Sứ điệp được trình bày với ba điểm nhấn: lắng nghe bằng trái tim, lắng nghe như một điều kiện của giao tiếp tốt, lắng nghe nhau trong Giáo hội.
Một trong những nhu cầu lớn nhất của con người là mong muốn được lắng nghe, nhờ đó được thấu hiểu, được cảm thông và trở thành đối tác trong yêu thương. Về cơ bản, lắng nghe là một chiều kích của tình yêu. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định việc lắng nghe đang có một bước phát triển quan trọng mới trong lĩnh vực truyền thông và thông tin, với sự xuất hiện của nhiều kỹ thuật truyền thông, nhằm khẳng định lắng nghe vẫn là điều cần thiết trong giao tiếp của con người.
Mặt khác, cần phải lắng nghe cách chăm chú, chú ý đến người, đến nội dung và cách thế đối thoại; lắng nghe với toàn thể con người, với con tim rộng mở, để có thể gần gũi nhau; lắng nghe nhiều tiếng nói với sự kiên nhẫn bền bỉ, với sự cởi mở công bằng, tin tưởng và trung thực để tìm kiếm chân lý và thiện hảo. Ngoài ra, còn phải lắng nghe chính bản thân mình, nghe được những nhu cầu chân thật nhất của mình, trong đó có nhu cầu thiết lập tương giao với người khác và với một “Đấng” khác.
Trong thời gian qua, trên các trang mạng xã hội có rất nhiều thông tin “pha trộn thật giả” được loan truyền. Còn có những người mạo danh các giám mục, linh mục, tu sĩ quảng cáo thuốc chữa bệnh hay sử dụng các phương tiện nghe nhìn phổ biến những thông tin mơ hồ. Đó là chưa kể những thông tin mang tính chất xuyên tạc, kích động…
Do vậy, người giáo dân trong thời đại mới lại càng cần lắng nghe bằng trái tim, lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe tiếng nói chính thức của Giáo hội để phân định. Những người làm công tác truyền thông chân chính lại càng phải lắng nghe để “giúp cho người khác tốt hơn, trưởng thành hơn trong đời sống tâm linh và cộng đoàn. Người làm công tác truyền thông phải có trách nhiệm với tha nhân, tôn trọng thanh danh người khác, đừng vội phê phán, kết án ai. Tất cả những điều chúng ta truyền ra phải làm cho người ta yêu thương đoàn kết, phải nói sự thật trong đức ái”. Đức TGM Giuse Nguyễn Năng đã từng nhắn nhủ trong bài nói chuyện nhân Ngày truyền thông năm 2021.
Trong Sứ điệp Ngày truyền thông 2022, Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Thánh Augustinô từng khuyến khích chúng ta lắng nghe bằng trái tim (corde audire), đón nhận những lời nói không phải để lọt ra ngoài qua lỗ tai, nhưng đi vào tim ta cách linh thiêng. Chớ để trái tim ở lỗ tai, mà hãy để lỗ tai trong tim mình. Thánh Phanxicô Assisi đã khuyến khích các anh em của mình hãy nghiêng lỗ tai của con tim mà lắng nghe”.
Lắng nghe bằng trái tim hoặc trái tim lắng nghe hiện thời được toàn thể Giáo hội kỳ vọng!
Đỗ Lộc Hưng