Tin tức - Hoạt động

Mùa xuân đi tảo mộ trên quê hương

Cập nhật lúc 15:38 20/03/2020
Mùa xuân đi tảo mộ thắp nén hương nhang, nhớ người quá cố. Đó là tục lệ ngàn xưa của chúng ta. Bởi vậy cụ Nguyễn Du mới có câu thơ:
Mùa xuân đi tảo mộ thắp nén hương nhang, nhớ người quá cố. Đó là tục lệ ngàn xưa của chúng ta. Bởi vậy cụ Nguyễn Du mới có câu thơ:
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh...
Ngày nay mặc dù cuộc sống sôi động ồn ào, vất vả với kế sinh nhai, con người càng chú trọng việc kính lễ tổ tiên, tảo mộ, thăm quê hương bản quán. Có phải chăng đó là biểu hiện của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là niềm tâm linh, là góc thanh thản của tâm hồn!
Hoà với dòng người toả về muôn quê. Mùa xuân này tôi về quê - “nơi chôn nhau cắt rốn” tảo mộ tổ tiên, rồi lại đi tiếp, dù muộn cũng phải đến tìm mộ và thăm lại ngôi nhà của người con gái đã qua đời cách đây 26 năm. 26 năm ngôi nhà hoang không người ở, 26 năm mộ không người thân thăm viếng bởi sự éo le của cái chết nơi đất khách quê người.
Từ xưa, vùng “đất khách” này như một hòn đảo đồng bằng nằm giữa sông Hồng. Muốn đặt chân tới phải qua con đò. Bốn bề ngấm nước phù sa sông Hồng nên đất ở đây dẻo quánh, quanh năm cây cối xanh tươi. Năm nay mùa đông lấn chiếm cả tiết xuân, cây đay cây mía chưa bật mầm lên khỏi mặt đát nên cả một vùng vượt xa tầm mắt là màu nâu thỉnh thoảng chấm điểm vài chú bò vàng gặm cỏ bên bờ mương khô nước hoặc ai đó cúi mình khẽ gảy luống đất để kiểm tra độ nảy mầm của hạt cây. Trời trong xanh. Đất thậm nâu. Không gian mênh mông. Tôi đi giữa đất trời, gió lạnh ẩm của sông Hồng mơn man. Tôi háo hức hít sâu vào lồng ngực thấy thấm đượm và lòng xốn xang! Con đê bao quanh làng Hùng Cường (bãi giữa) năm nào đã cùng bà con xiết chặt bên nhau đứng thành hàng rào sống vật lộn với sóng lũ sông Hồng để bảo vệ sự sống còn của làng quê đã đi vào lịch sử và làm nên anh hùng Phạm Thị Vách; giờ đây con đê hiền lành thanh thản ngả lưng ôm ấp xóm làng. Lòng sông, do sự nắn dòng chảy của công trình thuỷ điện sông Đà nên nhánh phụ của sông Hồng đã bị phù sa bồi lấp. Người dân không còn phải đi đò mới vào được đất liền mùa bán nữa, đới ống cũng bớt phần vất vả. Xưa kia huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên bắt đầu có điện thắp sáng từ những năm 70 nhưng hòn đảo hẻo lánh lẻ loi này, do địa hình “đặc biệt” nên mới có điện về làng gần chục năm nay. Bao nhiêu năm vùng đất này them khát tiếng ô tô, vết bánh xe in hình trên lối ngõ. Giờ đây, điện đã đến từng nhà, tiếng ti vi đã vang vang trong ngõ xóm, cáp điện thoại đã về tới uỷ ban nhân dân xã. Mỗi độ xuân về, những chiếc xe ô tô của những người con đi công tác xa đã thuận tiện đi về đến tận nhà tận ngõ. Cây đay, cây mía, cây nhãn lồng vào mùa thu hoạch người buôn bán và tiêu dùng đã được mang phương tiện tới tận nhà tận gốc, tận bãi thu mua...
... Hùng Cường - hòn đảo của tỉnh Hưng Yên - quê hương thứ hai của cô tôi, cùng với sự đi lên của đất nước, đang ngày một đổi mới không ngừng. Nhà nối nhà, vườn nối vườn đang sinh sôi nảy nở. Cây cối xanh tươi, mùa xuân đang thay cho cây những chiếc áo mới. Đất nuôi người, người nuôi đất gắn bó yêu thương. Cây cối đất đai thật trù phú. Tuy vậy, chẳng ai lường trước hết tính thất thường của dòng sông nên cả vùng đất bãi giữa vẫn chỉ là một vùng đất canh tác chứ chưa ai dám xây những ngôi nhà kiên cố sang trọng...
