Theo sự tuần hoàn của vũ trụ, Năm Bính Thân vừa qua đi, chúng ta tiễn đưa chú Khỉ với biết bao đặc tính của nó, nào là nhanh nhảu nhưng láu cá; hoạt động suốt ngày nhưng xem ra ít hiệu quả. Khỉ ở một mình thì leo trèo nhảy nhót, sống tập thể thì nô giỡn thậm chí không để nhau yên, giỏi bắt chước, ưa trêu chọc nhau nhưng lại cũng dễ xí xóa. Tất cả đặc tính của loài khỉ cũng phản ánh cuộc sống con người qua năm 2016 với bao chộn rộn thay đổi. Khỉ với nhiều trò khỉ đi rồi, năm mới 2017, chú Gà đủng đỉnh chiếm ngôi, năm Đinh Dậu mở màn.
Xuân mới Đinh Dậu, chúng ta hàn huyên với nhau ít chuyện quanh con gà. 1. Gà trong đời sống Trong văn hoá Việt Nam, đặc biệt tranh Làng Hồ, hình ảnh "con gà cục tác lá chanh" là những nét chấm phá rất tuyệt vời về một làng quê Việt Nam an bình, dung dị; với những triết lý sống rất nhân bản, thiên nhiên gần gụi với con người. Cảnh vật có thể nói thay cho con người, có những điều nhiều khi con người không diễn tả hết được. Hãy nhìn những hoạt động của loài gà, chúng ta có thể kể những câu chuyện vui nhưng đồng thời cũng là những bài học rút ra trong cuộc sống.
* Chẳng biết từ bao giờ, tiếng gà trống gáy đã là tiếng đồng hồ báo thức diệu kỳ cho con người ở những vùng quê êm ả. Sự thức tỉnh đều đặn, và tiếng gáy vang vọng của những chú gà đã làm nên nét đặc sắc của buổi binh minh thôn giã. Từ tiếng gà gáy sáng đó, chúng ta suy nghĩ về sự thức tỉnh của lòng người. Chú gà trống còn là biểu hiện cho sự dũng cảm, sẵn sàng cất cao tiếng gáy để chinh phục gà mái và bảo vệ cho bạn mình trong thời kỳ sinh sản và nuôi con. Gà trống đáng được coi là người chồng, người cha gương mẫu, hy sinh cho gia đình, cho vợ con.
* Nhìn gà mẹ đến thời sinh sản, dọn ổ đẻ trứng cho an toàn. Sau khi trứng lọt lòng, gà mẹ thật cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu với các loài khác bảo vệ thành quả của mình. Suốt thời gian ấp, chịu nằm ổ dài ngày để gà con ra đời. Gà con ra đời, gà mẹ ủ ấp. Khi gà con có nguy cơ bị loài khác đe dọa thì lên tiếng gọi con trở về nép dưới đôi cánh. Hình ảnh người mẹ chăm sóc, nuôi dạy, bảo vệ con mình, phản ánh tình mẫu tử, tình mẹ thương con của loài người. Để nuôi con lớn, gà mẹ dắt con đi kiếm ăn, chỉ cho con cách bới đất tìm mồi. Tìm được con trùng, con dế, gà mẹ dùng mỏ chia cho gà con cho thấy hình tượng người mẹ quên mình vì con. Nuôi con không tiếc thân mình. Gà mẹ chỉ dạy gà con nhương nhịn, không giành ăn của nhau. Có câu “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Người mẹ mà có được những tập tính tốt như gà mẹ thì quả là “lòng mẹ bao la như biển thái bình".
* Gà trong kinh tế luôn luôn là một gia súc được ưa chuộng, dễ nuôi, mau lớn đem lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi. Thịt gà mềm, lành tính,người người ai cũng sử dụng làm thức ăn cho nhu cầu cuộc sống. Thịt gà luộc chấm muối trộn hành tím giã nát,ăn kèm lá chanh xắt nhỏ là món khoái khẩu cho người Việt mình.Gà nấu súp, nấu đậu, cà ri gà, gà rán, gà nướng, cánh gà chiên bơ, gà hấp hành... Không ai có thể chê các món này. Trứng gà nhiều dinh dưỡng, bổ sức cho người bệnh, người lao động; dùng làm thuốc bồi bổ. Lông gà được sử dụng làm chổi quét bàn, quét trần... Như vậy gà là loài vật có ích cho đời. Con người cũng cần phải sống có ích trong nhân loại.
