ tôi cũng công tác trong ngành nên cô ấy hiểu. Những chuyến tàu đưa khách về cuối năm vợ hay động viên. May mắn là vậy, chứ nếu vợ làm ngành khác e rất khó thông cảm”, anh Hợi bộc bạch.

“Bà đỡ” trên tàu

3 giờ sáng ngày mùng 1 Tết năm ngoái, đoàn tàu về đến ga Nha Trang, tổ công tác trên tàu chủ động xin trung tâm điều hành dừng tàu thêm 15 phút để mọi người xuống chúc Tết lãnh đạo và nhân viên ở ga này. Khề khà li rượu chúc xuân, anh Hợi xúc động, bao năm phục vụ trong ngành, bản thân anh cảm thấy có lỗi với gia đình là thời điểm vợ sinh đứa con đầu lòng. Bác sỹ dự đoán qua Tết vợ anh mới sinh hạ. Trước khi đi chuyến tàu cuối cùng trong năm đó, anh hứa sẽ về đưa vợ vào viện. Nhưng khi tàu từ ga Sài Gòn về gần tới ga Đà Nẵng vợ anh chuyển dạ. Hay tin, lòng anh rối bời, tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Trong phút không nén được cảm xúc, anh lặng mình trong nhà vệ sinh, giấu giọt nước mắt. Biết chuyện, nhân viên, hành khách an ủi… cầu chúc cho vợ anh vượt cạn trong an lành, và mong anh sớm hoàn thành nhiệm vụ.

Gần 2 năm trở lại đây, cán bộ nhân viên ngành đường sắt phong anh Hợi biệt danh là “bà đỡ”. Chiều 30 Tết năm trước, khi đoàn tàu còn cách ga Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình khoảng 60 km thì hành khách đi trên tàu tên Hoa (35 tuổi, quê Thanh Hóa) chuyển dạ. Nhanh chóng, anh Hợi liên lạc báo trung tâm điều hành ga Đồng Hới chuẩn bị xe, y tá… để đưa sản phụ vào bệnh viện.

Nhưng lúc này, chị Hoa đau bụng dữ dội, có dấu hiệu sinh con trên tàu. Tiếp tục anh Hợi liên lạc người bạn công tác ở khoa sản, Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, TPHCM để nhờ người này hướng dẫn cách đỡ đẻ… Sau đó, anh Hợi cùng đội ngũ nhân viên trên tàu giúp chị Hoa sinh được bé trai... an toàn!

Cuối tháng 12/2015, trong lúc đoàn tàu vừa rời ga Diêu Trì, Bình Định thì chị Hằng (32 tuổi, quê Đà Nẵng) lại chuyển dạ, anh Hợi cùng các nhân viên tiếp tục công việc “bà đỡ”… khi đến ga Bồng Sơn, hai mẹ con sản phụ được đưa vào bệnh viện để bác sỹ tiếp tục theo dõi sức khỏe. Sau khi xuất viện, gia đình hai người phụ nữ sinh con trên tàu nhận anh Hợi làm cha nuôi.

Rạng sáng ngày đầu tiên của năm mới, khi gần đến ga Diêu Trì, đoàn tàu SE4 liên tục kéo những hồi còi báo hiệu. Nói xen lẫn trong tiếng còi, anh Hợi chia sẻ: “Trong muôn vàn âm thanh, nhưng dễ nhận ra nhất là tiếng còi tàu, bởi âm thanh của nó trầm, bè vọng xa sâu thẳm. Đối với những người công tác trong ngành đường sắt xem tiếng còi tàu không chỉ để báo hiệu, mà nó như có nhiều điều lạ lẫm và huyền bí, nhất là tiếng còi kéo trong đêm giao thừa”.

ĐÌNH ĐÌNH
Thông tin khác:
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Nhật ký Ad Limina 2018 (Ngày 28.02.2018) (05/03/2018)
Ngày xuân và chữ "Hiếu" (05/03/2018)
Phiên chợ Tết vùng cao (02/03/2018)
Tay phật và phật thủ (28/02/2018)
Yên Tử xuân này... (28/02/2018)
Con chó nhà Đức Chúa Trời (28/02/2018)
Người Công giáo ăn Tết như thế nào? (27/02/2018)
Xin ơn thánh hóa công ăn việc làm ngày mùng 3 Tết (27/02/2018)
Tết quê trong tâm thức gia đình trẻ (27/02/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log