Đến thăm tòa báo “Người Công giáo Việt Nam”, tôi được anh Nguyễn Văn Thuyên, Thư ký tòa soạn nắm chặt tay, thân tình nói: “Cháu vừa có chuyến công tác tại Hưng Yên. Vui lắm bác ạ. Ngoài tư liệu để viết bài, còn nhận được quà quý. Quà ấy đây”. Anh lấy hai cuốn thơ trên bàn trao cho tôi.
"Nhà thơ thiếu nhi" Lê Hồng Thiện - ảnh: KHT |
Thoáng nhìn trang bìa, tôi đã thốt lên: “Thơ Lê Hồng Thiện! Bác đã đọc ông ấy trên nhiều tờ báo”, rồi mượn cuốn “Cả nhà cùng vui” (Nxb Hội Nhà Văn - 2015) về xem.
Ngay câu mở đầu của bài mở đầu, Lê Hồng Thiện viết “Mỗi người một mảnh vườn riêng”. “Mảnh vườn riêng” ấy của ông được ông ghi ở cuối bài: “Hồn tôi thả một cánh diều/ Căng dây đón gió, chay theo mục đồng”. Thế là cả 70 bài thơ tiếp theo, ông biến mình thành “Mục Đồng” khám phá, thưởng thức nhiều điều kỳ thú diễn ra thường nhật trong sự vận động khôn cùng của thiên nhiên và con người. Cái hay trong nhận thức ấy mang sự hiểu biết của con trẻ là ngây ngơ, ngộ nghĩnh mà lại có lý có tình. Với cỏ cây hoa lá “Mục đồng” (Lê Hồng Thiện) viết: “Biết mình không một chút hương/ Đông về trút lá để nhường cho hoa/ Sang xuân cảnh bổng cành la/ Nụ tung cánh nở sao sa đầy cành/ Cây đào mặc áo hoa xinh/ Diện như bé mình đón tết vui ghê”. Với thú vật chim muông “Mục Đồng” tả: “Con vịt thì bơi bằng chân/ con lươn, con rắn lấy thân mà bò/ Ốc sên lê lết chẳng lo/ Thân mềm đến chậm còn co cả nhà/ Thạch sùng thi xiếc tài ba/ Trên trần đi ngược thế mà không rơi/ Xem các con vật thi tài/ Mỗi con mỗi kiểu: luồn, bơi đủ trò”. Với trời mây non nước, “Mục Đồng” miêu tả: “Ông trăng ngồi ở trên cao/ Buồn không có bạn nên lao xuống hồ/ Trùng trùng con sóng xô bờ/ Ông trăng dưới nước nhấp nhô cái đầu/ Mặt hồ rộng, đáy hồ sâu/ Trăng bơi tăng lượn ngắm bầu trời trong/ Ngước lên, nhìn xuống bé trông/ Một ông trăng méo, một ông trăng tròn”.
Với các vĩ nhân đất nước, “Mục Đồng” đầy tôn kính: “Ba tuổi đánh đưổi giặc Ân/ Ngựa sắt phun lửa dẹp quân bạo tàn/ Quốc Toản bóp nát quả cam/ Mong được cứu nước, bình an cõi bờ”. Với kho tàng cổ tích, “Mục Đồng” ngợi ca: “Từ trong quả thị thơm tho/ Có một cô Tấm hiền khô dịu dàng/ Có nồi cơm giá ngàn vàng/ Ăn hết lại có của chàng Thạch Sanh”. Với người thân trong nhà, “Mục Đồng” tả ông: “Nhìn chữ mờ nét, mờ hình/ Ông đeo kính lão mắt mình sáng ra/ Chữ a to tựa quả na/ chữ i như ngón tay ta khác nào/ Trước ông bước thấp bước cao/ Tay chân lẩy bẩy ra vào khó qua/ Có kính, có gậy trẻ ra”.
Trở lại tòa soạn báo “Người Công giáo Việt Nam”, tôi bày tỏ sự hứng thú của mình về ấn phẩm “Cả nhà cùng vui”. Nhà báo Nguyễn Văn Thuyên vừa pha trà đãi khách vừa biểu thị sự tâm đắc và nhắc lại lời tự bạch của Lê Hồng Thiện: “Viết cho người lớn đã khó, viết cho thiếu nhi lại càng khó... Phải yêu con quý cháu, đến hết lòng mới viết cho thiếu nhi được... Người viết dù cao niên, hàng ngày vẫn phải học thơ của các bậc đàn anh, lại học cả thơ của thiếu nhi...”. Tôi nói: “Đúng vậy! Bác nhận ra ở Lê Hồng Thiện suốt ngày đêm, suốt tháng năm giành thời gian cho tuổi thơ... Có nghĩa, mỗi ngày tuổi thơ tiếp nhận những điều mới lạ, mỗi một điều mới lạ ấy lại tạo cho tuổi thơ lục vấn người lớn, nào tại sao, nào ở đâu đến, nào còn hay mất?”, rồi tuổi thơ so sánh điều mới biết với những điều đã biết, từ màu sắc, hính dáng đến tâm tư. Như, khi thấy quả thị chín thơm đầu cành, tuổi thơ ví “Cô trăng nhỏ đu chơi trên cành”; khi nhìn chiếc bánh đa, tuổi thơ liên hệ “Nóng làm quạt, đói đem ăn/ Nắng thì làm một bóng râm che đầu”.
Nghe tôi bình thơ say sưa, nhà báo Nguyễn Văn Thuyên đề xuất: “Xin bác vài lời kết luận”. “Kết luận ư - tôi nói - Đã có nhiều nhà thơ, nhà bình luận như Định Hải, Nguyễn Nguyên Tản, Văn Công Hùng vv kết luận rồi. Bác nhất trí rằng: Cái tình với trẻ thơ đã chín trong tâm hồn nhà thơ Lê Hồng Thiện, nên ông sản sinh được mạch thơ thơm ngát, mát mẻ và quyến rũ lâu bền không chỉ cho thiếu nhi mà là cả người lớn”. Dương quang minh
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com