WCD 58th 2024 Trí tuệ nhân tạo và Sự khôn ngoan của Con tim. |
Ngày 24/01/2024, lễ kính nhớ thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng các nhà báo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Sứ điệp nhân Ngày Thế giới về Truyền thông Xã hội lần thứ 58, có chủ đề: “Trí tuệ nhân tạo và Sự khôn ngoan của Con tim: Hướng tới một truyền thông nhân bản trọn vẹn”, được cử hành vào Lễ Chúa Giêsu lên trời, ngày 12/5/2024. Chủ đề năm nay gắn liền với sứ điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới của Đức Thánh Cha, dành cho việc phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, AI đang “ảnh hưởng triệt để đến thế giới thông tin và truyền thông, và thông qua nó, đến những nền tảng nhất định của cuộc sống trong xã hội”, và “những thay đổi này ảnh hưởng đến tất cả mọi người”.
Để hiểu nội dung của Sứ điệp, thiết tưởng chúng ta cũng nên biết sơ qua về “Trí tuệ nhân tạo”: AI là viết tắt của Artificial Intelligence có nghĩa là trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo. Đây là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science). Là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người.
Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi,…
Ví dụ: Từ một câu hỏi của một em học sinh gửi vào trang AI, máy tính sẽ cho ra nhiều câu trả lời để em học sinh có thể tiếp nhận, chọn lọc. Cũng từ một đoạn Tin Mừng Chúa nhật, gửi vào trang AI xin ý kiến, trang sẽ cho ra những bài suy niệm, những lời chú giải của ai đó (?) mà AI đã chọn, tiếp nhận được để người đọc tùy nghi tham khảo.
Nhưng AI có phải là lời giải đáp đúng nhất cho mọi vấn đề? Đó chính là nội dung mà Sứ điệp của Đức Thánh Cha muốn đề cập đến, chúng ta cùng tìm hiểu Sứ điệp này:
Sử dụng AI cần có sự khôn ngoan của con tim. |
Bắt đầu từ trái tim Đức Thánh Cha đặt câu hỏi, “làm thế nào để chúng ta có thể vẫn là con người trọn vẹn và hướng dẫn sự biến đổi văn hóa này phục vụ cho một mục đích tốt đẹp?”
Đức Thánh Cha lưu ý rằng: “Vào thời đại có nguy cơ giàu có về công nghệ và nghèo nàn về nhân tính, những suy tư của chúng ta phải bắt đầu từ trái tim con người. Chỉ bằng cách trang bị cho mình một cái nhìn tâm linh, chỉ bằng cách phục hồi sự khôn ngoan của trái tim, chúng ta mới có thể đọc và giải thích sự mới mẻ của thời đại chúng ta và tái khám phá con đường dẫn đến một nền truyền thông nhân bản trọn vẹn...”
“Sự khôn ngoan này của trái tim cho phép chính nó được tìm thấy bởi những người tìm kiếm và được nhìn thấy bởi những người yêu thích khôn ngoan; sự khôn ngoan đón trước những người mong muốn nó và nó đi tìm những người xứng đáng với nó (Kn 6,12-16). Khôn ngoan ở với những người sẵn sàng nhận lời khuyên, những người được ban cho một trái tim ngoan nguỳ và lắng nghe (1V 3, 9). Đó là một ân ban của Thánh Thần, cho phép chúng ta nhìn mọi sự bằng đôi mắt của Thiên Chúa, để thấy các kết nối, tình huống, sự kiện và khám phá ý nghĩa thực sự của chúng. Không có sự khôn ngoan này, cuộc sống trở nên nhạt nhẽo, vì chính sự khôn ngoan - có gốc Latinh Sapere có liên quan đến từ Sapore - mang lại hương vị cho cuộc sống.
Cơ hội và nguy hiểm Đức Thánh Cha tiếp tục nhấn mạnh rằng sự khôn ngoan như vậy không thể tìm được từ máy móc. Ngài giải thích rằng việc lưu trữ dữ liệu giống như máy móc là chưa đủ, nhưng dữ liệu này phải có ý nghĩa và “chỉ con người” mới có khả năng làm được điều này. Đức Thánh Cha cảnh báo: “Tùy thuộc vào khuynh hướng của trái tim, mọi thứ trong tầm tay của chúng ta đều trở thành cơ hội hoặc mối đe dọa”.