Cô gái ấy làm dâu trên đất này lúc vừa tròn 20 tuổi, ra đi khi cô vừa bước sang tuổi 24. Thế là đã 26 năm cô trở về với đất. 26 năm đủ để một cô bé 10 tuổi ngơ ngác thành một phụ nữ chững chạc như tôi. Nhưng kỷ niệm tuổi thơ vẫn còn trong ký ức. Khi cô còn sống tôi chỉ là đứa trẻ 9-10, nhưng đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ vị ngọt của mía trong vườn nhà cô, mùi thơm của những chảo mật đang nấu dở trên bếp nhà ai ngọt lịm như mật ong, vị bùi của những bắp ngô non luộc vẫn còn nóng bỏng bốc khói trên tay. Và mái tóc của tôi được cô chải mượt, tết đuôi sam ngúng nguẩy. Còn cô, đứng ngắm nhìn dàn lợn béo đang tranh nhau ăn, bắp chân trần trắng ngần xắn đến đầu gối, chiếc áo màu sen hồng cổ trái tim làm nổi gương mặt xinh tươi điểm thêm hai bím tóc. Trông cô trẻ đẹp, nhanh nhẹn như một nữ sinh viên đại học Nông nghiệp về đây thực tập. Thế mà cô đã có chồng! Ngày cưới, đưa cô về nhà chồng, mọi người phải đi bộ qua ba làng, dọc con đê rồi xuống con đò ngang mới tới nhà chú ấy. Khi chìa tay, đứng bên cổng cô trao mỗi người một miếng trầu cau, trời hôm đó sao mà tối nhanh đến thế. Mọi người ngậm ngùi ra về còn tôi ôm chặt cổ cô chẳng muốn rời. Hai cô cháu ôm nhau khóc. Bỗng ai đó giật phắt cháu khỏi tay cô. Được ai đó cõng trên lưng nhưng tâm trạng cháu bã bời vì cảm giác mất cô...
Đã 26 năm cô trở về với đất. Cô ơi! Cháu lại về thăm cô đây. Cả quê hương đang ngày càng tươi đẹp. Vậy mà ngôi nhà của cô không hề đổi mới? Cánh cửa màu xanh đã bạc phếch, vẫn mái gianh lá mía ngày xưa do cô đan lợp. Hàng cau lạc lõng trước sân nhà trơ trọi đốt thời gian, trên ngọn cao những chiếc lá cô đơn gió ùa tới cũng không thèm phe phảy. Những cây chuối chưa kịp hồi bởi giá rét mùa đông, lá khô cứ lủng lẳng bên thân. Tất cả loài vật cỏ cây trên mảnh đất, ngôi nhà cô thèm khát hơi ấm của con người, thèm khát có bàn tay con người chăm sóc. Hà cớ gì mà từ ngày cô mất chú ấy (chồng cô) cũng bỏ làng ra đi! Bây giờ cháu đã hiểu rồi. Là một cô gái xinh đẹp tài hoa, một bưu điện viên trẻ trung nhanh nhẹn, vì sự phong kiến, vì cả tin, vì tình yêu bột phát, cô đã bỏ lại tất cả chốn thị thành về miền quê hẻo lánh lấy chồng để rồi vì một lần ghen tuông ích kỷ của chồng cô... cả gia đình đã mãi mãi mất cô. Suốt cuộc đời chồng cô vẫn yêu cô. Suốt cuộc đời chồng cô ân hận - cái ân hận muộn màng. Hãy tha thứ cho chú ấy để chú ấy bớt đâu khổ - để chú ấy trở về chăm sóc ngôi nhà, chăm sóc tình yêu với người quá cố...
Cô ơi! Đã tìm thấy ngôi nhà và nơi cô yên nghỉ, hàng năm mỗi độ xuân về, cháu sẽ lại qua thăm, thêm dịp nhớ về kỷ niệm sống của người quá cố cho lòng mình thêm gắn bó với quê hương. Và như một lần nhắc lại cho đời sau: Chỉ có tình yêu thôi chưa đủ mà ở vợ chồng cần phải có sự đồng cảm trong cảm nhận cuộc sống thường ngày.
LÊ HỒNG THIỆN
Thông tin khác:
Mùa chim én bay (20/03/2020)
Cha Giuse Trịnh Văn Viễn sống theo tinh thần đối thoại và hợp tác với mọi người thiện chí (20/03/2020)
Mặt trận phối hợp với ngành y tế giám sát việc phòng chống dịch nCov (20/03/2020)
ĐTC Phanxicô thiết lập luật mới về tư pháp cho thành Vatican (19/03/2020)
ĐTC Phanxicô: Lòng thương xót là trung tâm của đời sống Kitô giáo (19/03/2020)
ĐTC Phanxicô cầu nguyện cho các nhân viên y tế qua đời vì virus corona (19/03/2020)
Sở từ thiện của ĐTC tiếp tục việc bác ái giữa đại dịch corona (12/03/2020)
ĐTC cầu nguyện xin Đức Mẹ bảo vệ Roma, nước Ý và thế giới khỏi đại dịch corona (12/03/2020)
ĐTC Phanxicô dâng thánh lễ cầu nguyện cho các tù nhân (12/03/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log