Con rồng cháu tiên ngàn đời nay đã trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. |
Truyền thuyết kể rằng: “Một hôm, ở biển Đông, trời đang trong xanh thì bỗng xuất hiện một cột nước cao. Lúc đầu cột nước cao ấy màu trắng đục, sau chuyển thành màu đen ngòm. Rồi cột nước ấy bỗng cuồn cuộn, làm cả vùng trời rung chuyển. Từ cột nước hung dữ đó, bỗng xuất hiện một con vật đầu to, hình nó như một con rắn khổng lồ cuồn cuộn trên bầu trời âm u. Nhiều ngư dân trong vùng nhìn nó thoáng bay qua nhận thấy con vật bờm rậm nhưng râu ngắn, mũi giống sư tử, từ biển bay thẳng vào đất liền. Trên đường đi nó cuốn hết thảy những thứ nó muốn. Lúa trên đồng, cá trong sông, thậm chí nó còn cuốn cả gia súc gia cầm, cuốn cả mái gianh, làm cho dân tình hoảng loạn. Con vật đi như gió và ăn hết nhiều tài sản của dân cư trong vùng.
Ngư dân trong vùng lập đàn, và nhờ một con rùa xuống Long Hải Vương để hỏi tại sao lại cho con vật dữ từ dưới biển lên tàn phá dân lành.
Rùa mang lời ngư dân đi gặp Long Hải Vương.
Long Hải Vương bảo:
- Ngày trước, ngươi kiện ta thì có lý. Trước đây con vật đó là con cá chép thuộc quyền quản lý của Long Hải Vương, nhưng từ khi nó thi đỗ, nó đã hoá thành rồng, bay lên trời. Giờ thì trời quản lý, ngươi lên mà hỏi Thiên Vương.
Rùa về thưa lại với ngư dân. Ngư dân lại nhờ sư tử nhà trời hỏi cho rõ chuyện tại sao rồng lại hại chúng sinh. Sư tử nhà trời lên thiên đình thưa chuyện. Nhà trời bảo:
- Nó cũng giống lân, cùng họ với nhà ngươi, ăn như hùm, kém gì thuồng luồng, trời sinh ra nó thế, thế gian chịu vậy, biết làm sao. Thôi, ngươi về đi, nói với mọi người là khi thấy nó xuất hiện thì liệu mà tránh.
Từ đấy về sau, mỗi khi thấy rồng xuất hiện, là mọi người lại khiếp vía cất giữ lương thực, chằng chống nhà cửa, không dong buồm ra xa, rồi bảo nhau:
- Rồng nó cuốn đấy, liệu mà phòng cho mau”!
Theo định nghĩa của Wikipedia: “Rồng là một loài vật thần thoại chỉ xuất hiện trong truyện cổ phương Đông và phương Tây. Trong cả phương Tây lẫn phương Đông, hình ảnh loài rồng đều được miêu tả là một loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường, huyền bí. Nhưng ở phương Tây thì rồng được miêu tả là loài bò sát to lớn giống như khủng long, nhiều khi là sự tượng trưng cho cái ác chứ không phải là linh vật mang điều tốt lành như quan niệm của người châu Á”.
Với định nghĩa trên, rồng được coi là tổng hợp của sức mạnh, hoặc nghiêng về sự ác (phương Tây) hoặc đứng đầu Tứ Linh (phương Đông). Theo sách Khải Huyền của Tông đồ thánh sử Gioan thì rồng tượng trưng cho ma quỷ (x. Kh 12, 1-18).
Trong số 12 con giáp thì Rồng là con vật huyền thoại. |
Nói đúng ra, con rồng tốt hay xấu là do quan niệm và lối sống của con người. Vì bản thân con rồng chỉ là một huyền thoại, con người mới là hiện hữu. Chúa Giêsu đã sử dụng thuật ngữ con rắn vào cả hai lãnh vực tốt và xấu. Xấu khi Chúa Giêsu trách mắng các kinh sư và người Pharisêu; “Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia! Các người trốn đâu cho khỏi hình phạt hoả ngục?” (Mt 23,33) và tốt khi Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16).
Hình tượng của rồng ở châu Á được người ta mặc cho tất cả sức mạnh tổng hợp đặc trưng từ các thú vật khác: có hình dài như rắn, thân có vảy như vảy cá, có đầu như đầu sư tử, bốn chân có móng vuốt. Rồng có thể bay được, có thể phun nước tạo mưa… Rồng còn là biểu tượng của các hoàng đế Trung Hoa, với chữ long được ghép với các danh từ chỉ vua Trung Hoa (long thể, long bào, long nhan, long sàn...). Trí tưởng tượng trên toát lên một thao thức của con người muốn có một sức mạnh tổng hợp vô địch trong cuộc sống để đương đầu và chiến thắng với rất nhiều địch thủ, từ bệnh tật tới thiên tai địch họa…Tuy nhiên, còn một sức mạnh vượt trên rồng nữa đó là sức mạnh đoàn kết của con người, từ lâu đã được diễn tả trong ca dao tục ngữ Việt Nam: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn!”
Cặp rồng đá điện Kính Thiên được chạm khắc vô cùng tinh xảo, sống động |
Trong chiều hướng này, người Công giáo cũng mặc lấy một sức mạnh để chống lại ba thù là: tính hư xác thịt, thế gian gương xấu và ma quỷ. Chính thánh Phaolô đã đưa ra một hình ảnh cụ thể trang bị vũ khí cho chúng ta: “Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa” (Ep 6,14-18).
Trong tất cả những vũ khí mà thánh Phaolô trang bị thì gươm của Thần Khí ban cho tức Lời Chúa là quan trọng nhất. Thư Do Thái đã diễn tả điều này: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Ngược lại với Lời Chúa, là những lối sống hưởng thụ, sống gấp, sống hời hợt theo lối sống thế gian. Ca dao tục ngữ Việt Nam đã có những sánh ví về lớp người này: “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa...”.
Như vậy, năm Giáp Thìn nhắc nhở chúng ta chủ động trong lối sống. Sức mạnh từ chính mình, từ ý thức lựa chọn tốt xấu. Lành hay dữ xuất phát từ tâm ta. Tuy nhiên, vì “Nhân vô thập toàn” nên tự con người không đạt được chân lý toàn vẹn. Một lần nữa thư Do Thái khẳng định cho ta chỉ có Lời Chúa là Lời “Phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”. Hãy cùng lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
Trong bối cảnh hôm nay, một Giáo hội Hiệp hành gồm đủ mọi tầng lớp cùng bước trên con đường là Đức Kitô, dưới tác động của Thần Khí, cùng tiến về Quê Trời. Đó chính là tổng hợp sức mạnh dệt nên từ thực tế chứ không phải chỉ là một khát vọng con người thêu dệt nên sức mạnh của con rồng bằng trí tưởng tượng.