Theo chương trình công tác của Ủy ban ĐKCG thành phố Hà Nội, năm 2017 sẽ có chuyến giao lưu ở miền Trung với Quảng Bình, Quảng Trị.
Lý do là ở nơi đây có nhiều di tích lịch sử, danh thắng của cả Giáo hội và xã hội. Nơi đây cũng vừa trải qua nhiều thử thách sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra. Vài năm trước, do phân cấp ngân sách nên chỉ tổ chức được cho Ban Thường trực đi nhưng vì năm nay là năm cuối của nhiệm kỳ VI nên chúng tôi muốn mời cả các Trưởng ban ĐKCG các quận, huyện, thị đi cùng nên số người tham gia đoàn vừa chẵn 30 người. Các cơ quan của thành phố như Dân vận, MTTQ, Ban Tôn giáo… cũng cử người đi theo đoàn để giúp đỡ. Đúng sáng ngày 30/5/2017, đoàn khởi hành. Đoàn UBĐKCG TP. Hà Nội làm việc với UBĐKCG tỉnh Quảng Bình |
Địa danh đầu tiên chúng tôi đến là thánh địa La Vang. Chúng tôi đã liên hệ với linh mục quản nhiệm thánh địa, nhưng do có nhiều đoàn muốn dâng lễ ở lễ đài quá nên chúng tôi xin dâng lễ ở nhà nguyện cạnh lễ đài. Cha Antôn Dương Phú Oanh dâng lời cầu nguyện thật sốt sắng và chia sẻ lời Chúa cũng rất ý nghĩa về biến cố La Vang năm 1789 và bây giờ đã trở thành Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc. Sau thánh lễ, chúng tôi cùng ra cầu nguyện trước linh đài và dâng lên lời ca tôn vinh Mẹ nhân 100 năm sự kiện Đức Mẹ Fatima. Vương cung thánh đường La Vang bề thế đang xây lên tầng mái. Khi hoàn thành chắc sẽ xứng với công trình của linh địa La Vang.
Các vị lãnh đạo ở Dân vận, Tôn giáo, MTTQ tỉnh Quảng Trị ra tận Linh địa để đón đoàn. Vì thế, chúng tôi vội vào cảm ơn cha Giám đốc Trung tâm và ra xe để đến nơi gặp mặt, giao lưu, vừa đi vừa ăn sáng cho kịp giờ. Đến nhà thờ Trí Bưu, chúng tôi đã thấy cha quản hạt Quảng Trị JB. Lê Quang Quý, các cha, các dì trong hạt cũng như lãnh đạo các ban ngành của tỉnh. Ông Phó Giám đốc Công an tỉnh cũng có mặt để đón đoàn. Tôi đã quen cha Qúy từ nhiều năm trước khi Ủy ban giáo dân do Đức cha FX Nguyễn Văn Sang làm Chủ tịch, còn tôi là Thư ký hay vào phối hợp với Tòa TGM Huế của Đức TGM Stephanô Nguyễn Như Thể để tổ chức các hội thảo về văn hóa Công giáo. Cha quản hạt cũng mới bị tai biến nhẹ, đã hồi phục nhưng đi lại phải thêm chiếc nạng. Ngài vui vẻ nói chuyện với chúng tôi về tình hình tôn giáo ở địa bàn. Cha Antôn đã thay mặt đoàn cảm ơn sự đón tiếp thân tình của các cha, các dì trong hạt Quảng Trị cũng như lãnh đạo tỉnh Quảng Trị với đoàn Hà Nội. Cha Antôn cũng thay mặt đoàn tặng các cha Quảng Trị bức tranh thêu. Cuộc giao lưu kết thúc bằng bữa liên hoan thân mật ở khách sạn Công đoàn tỉnh. Chúng tôi ngạc nhiên thấy những lon bia Hà Nội nhưng màu hơi khác. Anh Kỷ - Phó Giám đốc Công an tỉnh nói, đây là bia do Công ty bia Hà Nội sản xuất tại Quảng Trị. Mỗi năm họ đóng cho ngân sách của tỉnh hơn 120 tỷ nên tỉnh vận động nhân dân sử dụng bia Hà Nội. Chị Nguyễn Thị Kim Dung trong bữa ăn hát suốt hết bài về Quảng Trị, lại đến bài về Hà Nội. Không khí thân thiện đến mức mấy cha trẻ ở Quảng Trị cũng cầm micro lên hát theo. Linh mục Antôn cũng thay mặt đoàn tặng tỉnh Quảng Trị bức tranh thêu phong cảnh Hà Nội để kỷ niệm buổi gặp gỡ. Ông Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Trị và mấy linh mục hỏi tôi: vì sao Quảng Trị không lập được UBĐKCG? Tôi xin ghi nhận và hứa sẽ báo cáo lại Đoàn Chủ tịch trong kỳ họp sắp tới ở Đà Nẵng vào đầu tháng 7/2017.
