Huyện An Lão có 4274 người theo đạo Công giáo với 1118 hộ gia đình, trong đó đa số các gia đình làm nông nghiệp. Với việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, sản xuất theo hướng phù hợp với nhu cầu thị trường, nhiều hộ đã đẩy mạnh chăn nuôi, trồng trọt theo quy mô gia trại và trang trại. Thực tế cho thấy, gia trại và trang trại đang là xu thế trong sản xuất nông nghiệp. Có 27 trang trại và gia trại của người Công giáo đạt thu nhập thừ 40 – 100 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như trang trại của ông Nguyễn Văn Khang, ông Hoàng Văn Đệm (giáo xứ Liễu Dinh, xã Trường Thọ); ông Nguyễn Văn Phong (giáo họ Thủy Giang, xã Trường Thành); ông Hoàng Văn Nhương, Nguyễn Văn Mão (giáo họ Xuân Sơn, xã An Thắng)…
Bên cạnh phát triển kinh tế trang trại, nhiều doanh nghiệp của người Công giáo được thành lập và sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tiêu biểu như công ty của ông Nguyễn Văn Út (giáo họ Xuân Sơn, xã An Thắng), công ty của ông Nguyễn Văn Bổn (xứ Liễu Dinh, xã Trường Thọ), Hợp tác xã Hương Sơn do bà Nguyễn Thị Cảnh làm Chủ nhiệm… Một số hộ còn đầu tư tầu thuyền, ô tô kinh doanh vận tải…
Theo ông Nguyễn Văn Mùi- Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện An Lão, việc chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ nói trên đã góp phần quan trọng để kinh tế ở các họ đạo đạt được bước phát triển đáng kể. Năm 2011 có 26 hộ Công giáo thu nhập bình quân đầu người hàng tháng đạt từ 4 triệu đồng trở lên; 68 hộ thu nhập từ 2 triệu- 4 triệu đồng/ người/tháng. Nhiều giáo họ không còn hộ nghèo như Văn Khê, Xuân Sơn, Côn Lĩnh, Liễu Dinh, Khúc Giản. Toàn huyện chỉ còn 18 hộ nghèo là người Công giáo.
Nỗ lực phát triển kinh tế, đồng thời phát huy nhân đức bác ái, yêu thương và thực hiện tốt trách nhiệm công dân, đó là mục tiêu trong phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo ở các họ đạo ở An Lão. Chỉ riêng tháng vì người nghèo năm 2011, đồng bào Công giáo đã ủng hộ 150 triệu đồng, tính chung vài năm gần đây, người Công giáo đã hưởng ứng xây nhà đại đoàn kết, và các hoạt động từ thiện gần 400 triệu đồng. Phong trào khuyến học, khuyến tài được các xứ, họ đạo quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực, số tiền hoạt động của quỹ khuyến học, khuyến tài lên đến hàng trăm triệu đồng, tiêu biểu có các xứ đạo: Liễu Dinh, Côn Lĩnh và các họ đạo Xuân Sơn, Trại Lan…
Bà con giáo dân còn cùng chính quyền xây nhà văn hóa, chấp hành tốt các quy định của pháp luật và thực hiện sinh sản có trách nhiệm. Theo các linh mục quản xứ, việc sinh con phải đi liền với trách nhiệm và điều kiện kinh tế đảm bảo cho việc nuôi dạy con nên người. Với ý thức đó, nhiều xứ đạo không có người sinh con thứ 3 như Xuân Giản, Thủy Giang, Xuân Sơn, đặc biệt là giáo họ Côn Lĩnh, 9 năm liền không có người sinh con thứ 3. Thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, các họ đạo đã phát động nhiều hoạt động vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự nên toàn huyện đến nay chỉ có 2 họ đạo có người mắc tệ nạn xã hội, 85% các gia đình được công nhận là gia đình văn hóa; nhiều xứ, họ đạo được công nhận là làng văn hóa cấp huyện như Văn Khê, Thủy Giang, Xuân Sơn, Liễu Dinh, Câu Thượng, Côn Lĩnh… Trong năm 2012, An Lão phấn đấu 100% gia đình Công giáo đạt chuẩn gia đình văn hóa, không có người Công giáo sinh con thứ 3, tất cả các họ đạo đều có tổ thu gom rác thải và có nước sạch, ông Nguyễn Văn Mùi- Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện An Lão cho biết.
An Luých