Chủ trì Hội nghị. Ảnh: Quang Khánh |
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Lê Minh Hưng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng Trần Quang Phương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu; các Ủy viên Trung ương Đảng, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo khối các cơ quan Đảng, cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch Nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, Hội Luật gia Việt Nam; các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước với sự tham dự của các Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư các tỉnh ủy, thành ủy, các đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành…
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “phát huy vai trò của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội”.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, theo Kết luận của Bộ Chính trị, MTTQ Việt Nam nhận thức sâu sắc việc cần nâng cao hơn nữa vai trò của mình để tham gia từ sớm vào các bước quy trình lập pháp, từ khâu bắt đầu đến khi văn bản được ban hành và giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật.
Để triển khai hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Kế hoạch lập pháp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ sớm xây dựng, ban hành kế hoạch nhằm cụ thể hoá quan điểm, định hướng và triển khai các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến MTTQ Việt Nam, tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, phát huy vai trò chủ trì hiệp thương của MTTQ Việt Nam nhằm huy động được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức thành viên tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản QPPL và giám sát việc thực hiện pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Căn cứ vào Đề án và các phụ lục kèm theo, MTTQ sẽ xây dựng “Kế hoạch tham gia công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV”, trên cơ sở hiệp thương, thống nhất với các tổ chức thành viên, lựa chọn dự thảo văn bản pháp luật tác động lớn đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam để tổ chức phản biện xã hội và giám sát việc tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật khi được thông qua, ban hành; đồng thời, thống nhất nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của các tổ chức thành viên để cùng thực hiện, bảo đảm phát huy được thế mạnh đặc thù của từng tổ chức, thống nhất về quy trình, cách làm và không chồng chéo, trung lắp về nội dung phản biện, giám sát.
Thứ hai, để đảm bảo những ý kiến phản biện của MTTQ Việt Nam được phản hồi kịp thời, MTTQ Việt Nam sẽ kiên trì, quyết liệt hơn trong theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức được phản biện xã hội; đối với những Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nếu đã được MTTQ Việt Nam phản biện thì hồ sơ dự án, dự thảo gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền phải bao gồm văn bản phản biện xã hội.
Thứ ba, tiếp tục huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong từng lĩnh vực chuyên sâu, đồng thời sẽ chú trọng mời các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các QPPL… tham gia đóng góp và bày tỏ chính kiến đối với vấn đề phản biện, giám sát, chính những đối tượng này sẽ cung cấp góc nhìn thực tiễn, cấp thiết, gắn chặt với quyền lợi, mong muốn của Nhân dân để những ý kiến giám sát, phản biện có tính đang chiều, thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân.
Thứ tư, kết hợp phản biện xã hội với việc coi trọng và nâng cao chất lượng công tác tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật của MTTQ Việt Nam.
Thứ năm, rà soát, đánh giá, sơ, tổng kết các Chương trình phối hợp giám sát, lựa chọn triển khai một số nội dung giám sát thiết thực, hoặc dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Tổng kết và sửa đổi các quy chế phối hợp giữa cơ quan MTTQ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước.
Về nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Đề án Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, trong 8 nội dung của Đề án, nội dung thứ 7 đã nhấn mạnh về xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ; cụ thể hóa đầy đủ quyền con người, quyền công dân.
"Để thực hiện định hướng này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập trung triển khai một số hoạt động lập pháp theo 2 tuyến: chủ trì và phối hợp", Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
Theo đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật để xác định rõ hơn vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo đó nhiệm vụ lập pháp cần triển khai là nghiên cứu, rà soát Luật MTTQ Việt Nam; Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; Nghị quyết liên tịch về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (cụ thể hóa khoản 3, Điều 16 Luật MTTQ Việt Nam)...
Đồng thời sẽ phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ Xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền công dân. Nhiệm vụ lập pháp cần triển khai là: nghiên cứu, rà soát Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nghiên cứu, rà soát Luật Quốc tịch và các văn bản pháp luật có liên quan.
Hương Diệp