Chúng tôi ghé thăm di tích thành cổ Quảng Trị, nơi ghi dấu tích anh hùng của quân, dân nơi đây suốt 81 ngày đêm năm 1972. Thật xúc động khi được dâng hương ở nơi này nhân 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ (1947-2017). Cô hướng dẫn viên nghẹn ngào xúc động khi giới thiệu các hiện vật, các tấm gương của các liệt sĩ ở nơi này. Không biết có bao nhiêu chiến sĩ nằm lại nơi đây, không có một tấm bia nào, một ngôi mộ nào. Chỉ có một tượng đài chung cho tất cả và lúc nào cũng có hương hoa. Vì sức khỏe của cha Antôn không được tốt, vả lại chủ nhật là ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống nên chúng tôi phải bố trí đưa cha đi máy bay về trước. Vậy là cả đoàn thay đổi lịch trình, quay về Huế để đưa cha ra sân bay cho tiện. Tôi vốn quen với nhiều đấng bậc ở Tòa TGM Huế nhưng gọi điện hỏi, các ngài đi dự lễ tấn phong Đức cha phó Đaminh Nguyễn Văn Mạnh của Đà Lạt và Đức cha phụ tá Gioan Đỗ Văn Ngân của Xuân Lộc cả. Vậy là tranh thủ thời gian đi thăm lại lăng Khải Định. Dù đã đến đây mấy lần, nhưng mỗi lần lại thấy sự kỳ công vĩ đại của công trình này. Chỉ với những vật liệu là mảnh sành sứ, thủy tinh mà các nghệ nhân đã tạo ra các bức tranh nghệ thuật tinh xảo, sống động. Buổi tối, chúng tôi tổ chức đi nghe hò Huế và nhạc cung đình trên sông Hương. Các năm từ 1998 đến 2003, lần nào hội thảo các Đức cha, các cha cũng đi nghe hát, cũng thả đèn ở sông Hương.
Ngày 2/6, chúng tôi quay ra Quảng Bình. Trên đường vào thăm địa đạo Vĩnh Mốc. Đây là địa đạo nổi tiếng ở ven sông Bến Hải. Địa đạo này dài tới hơn 40km và sâu có chỗ tới 25m. Xuống dưới địa đạo mới thấy sức sống của người Vĩnh Linh thời chiến tranh. Cũng có đủ chỗ từ không gian sinh hoạt gia đình đến nơi họp hội công cộng, bảng tin, nhà hộ sinh, vọng gác như trên mặt đất. Địa đạo có 3 tầng và từ tầng nọ đến tầng kia cũng 75 bậc thang. Đi thăm quan cũng thấy mệt chứ chưa nói đến công sức để tạo ra kỳ quan này. Nơi này có rất nhiều cây dứa dại và dứa dại khô bán cũng rất rẻ dù nó có rất nhiều công dụng chữa bệnh. Chúng tôi vào thăm nhà lưu niệm và tôi cũng thay mặt đoàn ghi lại mấy dòng cảm tưởng. Đường đi vào địa đạo có rất nhiều hàng tre, trúc đẹp như một khung cảnh làng quê xưa nhưng bây giờ hiếm thấy vì bị bê tông hóa.
Ăn trưa ở Cửa Tùng xong, chúng tôi ra Đồng Hới để viếng Mẹ Suốt- một phụ nữ anh hùng đã dũng cảm chèo đò đêm ngày đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ dưới bom đạn Mỹ. Những ai đã đi qua chiến tranh như ông Nguyễn Đức Tâm- Trưởng ban ĐKCG quận Đống Đa mới cảm thấy hết sự phi thường của người phụ nữ anh hùng này. Ông bảo, lái xe vô ý hút điếu thuốc lá thế là máy bay, pháo từ hạm đội ngoài biển quần thảo nát mặt đất cả giờ liền. Hình như bất cứ sự chuyển động nào trên mặt đất cũng bị các ra đa, cây nhiệt đới của Mỹ phát hiện.
