Tin tức - Hoạt động

Hiển hách Quảng Phúc anh hùng

Cập nhật lúc 10:54 09/08/2011

 

Giáo xứ hào hùng :
“Lũy thép bờ Bắc Sông Gianh”. Đó là những mỹ từ đanh thép nhất mà nhân dân cả nước tin tưởng, tặng cho nhân dân Quảng Phúc- Quảng Trạch- Quảng Bình trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Đọc câu văn trần thuật sau, tác giả không khỏi suy nghĩ, thế hệ trẻ sẽ cho rằng chắc bản thảo bài báo này nhầm lẫn gì chăng, chứ đế quốc Mỹ kiêu hùng là vậy cớ gì một xã giáp biển, ven sông, vẻn vẹn vài ki lô mét vuông mà phải đánh tới 4.886 trận với 33.991 quả bom tạ, chia trung bình mỗi người dân chịu 7 quả... Ấy vậy nhân dân không chịu khuất phục vẫn quyết liệt đánh trả, chị Nguyễn Thị Xuân một mình một trận địa với 23 viên đạn đại liên bắn hạ mày bay F4H; anh Đoàn Xuân Giản lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội bắn hạ máy bay hạng nặng góp vào thành tích chung cả xã bắn hạ 6 chiếc; với pháo 37 ly bình thường hai người vác còn nặng, khi xung trận hai chị Nguyễn Thị Đinh khi ấy 18 tuổi, chị Nguyễn Thị Luyến khi ấy 17 tuổi mỗi người vác một két vẫn vui phơi phới hướng tới phía trước; bà con phân công nhau thành 10 trung đội, trong đó có một trung đội chỉ toàn... nữ, làm nhiệm vụ khâu vá và, động viên, cứu thương, nuôi dưỡng thương binh, trong đó có cả thương binh quân chủ lực...!!!
 Độc giả cả nước sẽ lại ngạc nhiên hơn khi hay thông tin: Nhân dân xã này thời kì ấy 98% dân số xã là... người theo đạo Công giáo.
Kể cả từ thời kháng Pháp, chống Mỹ cho tới nay, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể đều do những đảng viên gốc giáo phụ trách. Số liệu mới nhất hiện nay, do tình hình đô thị hóa, một số bà con tôn giáo bạn đến định cư nhưng số giáo dân vẫn còn trên 90%, được xem như toàn tòng với trên 8.000 giáo dân sống ở hai giáo xứ Đơn Sa và Tân Mỹ, cả hai giáo xứ đều có linh mục coi sóc đáp ứng tâm linh giáo dân mong đợi suốt những năm chiến tranh; những năm tháng ấy nhà thờ giáo xứ, giáo dân bị bom rơi đạn lạc, lễ lậy bị gián cắt triền miên.
 
Thánh đường giáo xứ Tân Mỹ
 
 Giáo xứ Tân Mỹ nằm sát phà Gianh hiện có bốn giáo họ do linh mục Phê rô Nguyễn Huy Hiền làm Chánh xứ. Sông Gianh hiện đã có cầu vợt sông Gianh, một cây cầu mơ ước chín nhịp- bảy trụ, Quảng Bình có bảy huyện khiến người ta liên tưởng tới bảy trụ của cây cầu, Quảng Bình thời tiết khắc nghiệt, cồn cát nắng chang chang, chưa nắng đã hạn chưa mưa đã úng khiến bà con càng khát khao mưa thuận gió hòa. Tuy có cầu mới song nhân dân nơi đây không vì thế mà “nới cũ”, cái mố phía Bắc bến phà Gianh năm xưa tiễn đưa và chứng kiến biết bao bao nam nữ thanh niên xung phong và các anh bộ đội vượt sông, trúng bom đạn đã vĩnh viễn nằm lại cùng dòng sông thiêng liêng này, nay bến này bà con giáo dân khuôn đổ bê tông thành những bến đậu tàu thuyền đánh cá đi- về... Trên bờ là những ngôi nhà khang trang với nghề làm nước mắm đặc sản và sạch sẽ, ngôi thánh đường giáo xứ Tân Mỹ màu thổ hoàng khá mới hướng mặt ra bến đậu như chúc phúc cho bà con thuận buồm xuôi gió làm ăn trên biển. Quan thầy giáo xứ là Thánh Phê rô, Thánh dân chài này hầu như các giáo xứ, giáo họ ven biển trong cả nước điều nhận Người làm Quan thầy, hôm chúng tôi tới thấy khẩu hiệu kính Người còn mới tinh: “Phê rô thắng trận vẻ vang/Phao lô chẳng kém sổ vàng ghi danh”.
Giáo xứ thứ hai trong xã là xứ Đơn Sa, xứ có hai giáo họ do linh mục An tôn Đậu Thanh Minh làm linh mục chính xứ, giáo dân giờ chủ yếu làm ruộng và nghề thợ xây.
Ngược dòng thời gian để tri ân về họ, những giáo dân kính Chúa yêu Nước, công lao của họ góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng dân tộc, đất nước. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, bà con giáo dân Quảng Phúc nói chung đã không tính thiệt hơn, bà con xác định: “Thà tim mình ngường đập quyết không để mạch máu giao thông của Tổ quốc bị chia cắt”, “Xe chưa qua nhà không tiếc”, ngoài chiến đấu bảo vệ làng xã, bà con còn cung cấp gỗ, vật liệu, nhiên liệu cho bộ đội chủ lực đóng quân và đi qua trên địa bàn xã với tổng số trên 13 ngàn ngày công. Có những hôm bom bỏ liên tục vào phà Giang, đội dân quân du kích và nhân dân nhanh trí kết thuyền, mảng cho xe và bộ đôi qua sông. Với công lao đó, năm 1969, Đảng, Nhà nước ghi nhận phong tặng danh hiệu: Anh hùng LLVTND trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cùng với 73 bằng khen, 35 giấy khen và các phần thưởng khác cho tập thể Đảng bộ, nhân dân xã Quảng Phúc. Công lao lớn thuộc về nhân dân, nhân dân khi ấy là ai, là 98% dân số xã là người Công giáo; thật kính phục những giáo dân làm nên danh xã, danh xứ hào hùng.
 
