Đối tượng áp dụng gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động gồm: Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động (NLĐ) làm việc cho mình theo thỏa thuận...
Trước đó mới chỉ quy định mức lương tối thiểu vùng theo tháng. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), thực tế mức lương tối thiểu tháng quy định hiện chủ yếu áp dụng cho NLĐ làm những công việc có tính chất ổn định trong khu vực chính thức. Đối với NLĐ làm những công việc có tính chất linh hoạt, làm việc không trọn thời gian cho các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê...) thì việc sử dụng mức lương tối thiểu tháng làm căn cứ thoả thuận, trả lương theo ngày, giờ, tuần đối với NLĐ sẽ thiếu cơ sở để áp dụng linh hoạt, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.
Nay, từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu tháng được chia theo 4 vùng: Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng. Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng. Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức lương tối thiểu giờ cũng theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Trước đó, Quốc hội đã có Nghị quyết số 17/2022 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của NLĐ trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, số giờ làm thêm trong 1 năm được quy định: Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm”, trừ một số trường hợp. Số giờ làm thêm trong 1 tháng được quy định: Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Lương chưa tăng, giá cả cũng đã tăng. Ảnh: CTV
Theo Bộ LĐTBXH và các chuyên gia trong lĩnh vực tiền lương, việc quy định mức lương tối thiểu giờ giúp mở rộng độ bao phủ và tăng tính bảo vệ của tiền lương tối thiểu đối với các nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian theo quy định của Bộ luật Lao động. Cùng với quy định về số giờ làm thêm thì việc tăng mức lương tối thiểu cũng như quy định mức lương tối thiểu theo giờ cho thấy quyền lợi của NLĐ đã được bảo vệ. Đối với NLĐ, việc tăng mức lương tối thiểu cũng như số tiền làm thêm tính theo giờ là rất cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế cũng như tính đến lâu dài.
Thời gian vừa qua, sau 2 năm cả nước dồn lực phòng, chống dịch Covid-19, không chỉ NLĐ mà cả cộng đồng doanh nghiệp đều trải qua nhiều khó khăn. Trong khi đó, giá xăng lại tăng liên tiếp, vượt quá 32.000 đồng/ lít và chưa có dấu hiệu dừng lại, càng tác động mạnh tới đời sống NLĐ.
Có thể thấy, việc tăng lương tối thiểu vùng 6% cho NLĐ từ 1/7/2022 được đánh giá rất tích cực nhưng vẫn chỉ là “chạy theo” thị trường, chưa bao giờ đuổi kịp mức tăng của giá cả. Nhiều chuyên gia cho rằng, thu nhập thực tế của NLĐ thường phải chạy theo giá cả thị trường, trách nhiệm của những người làm chính sách là phải rút ngắn khoảng cách ấy. Đời sống của NLĐ ổn định thì xã hội mới phát triển. Chính vì vậy, việc tăng mức lương tối thiểu cũng như tiền làm thêm giờ của NLĐ cần phải được quy định ở mức cao hơn.