Trước khi lên máy bay, đoàn đã tham dự thánh lễ do cha Antôn Dương Phú Oanh- Chủ tịch UBĐKCG Thành phố Hà Nội chủ tế tại trụ sở 34 Ngô Quyền để cầu bình an cho chuyến đi. Xuống sân bay Cần Thơ, đoàn chúng tôi chạy xe thẳng đến khách sạn Sao Kim ở thành phố Cà Mau. Sau khi nhận phòng chúng tôi đến nhà thờ Cà Mau- nơi cha Phaolô Nguyễn Văn Vinh coi sóc để gặp đoàn Cà Mau. Đoàn chúng tôi có đại biểu Ban Dân vận, MTTQ, Ban Tôn giáo, cán bộ PA02 và Ban Thường trực UBĐKCG nên đoàn Cà Mau cũng đủ thành phần như thế. Sau phần thủ tục làm quen, đoàn Cà Mau báo cáo trước. Cha Phaolô cho biết, Cà Mau có chừng 30.000 giáo dân đến đủ từ 3 miền. Bầu khí đạo đời ở đây rất hòa hợp nên trong 49 Ủy viên UBĐKCG tỉnh khóa này có tới 13 linh mục, 3 tu sĩ tham gia. Thế mạnh của Ủy ban là vì có các linh mục đứng ra vận động các chương trình từ thiện, xã hội nên người dân hết sức tin tưởng, ủng hộ. Linh mục Martinô Nguyễn Hoàng Hôn ở xứ Rau Dừa đã vận động làm 60 cây cầu lớn nhỏ qua sông, 400 căn nhà tình nghĩa và hỗ trợ học bổng cho 620 em nghèo được đến trường. Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Vinh xây dựng nhà Nhân Aí hiện đang nuôi dưỡng gần 70 em khuyết tật và đã có 162 em trưởng thành từ đây. Có em vào bị câm điếc nhưng nhờ sự kiên trì của các sơ, em đã nói được, nghe được. Giáo xứ Cà Mau đang có chương trình hỗ trợ 160 xe ôm và người bán hàng rong, mỗi người được vay 1 tháng 2 triệu. Hàng tháng, mỗi người được hỗ trợ lại mua 1 yến gạo để ủng hộ người nghèo…
TS Phạm Huy Thông- Phó Chủ tịch Thường trực UBĐKCG thành phố Hà Nội báo cáo. Thế mạnh của Hà Nội là từ xưa đã có nhiều GS, TS tham gia Ủy ban nên hàm lượng chất xám trong hoạt động của Ủy ban nhiều hơn như Ủy ban tổ chức được nhiều hội thảo khoa học thu hút nhiều nhà nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu ở thủ đô. Hà Nội cũng là đơn vị sớm nhất góp ý vào Hiến pháp sửa đổi, Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Chương trình hoạt động bài bản hơn từ phát động thi đua, sơ kết cụm thi đua đến tổ chức tập huấn chuyên đề, đi giao lưu với tỉnh bạn ở cả thành phố và các quận, huyện. Thành phố rất quan tâm đến các hoạt động của Ủy ban. Cái khó là Hà Nội nằm trên địa bàn 3 giáo phận Hưng Hóa, Bắc Ninh và Hà Nội nên chưa tìm được sự đồng thuận từ phía giáo quyền. Cho nên không chỉ vận động linh mục, tu sĩ mà cả giáo dân tham gia Ủy ban cũng khó. Đoàn Hà Nội tặng đoàn Cà Mau bức tranh thêu Tháp Rùa làm kỷ niệm buổi gặp gỡ.
Sáng hôm sau, cha Vinh, cha Đạt thân chinh dẫn đoàn đi mũi Cà Mau. Tất cả chúng tôi chỉ biết Đất Mũi trên bản đồ nên rất xúc động được đặt chân lên mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Ai cũng muốn ghi hình ảnh lưu lại kỷ niệm thiêng liêng này. Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ địa phương xây xong Cột Cờ Hà Nội và hiện đang khởi công xây tượng Mẹ Âu Cơ. Các cha đưa đoàn về Năm Căn và dùng bữa ở nhà một giáo dân làm nghề nuôi trồng hải sản. Chúng tôi ghé thăm giáo xứ Rau Dừa của cha M. Nguyễn Hoàng Hôn. Cha vốn là kỹ sư nông nghiệp nên giúp kỹ thuật cho dân nhiều lắm. Nhà thờ giáo xứ vừa khánh thành, tiếc rằng cha đi kẻ liệt nên không gặp ngài. Ngôi nhà thờ cũ bằng tranh nay làm nơi để xe cho giáo dân đi lễ.
