Tin tức - Hoạt động

Minh triết sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cập nhật lúc 13:36 24/05/2024
Viện Trí Việt (IVM) tổ chức buổi Tọa đàm về chủ đề: “Giáo dục và cuộc sống”. Đây là dự án giáo dục qua thơ của TS Ngô Thị Lý- Phó Giám đốc Trung tâm Trí Việt học nhằm đào sâu 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng để tìm ra minh triết hành động cho con người hôm nay.
Các đại biểu tại Tọa đàm: “Giáo dục và cuộc sống”.
Các đại biểu tại Tọa đàm: “Giáo dục và cuộc sống”.

Đến dự có nhiều nhà khoa học, nhà giáo nhất là những cán bộ lão thành như cụ Nguyễn Mạnh Can, 97 tuổi, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương, cụ Nguyễn Khắc Mai, 92 tuổi, nguyên Vụ trưởng Vụ nghiên cứu lý luận, Ban Dân vận Trung ương, cụ Lê Bá Cải, 91 tuổi, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ, người đã phục vụ Bác Hồ từ năm 1953.
Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo- Giám đốc Trung tâm Trí Việt học, thì rất nhiều lời dạy, nhiều câu nói của Bác Hồ đã có tính triết lý và minh triết cho hành động. Minh triết tức là hoạt động một cách khôn sáng, hiệu quả và đạt hiệu suất tối ưu.Ví dụ: “Học đi với lao động; Lý luận đi với thực hành; Cần cù đi với tiết kiệm”. Từ đấy có thể rút ra một khung mẫu cho giáo dục là: học- hỏi-hiểu- hành. 
Đại tá quân đội, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú- Giám đốc Trung tâm Hồ Chí Minh học cho rằng, Bác Hồ nói rất cụ thể, hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Bác nói:
“Bất kỳ địa vị nào, làm công việc gì, chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải thực hành: cần - kiệm - liêm - chính.
Cần, tức là tăng năng suất trong công tác, bất kỳ công tác gì.
Kiệm,tức là không lãng phí thời giờ, của cải của mình và của nhân dân.
Liêm tức là không tham ô và luôn tôn trọng giữ gìn của công và của nhân dân.
Chính tức là dù việc nhỏ cũng làm, việc trái dù nhỏ cũng tránh.
Bốn điều đó đi liền với nhau”
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, tr.145).
Chỉ tiếc rằng, một số cán bộ kể cả cán bộ cao cấp ngày nay không nhớ và không làm theo lời Bác dạy.
Cụ Nguyễn Mạnh Can nói: tôi đã 97 tuổi rồi nhưng vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn là nhờ học theo Bác kể cả trong việc rèn luyện sức khỏe. Tư tưởng của Bác chính là kho báu mà thế hệ ngày nay cần khai thác, học theo, làm theo. 
Cụ Nguyễn Khắc Mai tâm sự: Bác Hồ coi giáo dục là phương cách để chúng ta làm người, nên người. Nhưng khái niệm “Người” theo Bác Hồ quan niệm phải toàn diện:
“Trời có bốn mùa: Xuân- Hạ- Thu - Đông
Đất có bốn phương: Đông- Tây- Nam- Bắc
Người có bốn đức: Cần -Kiệm- Tình-Nghĩa
Thiếu một mùa thì không thành Trời
Thiếu một phương thì không thành Đất
Thiếu một đức thì không thành Người”.
Cụ Lê Bá Cải sinh năm 1933, ở Triệu Sơn, Thanh Hóa. Năm 1953 lên chiến khu Tân Trào và được phục vụ Bác Hồ ở chiến khu cho đến ngày về Thủ đô. Cụ nói, ở gần Bác, tôi học được rất nhiều điều hay nhất là triết lý sống. Bác đúc rút ra 14 chữ nói với tôi:
“Nhẫn nại, ôn hòa khi tức giận.
Bình tĩnh, sáng suốt lúc nguy nan” 
Tôi coi đó là minh triết sống của Bác Hồ và có lẽ cũng là phương châm sống của tất cả chúng ta. Làm việc với Bác, tôi thấy Bác có nhiều kinh nghiệm sống và Bác chỉ bảo ân cần những người xung quanh. Có lần, chúng tôi phải cắt cây, mở đường. Bác đến, chúng tôi đứng dậy chào rồi cứ đứng ngây người ra. Bác bảo: các chú chào xong rồi thì đi làm việc đi chứ. Chúng tôi hai người cầm một cưa đi cưa gỗ nhưng lưỡi cưa mắc cứng không kéo đi được. Bác nói: các chú làm thế thì mạch gỗ khít lại, kéo cưa sao được. Phải làm cho mạch gỗ mở ra bằng cách nâng đoạn gỗ cần cắt lên hoặc đè hai đầu gỗ xuống thì mới cắt được. Chúng tôi làm theo, quả là cưa rất dễ dàng. 
Năm 1957, Bác giao việc cho Văn phòng chuẩn bị đón đoàn văn công Trung Quốc ở Phủ Chủ tịch. Chúng tôi kê bàn, trải khăn trắng hình chữ T vuông vắn. Bác đến nói, hôm nay Bác tiếp khách tiệc ngọt chứ không phải tiệc mặn. Các chú kê bàn thế này, người ta lại nghĩ có tiệc mặn. Mà như vậy, phải kê bàn hình chữ U. Chúng tôi vội kê bàn lại và bảo nhau. May mà Bác đến sớm.
Năm 1962, khắp miền Bắc có phong trào Hợp tác hóa mạnh lắm. Đâu đâu cũng có khẩu hiệu: Tất cả phục vụ nông nghiệp. Chi đoàn thanh niên Văn phòng Chủ tịch nước cũng có sáng kiến xây lò đúc lưỡi cày 51 ngay ở phòng họp Chính phủ.Hôm khai trương, Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến xem. Bác hỏi: Các chú đúc một buổi được mấy lưỡi cày 51? Dạ được 10 chiếc ạ. Thế các chú định bán hay làm gì? Chúng tôi vò đầu, vì chưa nghĩ sẽ làm gì. Tôi chợt nghĩ ra nói: Thưa Bác, hợp tác xã nào làm ăn giỏi, chúng cháu sẽ tặng ạ. Bác khen: Thế là tốt, thế là biết phục vụ nông nghiệp.
Học Bác, chúng tôi thấy mình thanh thản, vui khỏe và có ích cho cuộc đời.
TS. Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
Sứ điệp truyền thông năm (24/05/2024)
Phối hợp lựa chọn kiều bào tiêu biểu tham gia Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ mới (22/05/2024)
Đại tướng Tô Lâm được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước (22/05/2024)
139 học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT 2024 và xét tuyển thẳng vào đại học (22/05/2024)
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (20/05/2024)
Tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Quyết tâm cao nhất để xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc (20/05/2024)
Đại tướng Tô Lâm và ông Trần Thanh Mẫn được Trung ương thống nhất giới thiệu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội (18/05/2024)
Chính thức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 (17/05/2024)
Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị (16/05/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log