2. Gà trong nhà đạo * Trong Cựu ước: hình ảnh gà mẹ ấp ủ con dưới cánh được coi như tình thương của Chúa với nhân loại như bài hát “Xin Dâng lời cảm tạ” ta vẩn thường hát: “Đời đời Người vẫn thương con, thương con như gà mẹ ủ ấp con dưới cánh, Chúa thương yêu ấp ủ con đêm ngày”. Hãy quan sát hình ảnh gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, chúng ta sẽ thấy được dấu chỉ của một tình yêu hết sức tuyệt vời. Tình yêu luôn là sự bao bọc, che chở. Ngôn sứ Isaia đã mượn hình ảnh này để diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho con người: Thiên Chúa yêu thương dân Người như mẹ hiền ấp ủ con thơ (Xc Is 49,13-16). lịch sử cứu độ, là lịch sử của một dòng chảy yêu thương. Xuyên bao tất cả mọi biến cố chính trị, văn hoá, xã hội.Thiên Chúa đã yêu thương dẫn dắt dân Người. Dân đã đọc ra trong tất cả những biến chuyển của dòng lịch sử ấy, là cả một bàn tay quan phòng và che chở của Thiên Chúa.
* Trong Tân Ước: Chắc hẳn không một Kitô hữu nào lại có thể quên được khung cảnh Chúa Giêsu đứng trước dinh Thượng tế Cai-Pha, Phêrô đã chối Chúa ba lần đúng như lời Đức Giêsu đã nói với ông “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”. Con gà như thế được biểu hiện cho thái độ tỉnh thức, Trong thực tế cuộc sống, rất nhiều khi ta ngủ mê giữa ban ngày, ngủ mê trong danh, lạc, thú; ngủ mê với những thành kiến và muôn vàn nỗi lắng lo bề bộn. Rất cần một tiếng "gà gáy" trong đời sống tâm linh, để phản tỉnh, như Tông đồ Phêrô đã phản tỉnh và nhận ra được sự bất trung của mình đồng thời khám phá ra lòng thương xót của Thiên Chúa. Rất cần một tiếng gà gáy báo hiệu từ sâu thẳm nội tâm, để chúng ta có thể làm một cuộc trở về và định hướng cho một hành trình đức tin phía trước còn diệu vợi. Nhìn lại và định hướng, đó chính là cán cân giúp cho cuộc sống được thăng bằng. Sẽ chẳng bao giờ biết nhìn lại, biết định hướng, nếu mình cứ ngủ mê. Một lần nữa tiếng gà lại nhắc nhở chúng ta: hãy thức tỉnh.
Cũng trong Tin Mừng, ta cũng còn gặp câu: “Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh mà các ngươi không chịu” (Mt, 23,37; Lc 13,34) Bài học về tình yêu thương chẳng ai có thể thuộc được trong một sớm một chiều, bởi tình yêu luôn là huyền nhiệm, là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa, là báu vật được chôn dấu kỹ ngay trong chính thửa đất tâm hồn của mỗi con người; tình yêu luôn có đấy, nhưng con người luôn phải khát khao tìm kiếm và nỗ lực đáp trả. Chỉ có ai dám can đảm đánh đổi, đánh đổi cả gia tài, đánh đổi cả mạng sống, thì mới có thể cảm nhận được thực sự thế nào là tình yêu. Qua hình ảnh đôi cánh gà mẹ ấp ủ con, tuy không thể nói lên nhiều, nhưng cũng có thể nhắc nhở cho chúng ta một điều vô cùng quý giá: như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, Chúa thương yêu ấp ủ ta đêm ngày.
3. Kết luận Năm Gà nói chuyện cà kê, chuyện đời, chuyện Đạo. Mong rằng năm con gì đi nữa thì cũng là thời gian của Chúa.Ước chi những năm tháng của cuộc đời mỗi người là những ngày chúng ta dành để sống cho Chúa,phục vụ anh em.Cụ thể mỗi người Công giáo Việt Nam hôm nay biết “Sống Đức Kitô giữa dân mình” như ý Đức Giáo hoàng Bênêdictô, hay “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc cùa đồng bào mình” theo lời dạy của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Thư chung 1980. Đó chính là Sống đạo thật vậy.