Giáo dân anh hùng:
Ngày 5-6-1964, trận đầu tiên đế quốc Mỹ bắn phá ra miền Bắc chính là địa bàn Quảng Phúc. Cụ Giu se Lê Văn Hiến giáo dân giáo xứ Tân Mỹ, người giáo dân bền bỉ phục vụ công sức và của cải chống lại quân thù từ ngày đầu tiên đến hoàn toàn thắng lợi... Khi thấy đơn vị C24 Hải quân bắn rơi máy bay F4H tại chỗ, cụ liền tự mình vác con lợn trong chuồng 35 kg đến mổ khao cho các anh bộ đội, “Mặc cho mưa bom bão đạn đang trút trên đầu, cụ vẫn ke (mổ) lợn khao quân”- ông Mai Văn Yên Chủ tịch MTTQ xã Quảng Phúc, kể. Bộ đội chiến đấu bị thương, tuy tuổi già nhưng cụ vẫn dũng cảm ra trận cõng anh em bị thương đi cứu chữa. Năm 1967, cụ được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu của Người; ngày 25-8-1970, cụ được phong tặng Anh hùng LLVTND.
 
Hai anh hùng là giáo dân Quảng Phúc được địa phương trân trọng tại phòng truyền thống
 
 
“Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quan Anh hùng”- Đó là câu nói nổi tiếng và cuối cùng trước khi anh dũng hy sinh của Anh hùng LLVTND Phê rô Trần Văn Phương- một người con của giáo xứ Đơn Sa quê hương của “Lũy thép bờ Bắc sông Gianh”. Câu nói trên đã được lưu trong Bách khoa thư Wikpedia.
Trần Văn Phương sinh năm 1965, học xong lớp 10, anh vào bộ đội, được cử đi học lớp kế toán trinh sát pháo binh của quân chủng. Tháng 1 năm 1984, Trần Văn Phương được bổ sung về làm khẩu đội trưởng pháo thuộc tiểu đoàn 562 lữ đoàn 146, vùng 4 hải quân. Qua rèn luyện và công tác, Trần Văn Phương luôn tỏ ra một cán bộ có năng lực và trách nhiệm, được đơn vị cử đi học trường Quân chính Quân khu 7. Tháng 1 năm 1986, Trần Văn Phương trở về đơn vị được bổ nhiệm trung đội trưởng và đề bạt quân hàm thiếu úy. Trong sự kiện hải chiến Trường Sa 1988, đầu tháng 3 năm 1988, hải quân kẻ thù cho nhiều tàu chiến khiêu khích và chiếm đóng đảo đá ngầm Chữ Thập và Châu Viên. Lúc này Trần Văn Phương được cấp trên bổ nhiệm Phó Chỉ huy Trưởng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn - Quần đảo Trường Sa). 
17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1989, tàu chiến kẻ thù kéo đến, gọi loa, buộc tàu Hải Quân Nhân dân Việt Nam rời đảo. Mờ sáng ngày 14 tháng 3, hải quân kẻ thù hạ xuồng cho lính tiến về phía lá cờ Việt Nam. Trần Văn Phương tổ chức lực lượng, động viên chiến sĩ bình tĩnh, quyết bảo vệ cờ Tổ quốc. Khi quân thù xông vào cướp cờ, không sợ hy sinh, Trần Văn Phương lao vào giằng giật lại lá cờ Tổ quốc. Tính mạng một chiến sĩ bị uy hiếp, anh xông vào cứu và trúng đạn. Gương anh dũng hy sinh của Trần Văn Phương đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trên đảo kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc mình. Ngày 6 tháng 1 năm 1989, liệt sỹ Trần Văn Phương đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Chân dung anh Trần Văn Phương
 
