Tin tức - Hoạt động

Hiện thực hóa mục tiêu xác định danh tính liệt sĩ

Cập nhật lúc 00:30 28/07/2024
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương.
Gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Chính vì vậy, Ngân hàng Gen (ADN), sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin...

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin.

anhtren(1).jpg

Hội nghị tri ân người có công năm 2024.

Đẩy nhanh tiến độ quy tập hài cốt liệt sĩ

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), thời gian qua, Bộ LĐTBXH, Bộ Quốc phòng đã triển khai hoạt động tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Theo thống kê, các lực lượng đã thu thập được 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, so sánh đối khớp hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Theo số liệu thống kê từ Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), trải qua các thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc, cả nước có hơn 1,2 triệu liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến nay, còn rất nhiều gia đình liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy phần mộ của người thân.

Sau nhiều năm triển khai công tác tìm kiếm, quy tập, 900.000 hài cốt liệt sĩ đã được đưa về đất mẹ. Gần 200.000 liệt sĩ vẫn đang phải nằm lại chiến trường xưa. Trong số 900.000 liệt sĩ đã được quy tập, cũng có tới hơn 300.000 ngôi mộ chưa xác định được thông tin.

Từ thực tế trên, Chính phủ giao ngành LĐTBXH chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tìm kiếm, quy tập khoảng 1.500 hài cốt liệt sĩ; giám định ADN khoảng 2.000 mẫu hài cốt liệt sĩ; nâng cao năng lực, hiệu quả của các cơ sở giám định ADN và trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu gen…

Trên cơ sở đó, ngày 23/7 tại Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024, Ngân hàng Gen (ADN) đã chính thức ra mắt. Theo Bộ LĐTBXH, việc thực hiện lấy mẫu ADN của liệt sĩ cũng như thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được thông tin sẽ được lưu trữ trong Ngân hàng Gen. Đây là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN cũng sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ.

Theo TS Trần Trung Thành - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giám định ADN (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), dù có nhiều nỗ lực song công tác tìm kiếm quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin có khối lượng công việc rất lớn, và ngày càng khó khăn. Chính vì vậy, việc triển khai Ngân hàng Gen là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng. Tuy nhiên số hài cốt liệt sĩ cần được xác định danh tính rất lớn, vì vậy, cùng với việc xây dựng Ngân hàng Gen cần đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác minh, kết luận thông tin bằng phương pháp thực chứng với mộ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ.

Nâng mức chuẩn trợ cấp người có công

Theo Bộ LĐTBXH, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Đến nay, đối tượng người có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng, và sự đồng thuận của xã hội. Theo đó, nhân dịp kỷ niệm ngày 27/7 năm nay, Chủ tịch nước đã tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ vừa qua.

Theo thống kê 10 năm qua (2013 - 2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà, và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng. Tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Cùng với đó, đã tiến hành chuẩn hoá thông tin bia mộ liệt sĩ. 2 năm qua đã điều chỉnh 20.000 bia mộ đang ghi “Liệt sĩ vô danh”.

Đến nay, cả nước tuyệt đại bộ phận thống nhất ghi “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo quy định. Đối với việc xem xét, công nhận người có công với cách mạng, qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng, đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ. Trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ. Phần lớn là liệt sĩ trong thời kỳ chống Pháp, và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đây là việc làm vô cùng khó khăn do thời gian đã quá lâu, hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất…

Những kết quả đạt được đã mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, và người có công với cách mạng. Đồng thời, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.

Lê Bảo
https://daidoanket.vn/
Thông tin khác:
Cáo phó: Đức Cố Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần (27/07/2024)
Dù con cái có hiếu thảo đến đâu, bạn cũng phải nhớ 'định luật chim sẻ' (26/07/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cầu nguyện cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (26/07/2024)
Một thoáng Cao Bình - Nà Phặc (25/07/2024)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - 'Kiến trúc sư trưởng' của nền ngoại giao 'gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển' (24/07/2024)
Phản ứng bất ngờ của Điện Kremlin trước đề xuất đàm phán hoà bình của Ukraine (24/07/2024)
Lan tỏa giá trị trong Thư của Đức Giáo hoàng Phanxicô (24/07/2024)
Kiểm kê đất đai trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8 (23/07/2024)
Đức Giáo hoàng Phanxicô gởi điện thư chia buồn về sự qua đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (23/07/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log