Tin tức - Hoạt động

Lương cơ sở tăng từ hôm nay: Hốt hoảng vì bỗng dưng phải nộp thuế

Cập nhật lúc 17:23 01/07/2024
Lương cơ sở tăng từ 1/7, với mức tăng cao nhất từ trước đến nay nhưng nhiều người chưa kịp mừng đã lo vì bỗng dưng thành đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
 

Từ hôm nay, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức. Mức tăng 30% này là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người lao động, tạo động lực nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng tăng 15%.

Đồ họa: Công Hiếu

Đồ họa: Công Hiếu

Tuy vui mừng do lương tăng đáng kể nhưng không ít người vẫn lo số tiền thực chất được hưởng sẽ không còn bao nhiêu khi giá cả nguy cơ tăng theo và đáng nói nhất là sẽ phải nộp thuế nhiều hơn do mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên. Thậm chí, nhiều người bỗng trở thành đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) dù trước đây không thuộc diện này.

Chị Mai Lan (Hà Nội) chia sẻ, khi nghe tin lương tăng từ 1/7, chị rất vui mừng vì lương của chị sẽ được thêm gần 2 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan còn chi trả khoản lương tăng thêm theo kết quả kinh doanh và nhiều phụ cấp khác nên tổng cộng lương của chị từ gần 10 triệu đồng lên gần 12 triệu đồng. Như vậy, đang từ diện không phải nộp thuế, chị Lan đã phải chịu thuế TNCN từ tháng này.

"Tôi sẽ phải nộp thuế cho mức thu nhập gần 1 triệu đồng. Tuy không quá nhiều nhưng cộng thêm việc giá cả hàng hóa ngày càng đắt đỏ, nguy cơ còn tăng nữa theo lương thì có thể thấy khoản thu từ tăng lương thực sự không đáng là bao. Với tôi, niềm vui này đúng là chưa trọn vẹn", chị Lan nói.

Tuy không bỗng dưng phải nộp thuế như chị Mai Lan nhưng chị Thanh Hà (Hà Nội) cũng hụt hẫng khi thấy đi kèm với lương tăng là tiền đóng thuế cũng tăng. Cụ thể, mức lương tăng đã đưa tổng thu nhập của chị Hà từ hơn 18 triệu đồng ước tính sẽ lên hơn 20 triệu đồng. Trong khi đó, tiền thuế TNCN hiện tại chị phải đóng là 450.000 đồng/tháng và từ 1/7 dự kiến tăng lên 650.000 đồng, tăng 200.000 đồng. Mức tăng này tương đương 10% so với số tiền lương tăng thêm, đồng thời chiếm gần 1/3 số thuế phải nộp. 

"Mong lương tăng lên để bù đắp những khoản chi phí sinh hoạt tăng lên nhưng nếu giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay thì một phần không nhỏ thu nhập từ việc tăng lương của người hưởng lương lại “quay về” ngân sách vì phải nộp thuế. Ngoài ra, giá cả hàng hóa ngày càng có xu hướng tăng nên mức tăng lương cũng chưa bù đắp được phần nào", chị Hà nói.

Chị Thu Huyền (Hoàng Mai) đề xuất: “Tôi cho rằng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế cần nâng lên để tương ứng với lương, ví dụ từ 11 triệu đồng có thể lên 14 triệu đồng; mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng có thể lên 6 triệu đồng. Như vậy việc tăng lương mới thật sự có ý nghĩa".

Anh Minh Thành (Đống Đa, Hà Nội) cũng lo lắng nhẩm tính: “Tổng thu nhập của tôi khoảng 17 triệu đồng/tháng. Tiền thuế TNCN sau khi đã tính giảm trừ gia cảnh cho 2 con nhỏ là vừa đủ không phải nộp đồng nào. Nhưng từ 1/7 được tăng lương, thu nhập có thể lên 19 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức giảm trừ gia cảnh không được tăng lên, có nghĩa là tôi sẽ phải nộp thuế".

Nhiều người lo bỗng dưng phải nộp thuế vì lương cơ sở tăng. (Ảnh minh họa)

Nhiều người lo bỗng dưng phải nộp thuế vì lương cơ sở tăng.

Không chỉ người dân mà nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng mức giảm trừ gia cảnh áp dụng từ ngày 1/7/2020 đến nay đối với người nộp thuế và người phụ thuộc đã không còn phù hợp. Mục tiêu của việc tăng lương là để cải thiện đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, nếu mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời, hiệu quả của chính sách này sẽ bị hạn chế.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nêu ý kiến: "Hiện nay mức sống tăng lên, chi phí đắt đỏ và lương tăng 30% thì ít nhất giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí 50% mới hợp lý".

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng cho rằng mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu mỗi tháng thực sự không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là các thành phố lớn, gây thiệt hại cho người nộp thuế. Mức giảm trừ 4,4 triệu được duy trì từ năm 2020, trong khi vừa qua rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí có mặt hàng dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập.

Đại biểu dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, so với năm 2020 thì giá dịch vụ giáo dục tăng 17%; giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng 105%…

Nếu gia đình có con nhỏ phải thuê người trông trẻ thì cũng phải trả không dưới 5 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí cho trẻ. Nếu gia đình có con cái đi học thì chi phí học hành hiện nay chiếm phần lớn chi tiêu chung. Nếu gia đình có cha mẹ già là người phụ thuộc thì không chỉ là chi phí ăn uống, sinh hoạt mà còn là chi phí y tế, thuốc men.

Do đó, theo bà Thủy mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân cũng như chưa phản ánh mức sống thực tế.

 
Hạo Nhiên
https://vtcnews.vn/
Thông tin khác:
Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam: Xây dựng, củng cố vững chắc khối Đại đoàn kết toàn dân (01/07/2024)
Thế giới tuần qua: Những chân trời tăng trưởng mới (30/06/2024)
Quốc hội thống nhất tăng 30% tiền lương từ 1/7/2024Quốc hội thống nhất tăng 30% tiền lương từ 1/7/2024 (30/06/2024)
Đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng từ 1/7/2024 (25/06/2024)
Sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (24/06/2024)
Qua miền Tây Bắc (24/06/2024)
Giáo xứ Bãi Dòng rước kiệu Santi (24/06/2024)
Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh (20/06/2024)
Tăng 30% lương cơ sở từ 1/7 (20/06/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log