Tiếp nối truyền thống anh hùng của anh trai mình, anh Trần Văn Hồng là em thứ đã tiếp bước vào quân chủng Hải quân, năm 1993 anh Hồng đã ra tận đảo đưa hài cốt anh trai mình về nghĩa trang địa phương an táng. Hiện mộ anh phương đã được an táng trang trọng tại cánh trái nghĩa trang liệt sỹ xã Quảng Phúc. Nhân dân địa phương, bà con Công giáo rất phấn khởi, tự hào về anh hùng, liệt sỹ Trần Văn Phương là người con Công giáo duy nhất tại đảo, từng đổ máu đào tô thêm truyền thống Hải quân Việt Nam. Cuối tháng bảy vừa qua, tôi đã về thắp hương cho anh, mẹ Hồ Thị Đức (mẹ anh Phương) xúc động kể nhiều câu chuyện về anh, hiện mẹ vẫn còn giữ viên đạn mà quân thù bắn vào con trai mẹ, mẹ giữ để kể cho con cháu sau này hiểu về sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước đã phải đổ cả xương máu như thế nào để có hòa bình, độc lập như ngày hôm nay.
 
Mẹ Đức bên mộ con tại Quảng Phúc
 
Về giọt máu cuối cùng của anh Phương: Trong chuyến thăm nhà lần cuối vào tết Mậu Thìn (Xuân năm 1988), cái tết thiêng liêng được nhân lên gấp bội, anh quyến luyến bên hai người phụ nữ, mẹ già và vợ trẻ. Với mẹ, anh hứa, sau chuyến đi này sẽ về xây lại cho mẹ ngôi nhà khang trang hơn để cha mẹ an hưởng tuổi già; với người vợ trẻ, cưới nhau chưa được đầy năm, nay lại đi xa, khỏi nói, tình cảm trào dâng, anh làm tất cả những gì cần làm. Mười ngày phép trôi qua quá nhanh, anh lại phải lên đường trả phép. Có ai ngờ được đâu rằng, lần thăm nhà lần này là lần cuối cùng, cái vinh dự làm cha anh cũng chưa hay. Ở hậu phương, chị Mai Thị Hoa vợ anh đã có bầu được chừng một tháng và cũng chừng một tháng sau ấy, chị hay tin anh đã hy sinh, ra đi mãi mãi vì Tổ quốc... Giọt máu của anh chị chào đời, mọi người thống nhất đặt tên cháu là Trần Thị Mai Thủy, “Mai Thủy” cũng có nghĩa là thủy chung, son sắt mãi mãi và cũng là họ Mai của chị. Sau 23 năm, giờ Thủy đã trở thành nữ công nhân viên Quốc phòng (bộ phận văn thư bảo mật) - Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân, trước đó, từ tháng 10/2009 Thủy đã là nhân viên thống kê huyện đảo Trường Sa.
 
Mai Thủy con gái anh Phương tại đơn vị

 

Vũ Thành Nam
Thông tin khác:
Thư Ngỏ (09/08/2011)
Thôn Công giáo Hướng Phương (04/08/2011)
Nam Định: Thánh lễ tri ân các liệt sỹ (28/07/2011)
Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thăm và tặng quà Anh hùng LLVTND Đỗ Văn Chiến nhân ngày Thương binh liệt sĩ (27/07/2011)
Giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác giữa 2 UBĐKCG Hà Nội và Thanh Hoá (24/07/2011)
Ủy ban TƯMTTQVN- Giao ban về công tác dân tộc, tôn giáo 6 tháng đầu năm 2011 (18/07/2011)
Ban Đoàn kết Công giáo quận 10 sơ kết 6 tháng đầu năm (11/07/2011)
Ngân sách Tòa thánh thặng dư hàng triệu euro (04/07/2011)
GIÁO XỨ XÂY DỰNG: “ĐÓN KHÁCH ĐỖ NHÀ” (04/07/2011)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log