Mùa quýt Mường Khương. Ảnh: Thanh Ngân |
Trong nắng sớm, những làn sương mỏng mảnh như tấm khăn voan trắng khoác trên sườn núi. Càng đi lên càng thấy Mường Khương chỉ có đá chồng lên núi đá. Những dãy núi trập trùng như rừng lưỡi cưa ngửa răng bập vào mây trời. Đá thành tên các bản: Tả Ngải Chồ, Tả Gia Khâu, Ngải Thầu như sự cam chịu của con người phải sống chung với đá…Tưởng chừng chỉ đẻ ra đá nhưng thiên nhiên đã gieo mầm cho muôn loài cây để thế giới đá tươi xanh. Giữa vách đá cheo leo, cây rừng nhẫn nại níu rễ vào kẽ đá để đâm chồi nẩy lộc.
Giữa trập trùng đá, người Mường Khương đã mở ra những dải ruộng, mảnh nương bậc thang nhưng cây lúa, cây ngô chỉ trồng được một vụ. Bền bỉ qua bao thế hệ, người Mường Khương đã tìm được những cây trồng bám trụ được trên đá. Kỳ lạ hơn, vùng núi đá khô cằn ấy, lại là cái nôi sản sinh ra nhiều loài cây đặc sản. Đậu tương hạt vàng, chè Tả Thàng, lê xanh Pha Long, dứa Na Lốc, ớt Bản Sinh…Riêng gạo séng cù, chỉ cấy ở mấy xã quanh phố huyện mới thơm ngon hơn cả. Vẫn mấy xã quanh phố huyện, gần hai chục năm nay lừng danh bởi cây quýt mới về cư ngụ.
Ngày ấy, chợ huyện Mường Khương xuất hiện một vài hàng cây quýt giống nhưng chẳng ai mua. Buổi chợ sau, mặc cho ý nọ lời kia, hạ gùi xuống hàng cây quýt giống, một vài người tặc lưỡi: Thử trồng lấy quả cho trẻ ăn chơi!
Khi những cây quýt thử trồng ấy ra lứa quả đầu tiên, người ta tấm tắc: Ngọt! Ngọt thật, múi mọng mà vỏ không mềm như quýt ngoài chợ. Cùng với mời nhau quả quýt lứa đầu là chuyện bàn nhau tìm cách trồng quýt bán. Sự tính toán trồng quýt thay cây khác đã đẩy giá cây quýt giống ngoài chợ vọt lên cao. Gã bán hàng ngồi giữa hai thồ cây giống mơn mởn, làm cho Làn Mậu Thành nửa tin nửa ngờ. Năm kia mua cây quýt giống trồng, chỉ bị một vài cây chết. Tưởng chắc ăn, nên năm ngoái bỏ ra tiền triệu mua gấp đôi số cây, không ngờ bị chết gần hết. Nghe lời chào hàng mọng như múi quýt, Làn Mậu Thành nhét sâu tập tiền vào túi áo rét, rảo bước ra khỏi chợ. Mấy tháng sau, lúc vườn rau cải của chàng trai Pa Dí ấy ở thôn Sả Hồ, thành vườn cây quýt giống, người ta mới biết phiên chợ ấy, Thành đi gặp anh kỹ sư trồng trọt học hỏi cách chiết ghép cây con. Không chỉ bán cây giống, Thành còn hướng dẫn cho người mua cách chiết ghép cây sao cho hiệu quả.
Mười năm trước, mới ngoài ba mươi tuổi nhưng chị Thào Thị Lan ở thôn Dì Thàng, xã Tung Chung Phố, bán con trâu nhưng mới được 8 triệu đồng, chị vay thêm anh em để mua một nghìn cây quýt giống. Đến nay mỗi năm nương quýt của chị cho thu từ 150 đến 200 triệu đồng thì chẳng còn ai bảo cô gái Pa dí ấy nổi cơn hâm nên mới bán con đầu cơ nghiệp.
Hả hê khi có cây giống ngay trên đất Mường Khương, nhưng còn bao nhiêu gian nan khoác lên vai người trồng quýt. Mùa đông có khi bị sương muối làm cây và lá chết khô. Sang tiết cốc vũ, mà bị mưa đá thì đấy là trời đòi hoa lợi. Suốt mấy tháng mùa khô, nương quýt treo giữa lưng núi đá, chẳng máy bơm nào đưa nước lên tưới được. Truyền thống canh tác nương bậc thang đã dẫn người Mường Khương hạ cây quýt dưới bậc ta luy để được hút ẩm. Cỏ, rơm rạ được tận dụng rải trên nương thành chăn chống bay hơi nước về mùa khô và ngăn xói mòn mùa mưa.
Không như trồng lấy quả cho trẻ ăn chơi, cây quýt hàng hóa đòi hỏi phải chăm chu đáo. Ngoài việc trông trời, trông đất, trông mây, còn phải luôn luôn để mắt đến cây. Hái quả xong, phải tỉa bớt những cành già, xấu không ra hoa. Thân và lá quýt thuộc hàng cứng cáp nhưng vẫn bị sâu bọ tấn công. Loài nhe hàm răng như chiếc liềm cắn lá, loài xuyên vòi lên thân vào quả hút chất dinh dưỡng. Nếu vài ba ngày không để mắt là sâu xanh, bọ ngựa, bọ rầy…hùng hục thi nhau ăn bám. Chung sống với quýt, người ta càng hiểu biết tính tình của quýt. Muốn tuổi thọ của cây được lâu dài, cứ hai năm thu hoạch thì năm thứ ba, phải cho cây nghỉ dưỡng sức.
Dù mỗi năm chỉ ba lần bón phân cho quýt nhưng công việc rất cầu kỳ. Thích hợp với thổ ngơi, lại được con người nâng niu chăm sóc và không dùng hóa chất độc hại, nên quả quýt Mường Khương ngon ngọt, kèm theo hương vị đặc biệt, lại bảo quản được lâu nên nhiều người ưa chuộng. Từ giữa năm, các xí nghiệp chế biến hoa quả, các tư thương từ miền xuôi lên, từ Trung Quốc sang đặt hàng. Lợi gấp gần chục lần trồng ngô trồng đậu nên đến nay màu xanh biếc của quýt đã có gần 400 héc ta và đang trên đà mở mang bờ cõi. Dù năm nay thời tiết không thuận lợi nhưng100 héc ta cây được thu hoạch đã hình thành lễ hội quýt Mường Khương. Cả 12 thôn, tổ dân phố thị trấn đều trình làng sạp quýt riêng của mình. Bà con các dân tộc: Bố y, Mông, Dao… xã Tung Chung Phố chở xe máy về những sọt quýt sen vàng tươi. Quýt từ Thanh Bình ngược quốc lộ 4D lên, từ núi đá Tả Ngải Chồ xuống thành lễ hội mừng 67 năm ngày giải phóng Mường Khương. Gần 1.000 tấn quả năm nay cũng cho Mường Khương thu chừng 18 đến 20 tỷ đồng. Lớn gấp nhiều lần số tiền ấy là tấm bằng công nhận thương hiệu: quýt Mường Khương, do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Đây là tấm giấy thông hành cho quýt Mường Khương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Chúng tôi rời Mường Khương khi chiều đã se lạnh. Những cây đào trên sườn núi đá khoe nụ hồng rung rinh trong gió, như niềm tự hào của những con người đã làm nên mùa xuân trên xứ đá.