Ông Phạm Văn Hạnh- Phó Chủ tịch Thường trực của Ủy ban ĐKCG tỉnh Quảng Bình đến khách sạn để đón đoàn. Ông đưa chúng tôi ra biển Nhật Lệ để tắm. Người đông vô kể nhưng do gió tây thổi mạnh nên sứa dạt vào nhiều lắm nên gây ngứa. Như vậy chứng tỏ biển đã đang hồi sinh. Chúng tôi đành ngồi ngắm biển và ăn tối thôi. Ông Hạnh hẹn 8 giờ sáng đến đón đoàn nhưng chúng tôi cảm ơn và nói tự đi. Sáng hôm 3/6, chúng tôi đến MTTQ tỉnh. Dù là ngày nghỉ nhưng các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã có mặt để đón chúng tôi. Buổi giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác diễn ra rất sôi nổi. Quảng Bình mới thành lập được Ủy ban ĐKCG 2 năm nay. Bây giờ muốn thành lập Ban ĐKCG ở huyện mà khó vì thiếu nhân sự. Nghe Hà Nội lập được Ban ĐKCG ở khắp 29 quận, huyện và hơn 100 tổ ĐKCG, Quảng Bình hỏi ngay kinh nghiệm. Rồi Ủy ban hoạt động sao cho có hiệu quả, làm sao Ủy ban trở thành cầu nối đạo- đời, làm sao Ủy ban ĐKCG chiếm được thiện cảm, tin tưởng của cả Giáo hội và xã hội…Toàn những vấn đề cốt lõi nhưng những câu trả lời của cả 2 đoàn cũng phần nào thỏa mãn mọi người. Buổi giao lưu kéo dài đến tận trưa. Hai đoàn đã trao cho nhau những bức tranh phong cảnh của quê hương để ghi dấu buổi gặp mặt này. Bữa liên hoan trưa cũng thật thịnh soạn trong tinh thần giao lưu, học hỏi đầy không khí văn nghệ.
Theo kế hoạch, chúng tôi muốn ghé thăm và thắp hương viếng một Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa. Ông Hạnh nhiệt tình chuẩn bị hương hoa và dẫn đoàn đi dù cách Đồng Hới 70 km. Ông mời tôi lên xe di cùng với mấy vị Thường trực của Ủy ban ĐKCG tỉnh Quảng Bình. Mục đích cũng là muốn nghe tôi trao đổi thêm về tình hình tôn giáo hiện nay.
Phong cảnh Vũng Chùa thật đẹp. Mộ Đại tướng đặt ở trên đồi cao nhìn ra hòn Yến xinh đẹp. Đường lên núi giờ đã lát đá xẻ dễ đi hơn nhiều nhất là vào ngày mưa. Tôi hỏi chiến sĩ trực ban và được biết, trung bình mỗi ngày có cả trăm đoàn với khoảng 3 ngàn người đến viếng. Ngày lễ thì đông hơn nhiều. Chúng tôi đăng ký và lên dâng hương, hoa. Tôi thay mặt đoàn thắp hương, đặt hoa viếng cách phần mộ Đại tướng mấy chục mét. Chúng tôi nhờ chiến sĩ trực ban chụp cho bức ảnh làm kỷ niệm vì không được phép tự chụp.
Chúng tôi đi nhanh về Cửa Lò, mục đích cũng để mọi người có dịp tắm biển và đi lễ vì chủ nhật lễ trọng. Dù đã 6 giờ tối nhưng biển vẫn kín người. Tôi gọi điện cho linh mục nhạc sĩ Xuân Đường. Ngài cho biết, lễ sáng vào lúc 4h45. Sáng sớm, chúng tôi đi bộ từ khách sạn đến nhà nguyện của dòng để dự lễ. Cha chủ tế có lời cầu chúc cho đoàn thật tốt lành. Xong lễ, ngài mặc luôn áo lễ màu đỏ để chụp ảnh lưu niệm với chúng tôi.
Lúc 16h ngày 4/6, chúng tôi đã về đến Hà Nội. Xin cảm tạ Chúa đã gìn giữ đoàn một chuyến đi bình an và bổ ích. TRIẾT GIANG
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com