Tin tức - Hoạt động

Hội luận Liên tôn hiệp hành chăm sóc môi sinh

Cập nhật lúc 16:46 06/06/2024
“Tội ác chống lại thiên nhiên là tội ác chống lại chính chúng ta và là tội chống lại Thiên Chúa, phá hủy thiên nhiên là một tội thuộc bình diện luân lý” (LS 8)
Các đại biểu tại cuộc Hội luận Liên tôn.
Các đại biểu tại cuộc Hội luận Liên tôn.

Nhân dịp kỷ niệm 9 năm (24/5/2015 - 2024) ban hành Thông điệp Laudato Si’, của Đức Thánh Cha Phanxicô, về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta là trái đất, Văn phòng Đối thoại Đại kết và Liên tôn trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đón tiếp khoảng 450 quý khách từ các tôn giáo bạn và trong Giáo hội Công giáo, đến tham dự buổi Hội luận Liên tôn với chủ đề: “Hiệp hành chăm sóc môi sinh”. Sự kiện diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn vừa qua.
Trong dịp này, ban tổ chức đã triển lãm tranh “23 Nghệ nhân vun đắp môi sinh” (từ ngày 23 đến 27/6/2024) của họa sĩ Lê Hữu Nghiệm. 
Tham dự hội luận có các chức sắc, chức việc, đạo hữu, đạo tâm, tu sĩ và tín hữu, mục sư, của các tôn giáo: Phật giáo, Cao Đài, Minh Lý Thánh hội, Baha’i, Islam, Hòa Hảo và Tin Lành. Giáo hội Công giáo có: Đức ông Giuse Indunil - Thư ký Bộ Đối thoại Liên tôn Vatican, Đức Giám mục (ĐGM) Giuse Châu Ngọc Tri - Giám mục giáo phận Lạng Sơn, Phụ trách Văn phòng Đối thoại Đại kết và Liên tôn, Tổng giáo phận Sài Gòn, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm- Giám mục giáo phận Mỹ Tho, ĐGM phụ tá Giuse Bùi Công Trác- Giám mục giáo phận Sài Gòn;…
Tại hội luận có 4 tham luận được trình bày gồm:
Tham luận 1: Bảo vệ môi trường - nguy cơ do điện hạt nhân do bà Yoshii Michiko đến từ Nhật Bản trình bày. Bà đã trình bày các nội dung chính: về nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản, lợi ích và hiểm họa của nó. Bà đã nói lên kinh nghiệm của bản thân là người Nhật Bản, chịu ảnh hưởng hậu quả của chất phóng xạ hạt nhân. Công giáo tại Nhật bản có tỷ lệ rất thấp (0,3%), nhưng cũng đã tham gia cùng thầy sư Phật giáo, và cộng đồng trong việc lên tiếng bảo vệ môi sinh.
Tham luận 2: “Hiệp hành chăm sóc môi sinh”, do Đạo huynh Huệ Khải trình bày. Tham luận cho biết: Tôn giáo Cao Đài chăm sóc môi sinh theo các cách: Định hình nền tảng đạo đức nội tại ở mỗi tín đồ; Giáo dục để xây dựng chăm sóc môi sinh; Gắn kết tâm linh với thiên nhiên; Lựa chọn lối sống; Hợp tác liên tôn. Đạo huynh đã giải thích chi tiết các phần mục trên, và trong lời kết ông nhấn mạnh đến việc tôn giáo có thể truyền bá rộng rãi thông điệp chăm sóc môi sinh trong tín đồ cũng như huy động họ tham gia các sáng kiến về chăm sóc môi sinh, truyền cảm hứng cho các tín đồ nhận ra trách nhiệm chung của mình đối với trái đất và hành động để bảo tồn, duy trì cho các thế hệ tương lai. Ông nhấn mạnh đến lời Đức Giáo hoàng trong Laudato Si’ số 201: “Tính chất nghiêm trọng của khủng hoảng sinh thái đòi hỏi chúng ta phải hướng tới lợi ích chung, dấn thân vào một hành trình đối thoại vốn dĩ đòi hỏi sự kiên nhẫn, tính kỷ luật và lòng độ lượng.”