Ngài lưu ý rằng công nghệ mô phỏng đằng sau thuật toán AI có thể hữu ích trong một số lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, việc sử dụng AI trở nên “tai ác khi nó bóp méo mối quan hệ của chúng ta với người khác và với thực tại.”
Trí tuệ nhân tạo phải được kiểm soát, “Một lần nữa tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế “làm việc cùng nhau để thông qua một hiệp ước quốc tế ràng buộc quy định sự phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo dưới nhiều hình thức.
Lớn lên trong nhân tính Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người cùng nhau phát triển “trong nhân tính và trong tư cách là nhân loại”, khi nhắc lại rằng tất cả chúng ta đều được thách thức thực hiện một bước nhảy vọt về chất lượng để trở thành “một xã hội phức tạp, đa sắc tộc, đa nguyên, đa tôn giáo và đa văn hóa”.
Nói về thông tin, Đức Thánh Cha cảnh báo rằng “thông tin không thể tách rời khỏi các mối quan hệ sống động”. Ngài giải thích rằng các mối quan hệ có liên quan đến thực thể và hòa nhập vào thế giới thực, nhưng chúng cũng có liên quan đến trải nghiệm của con người, liên quan đến “lòng trắc ẩn và sự chia sẻ”.
“Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể đóng góp tích cực cho lĩnh vực truyền thông, nếu nó không loại bỏ vai trò của báo chí tại hiện trường nhưng trái lại hỗ trợ nó; nếu nó nâng cao tính chuyên nghiệp của truyền thông, làm cho các nhà truyền thông ý thức hơn về trách nhiệm của mình; nếu trả lại cho mỗi người vai trò chủ thể, với khả năng phê bình, của chính truyền thông”.
Câu hỏi cho hôm nay và cho tương lai “Về vấn đề này, một số câu hỏi được đặt ra. Làm thế nào để bảo vệ tính chuyên nghiệp và phẩm giá của người lao động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, cùng với những người dùng trên toàn thế giới?” Đức Thánh Cha nêu vấn đề.
...“Làm thế nào để đảm bảo tính minh bạch của việc xử lý thông tin? Làm thế nào để xác định tác giả các bài viết và khả năng truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn kiểu ẩn danh? Làm cách nào để làm rõ liệu một hình ảnh hoặc video có đang mô tả một sự kiện hay mô phỏng sự kiện đó hay không? Làm thế nào để ngăn chặn nhiều nguồn bị giảm xuống thành một nguồn duy nhất, do đó thúc đẩy một cách tiếp cận duy nhất, được soạn thảo dựa trên cơ sở thuật toán?... “Và còn bao câu hỏi khác.
“Câu trả lời chúng ta đưa ra cho những câu hỏi này chưa được xác định; nó phụ thuộc vào chúng ta. Tùy thuộc vào chúng ta để quyết định liệu chúng ta sẽ trở thành thức ăn cho các thuật toán hay sẽ nuôi dưỡng trái tim chúng ta bằng sự tự do, mà không có nó chúng ta không thể phát triển sự khôn ngoan... Chỉ có cùng nhau, chúng ta mới có thể gia tăng khả năng phân định, tỉnh thức và nhìn mọi thứ dưới ánh sáng sự hoàn thành của chúng. Để không đánh mất nhân tính, chúng ta hãy tìm kiếm sự khôn ngoan đã hiện diện trước vạn vật (Hc 1, 4), đang đi qua những trái tim tinh tuyền, chuẩn bị những bạn hữu của Thiên Chúa và các ngôn sứ của Người (Kn 7, 27): Sự khôn ngoan cũng sẽ giúp chúng ta điều chỉnh hệ thống trí tuệ nhân tạo phù hợp với một nền truyền thông nhân bản trọn vẹn” Đức Thánh Cha kết luận.