Chúng tôi đến thăm rừng tràm U Minh. Leo lên tháp canh rừng cao bằng cả ngôi nhà 10 tầng, nhìn ra khu rừng mênh mông vút tầm mắt mới thấy việc phòng cháy cho khu rừng về mùa khô khó vô cùng.
Chúng tôi đến nhà thờ Tắc Sậy, là một địa điểm du lịch của tỉnh. Ông Lương Huy Bá- Phó Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam Bạc Liêu dẫn chúng tôi một vòng thăm Trung tâm hành hương và cầu nguyện trước phần mộ của cha FX. Trương Bửu Diệp. Chỗ nào cũng đông khách hành hương. Nhiều người là tôn giáo khác. Họ đặt chai nước trên mộ, viết trên cuốn sách mà cha FX đang đọc, thậm chí gọi điện thoại cho người nhà nói chuyện với cha FX để cầu xin. Cha Giám đốc cũng đi dự lễ bổ nhiệm sở mới nên cha Phó Giuse Võ Đình Đông tiếp đoàn rất niềm nở. Ngài mời cha Dương Phú Oanh đồng tế và chia sẻ Lời Chúa. Chúng tôi cùng nhiều khách hành hương dự lễ sốt sắng và rất xúc động nghe lại tiểu sử cũng như dấu lạ từ cha FX Trương Bửu Diệp. Sau lễ, cả hai cha cùng chụp ảnh kỷ niệm với đoàn.
Buổi chiều, chúng tôi tới nhà thờ Giá Rai của cha Hoài và cũng là trụ sở của UBĐKCG Bạc Liêu. Cha cho biết, Ủy ban tỉnh có 49 ủy viên thì có 10 linh mục và 2 nữ tu. Tỉnh Bạc Liêu có tuổi đời hơn 200 năm lại đa văn hóa cả Kinh, Hoa, Khơme với 6 tôn giáo nên khá phong phú. Tuy nhiên, dù đã có nhiều điểm du lịch nhưng đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn nên giới Công giáo cùng phối hợp với các nhà hảo tâm làm hàng trăm giếng nước, hàng chục cây cầu qua sông và hàng trăm nhà tình nghĩa cho người nghèo. Bà Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Bạc Liêu hết sức cảm ơn đoàn Hà Nội đã đến thăm và trao đổi những kinh nghiệm hoạt động của tổ chức và người Công giáo Thủ đô. Đoàn Hà Nội cũng tặng tỉnh Bạc Liêu bức tranh thêu (ảnh dưới) và đoàn Bạc Liêu cũng tặng lại Hà Nội những bức tranh quê hương, hai đoàn cùng chụp ảnh lưu niệm ở cuối nhà thờ Giá Rai. Ngôi nhà thờ to lớn mới xây xong hết 7 tỷ mà theo cha Hoài, cũng có nhờ danh tiếng của cha FX Trương Bửu Diệp vì đây cũng là họ đạo của cha Diệp.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến dự lễ ở nhà thờ Bạc Liêu. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Thanh Bình đã ở Tắc Sậy nhiều năm và xây dựng công trình nhà thờ Tắc Sậy. Cha kể lại nhiều chuyện lạ mà chưa thấy sách nào nói. Chẳng hạn, người ta không biết cha FX mất ngày nào, chỉ biết là vừa gặt lúa xong. Cha sở Tắc Sậy lúc đó mới lấy ngày lễ quan thầy FX là 3/12 và quay ngược lại là 12/3. Không ngờ, tìm trong kho lưu trữ của MEP ở Paris thì đúng thế. Hay khi xây nhà thờ, có người bị ngã từ mái nhà thờ xuống bất tỉnh, khiêng vào mộ cha FX cầu khấn, vừa lúc đó có ông y sĩ đến tiêm cho mũi hồi sinh thế là khỏi, chẳng sao cả. Rồi làm nhà thờ, đâu có tiền, cứ làm đến đâu là có người cho lại làm tiếp.
Hôm sau, tỉnh cho người dẫn đoàn đến thăm quan ở Quan Âm Phật Đài, Chùa Khmer Xiêm Cán, công trình điện gió và nhà công tử Bạc Liêu.
Tới Cần Thơ vào gần trưa, ông Trần Đức Hiếu, Phó Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam thành phố Cần Thơ cùng ban ngành của thành phố thân mật tiếp đoàn.
Triết Giang