Tham luận 3: Đạo đức môi sinh, do ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trình bày. Theo tham luận, khi nói đến đạo đức môi sinh là muốn nói đến cách ứng xử với trái đất, với môi trường mình đang ở đó; nó còn tùy thuộc vào cách nhìn về thế giới, trái đất, thiên nhiên, vũ trụ và con người. ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm chia sẻ theo góc nhìn của Kitô giáo, tóm gọn trong 3 điều. Từ đó rút ra thái độ cần quan tâm, gồm 3 điều:
- Đừng khai thác thiên nhiên quá mức, phải tôn trọng vạn vật là quà tặng của tình yêu Thiên Chúa.
- Vun trồng, đừng hủy diệt. Con người và thiên nhiên tương thuộc vào nhau, phải gìn giữ, chăm sóc Thiên nhiên.
- Tài nguyên trái đất do Thiên Chúa ban tặng dành cho mọi người, vì vậy phải chia sẻ hơn là lạm dụng ích kỷ cho riêng mình. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Nếu chúng ta có thể vượt qua chủ nghĩa cá nhân thì chúng ta sẽ có thể thực sự phát huy một lối sống khác, mang lại sự thay đổi đáng kể trong xã hội.”
Sau cùng, ĐGM Phêrô chia sẻ suy tư: Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói: “Những sa mạc bên ngoài đang gia tăng trên thế giới ngày nay là vì những sa mạc tâm hồn đang quá lớn.”
Tham luận 4 : “Chăm sóc môi sinh theo giáo lý nhà Phật”, do ni sư Thích Nữ Hương Nhũ, Giảng viên Học viện Phật giáo tại Tp.Hồ Chí Minh trình bày. Phật giáo ý thức rằng, con người phải đối xử với giới tự nhiên theo nguyên tắc trung đạo, phải sống dựa vào tự nhiên, bảo tồn tự nhiên để tồn tại và phát triển Thân Tâm. ni sư kết luận: Tỉnh thức, chánh niệm trong mỗi phút giây với tình yêu thương là có niềm vui, hạnh phúc cho chính mỗi con người; Sống tiết kiệm, tối giản, bảo vệ môi trường, trồng cây gây rừng, làm từ thiện, sống chay trường giảm thiểu nhà kính.
Sau các tham luận trên, Đức ông Indunil- Thư ký Bộ Đối thoại Liên tôn Vatican chia sẻ rằng, một trong những vấn đề nổi lên hiện nay trên thế giới là khủng hoảng môi sinh, để giải quyết phải khởi đi từ tâm hồn con người nếu như chúng ta muốn chữa lành môi trường. Khủng hoảng môi sinh là vấn đề lớn, muốn thoát khỏi phải có tầm nhìn cao sâu, các tôn giáo có thể đóng góp rất nhiều. Chỉ có tầm nhìn thôi thì chưa đủ, chúng ta cần hoán cải, thay đổi tâm hồn, mở rộng tâm hồn, chăm sóc môi trường, liên kết cùng nhau trong mọi thành phần xã hội, vì đây là vấn đề của tất cả mọi người, cần thay đổi lối sống, cố gắng hướng thượng, và cần ánh sáng từ trời cao.     
TH
Thông tin khác:
Giáo xứ Thượng Thụy làm phép khu đất xây dựng nhà thờ mới (06/06/2024)
“Hãy ở gần bên Mẹ Maria” (06/06/2024)
Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn êm ái dịu dàng (06/06/2024)
Đến với miền Trung (06/06/2024)
Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII: Một thập niên ân phúc (06/06/2024)
Ban Tôn giáo Chính phủ: "Ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực" (03/06/2024)
Hà Nội: Lập hơn 900 tổ công tác ra quân tổng rà soát, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy (01/06/2024)
Đoàn công tác UBTƯ MTTQ Việt Nam hoàn thành chuyến thăm huyện đảo Trường Sa (30/05/2024)
Đức Thánh Cha dâng lễ Chúa Ba Ngôi với các thiếu nhi (28/05/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log