Tin tức - Hoạt động

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực

Cập nhật lúc 17:12 03/03/2023
Tham nhũng vốn là căn bệnh ký sinh của quyền lực. Nó xuất hiện ở mọi quốc gia, mọi thời đại. Vấn đề là ứng xử với căn bệnh trầm kha đó như thế nào?
Lễ ra mắt cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 2/2.
Lễ ra mắt cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 2/2.
Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát hành đúng dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng và 10 năm thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực càng thêm ý nghĩa vì nó đã đúc kết thành bộ quy tắc về ứng phó với lĩnh vực khó khăn, nhạy cảm này.
Ở Việt Nam, vấn đề phòng chống tham nhũng không phải là mới. Nó được đặt ra ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời năm 1945. Vụ đại tá Trần Dụ Châu- Cục trưởng Cục quân nhu bị tử hình năm 1950 vì tội tham ô đã nói lên sự kiên quyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lúc bấy giờ. Tuy nhiên công cuộc phòng chống tham nhũng đặc biệt được chú ý khi Quốc hội thông qua Pháp lệnh phòng chống tham nhũng năm 1998 và được nâng lên thành Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 nhất là khi Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập đầu năm 2013.
Tuy nhiên vẫn còn một số người hoài nghi. Nhà nước chỉ làm để nêu gương thôi, có tắm cũng chỉ “từ vai trở xuống”, chỉ “bắt mèo tha chuột” chứ hổ vồ cả con lợn chẳng sao? Tiếng nói chỉ trích từ những người “chống đối” thì cho rằng, chỉ “phe này đánh cánh nọ” chứ “người cùng nhóm” thì vẫn an toàn…Nhưng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thóai hoá, biến chất đã dần dần xóa tan hoai nghi và đập tan những luận điểm chống đối sai lầm. 
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì trong vòng 10 năm (2012-2022) đã xử lý 2790 tổ chức đảng, 167.700 cán bộ, đảng viên trong đó có 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, 36 Ủy viên Trung ương, 30 sĩ quan cấp tướng). Từ vụ Trịnh Xuân Thanh, dư luận cho rằng công lý đã “đụng đến” hàng cấp tỉnh. Vụ AVG năm 2017 thì cả nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son và cả đại gia Phạm Nhật Vũ đều phải hầu tòa. Vụ đánh bạc của Phan Sào Nam đã kéo theo một loạt tướng công an vào tù trong đó có cả những vị một thời được phong danh hiệu “anh hùng” lực lượng vũ trang. Vụ “Vũ Nhôm” còn kinh khủng hơn khi lôi cả Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ công an rơi vào vòng lao lý. Đến vụ Đinh La Thăng thì cái chức Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy cũng không an toàn cho một “ngôi sao” đang lên, nếu vi phạm pháp luật… Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng không từ một lĩnh vực nào từ kinh tế, y tế, ngoại giao, quốc phòng, an ninh đến giáo dục, mua sắm vật tư thiết bị đến giao thông, kiểm lâm, đăng kiểm. 10 năm qua (2013-2023) các cơ quan tố tụng đã khởi tố điều tra 19.546 vụ với 33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ với 33.037 bị can. 
Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng phát động mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng sâu, rộng đem lại bầu khí tin tưởng của đa số người dân với Đảng.
Trở lại tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây thật là bản tổng kết ra những quy tắc cho công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.
Trước hết, tác phẩm chỉ ra mục đích của công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm “xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” như chính tiêu đề của tác phẩm. Mà như vậy, cũng chính là làm cho nhân dân ta ấm no, hạnh phúc. Như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi bế mạc Đại hội XIII: “ Đại hội chỉ là mở đầu, còn làm được hay không, mai kia có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội”.
Tác phẩm cũng chỉ ra những quan điểm xuyên suốt của công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực: “Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoai lệ, bất kể người đó là ai và không chịu áp lực của bất cứ cá nhân nào “ (tr.25, sđ d). Công cuộc đấu tranh này không làm đơn độc mà “phải gắn liền với chống tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa” (tr.46).
Muốn công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực thành công, trước hết phải chú ý tuyên truyền giáo dục về phòng chống tham nhũng cho toàn thể nhân dân trước hết là cán bộ, đảng viên. Phải “phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng chống tham nhũng” (tr.105). 
Đi xa hơn, “phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng tiêu cực, một cơ chế răn đe trừng trị nghiêm khắc để không dám tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính để không muốn tham nhũng, tiêu cực và một cơ chế đảm bảo không cần tham nhũng, tiêu cực” (tr.37). 
Cốt lõi của mọi vấn đề là con người, là cán bộ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là then chốt của then chốt, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Thực tế thời gian qua cho thấy, đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng phức tạp, kéo dài đều có bòng dáng của một số cán bộ, công chức làm ngơ, tiếp tay, bao che, đồng phạm thậm chí là chủ mưu” (tr.38). 
Trong nhiều bài viết trong tác phẩm thì bài nói chuyện tại Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2020 là bài đúc kết cô đọng nhất về mục tiêu, giải pháp, phương pháp tiến hành cuộc đấu tranh này. Nó thể hiện quyết tâm của Đảng là làm tới cùng: “Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả tạo bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng, khuấy động quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” (tr.91).
Nhưng đấu tranh đi liền với phòng ngừa và quan trọng hơn cần có cơ chế ngăn chặn tham nhũng sinh sôi: “Đi đôi với tập trung chỉ đạo công tác phanh phui, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế- xã hội về phòng chống tham nhũng cũng được đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng” (tr.95). 
Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được rất nhiều kết quả đáng trân trọng. Nhưng để hiệu quả hơn cần giảm thiểu những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ mà chuyển sang cổ phần vì tham nhũng chủ yếu xảy ra ở khu vực Nhà nước quản lý. Cần biểu dương, khen thưởng các nhà báo, các cơ quan báo chí điều tra, phanh phui các vụ tham nhũng, tiêu cực. Việc kê khai tài sản của cán bộ công chức cần được công khai cho quần chúng nhân dân biết và giám sát.
TS. Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
Người đem “vốn quý” từ nước ngoài về phục vụ đất nước và cộng đồng (03/03/2023)
Ông Võ Văn Thưởng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước (02/03/2023)
Sáng mai, 2/3, Quốc hội khóa XV bầu Chủ tịch nước (01/03/2023)
Năm 2023, người lao động đóng BHXH 15 năm có được nhận lương hưu không? (26/02/2023)
Thủ tướng: Không yêu cầu xác nhận cư trú khi giải quyết thủ tục hành chính (26/02/2023)
Trên 546.000 lao động bị giảm giờ làm (25/02/2023)
Hơn 12,5 triệu suất quà được trao đến tay người nghèo trong dịp Tết Quý Mão (24/02/2023)
Thư mục vụ Mùa Chay và Phục sinh 2023: Thực hành bác ái với người nghèo khổ (24/02/2023)
Hãy cầu nguyện nhiều cho Đức Giáo hoàng (20/02/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log