Thánh lễ Minh niên mừng xuân Kỷ Hợi 2019 tại giáo xứ Chính tòa Phú Cường. Ảnh: An Bình |
Mở đầu bài thơ “Thống hối đề ngâm” của linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1802-1875) ghi: “Chúa là chí thánh, chí linh/ Tỏ bày toàn trí tạo sinh muôn loài/Nhứt nguyên tự hữu như lai/ Tốt lành sáng rạng, từ oai công bình/ Cầm quyền họa phước tử sanh/ Vô chung, vô thủy, vô hình, vô thanh/ Căn nguyên mạch mọi sự lành/ Đáng yêu đáng mến chí tình tận tâm/ Thánh thần chầu chực quang lâm/ Mến yêu hết sức, ca ngâm hết lòng”.
Thiên Chúa là Đấng Tự hữu, là Đấng vô thủy, vô chung cho nên đối với Thiên Chúa, Ngài không có tuổi tác. Nhưng người giáo dân Việt Nam nhiều nơi cứ đến mùng Một Tết Nguyên đán có lệ mừng tuổi Chúa.
Thân mẫu của tôi sinh năm 1920 kể về việc mừng tuổi Chúa khi thân mẫu tôi còn là thiếu nữ. Giáo xứ Cây Vông chúng tôi trước năm 1943 là họ nhánh của địa sở Hà Dừa, nên sáng mùng Một Tết không có thánh lễ, chỉ tụ họp lại đọc kinh mà thôi. Nhà thờ lúc ấy chưa có ghế ngồi, chỉ có trải chiếu mà thôi. Sau khi đọc kinh lần chuỗi xong, ông Câu nhất (hiện nay gọi là ông Chủ tịch Hội đồng Mục vụ) tiến lên trước giáo dân, chấp hai tay và xướng: “Chánh tuế minh niên chúng con sấp mình lạy Chúa”. Tất cả giáo dân trong nhà thờ đồng loạt quỳ xuống lạy ba lạy.
Khi tôi có trí khôn, thì việc mừng tuổi Chúa không còn duy trì nữa, chỉ có thánh lễ Minh niên mà thôi.
Giáo xứ Hà Dừa (kế cận giáo xứ Cây Vông và chỉ cách nhau dòng sông Cái Nha Trang) vẫn còn duy trì lệ mừng tuổi Chúa. Trong thánh lễ Minh niên sau khi đọc kinh Tin kính, thay vì đọc Lời nguyện giáo dân, thì lại mừng tuổi Chúa. Khi ấy tất cả quý ông trong Hội đồng Mục vụ của giáo xứ Hà Dừa đều áo dài khăn đóng ra xếp hai hàng ở lối giữa nhà thờ, cùng đọc bài Kinh mừng tuổi Chúa, Đức Mẹ và các thánh. Họ đọc theo lối ngâm nga, chiêng và trống gióng lên nhẹ nhàng, chậm rãi theo cung giọng của những người đọc. Khi đọc đến những câu: “Sấp mình lạy Chúa chí tôn”; “Lạy Mẹ ngự trên tòa vàng”; “Kính mừng các thánh trên trời” thì rung chuông, tất cả mọi người đều kính cẩn cúi đầu. Toàn văn bài Kinh mừng tuổi:
“Sấp mình lạy Chúa chí tôn/ tạo thành thiên địa/ bảo tồn nhân gian/ Chúa hằng giáng phước thi ân/ ân ban phổ thế/ phước nhuần châu thiên/ Mai này chánh đán Minh niên/ Chúng con lạy Chúa/ Lạy Chúa cầm quyền tử sanh/ Cám ơn Chúa đã giữ gìn/ sống qua năm cũ xác hồn bằng an/ Nay vào năm mới hỉ hoan/ dám xin ơn Chúa lại ban phước lành/ Xác hồn đều đặng khương ninh/ sống an cõi thế, chết vinh quê trời/
“Chúng con dám nguyện ít lời/ cầu cùng Thánh Mẫu trên nơi Thiên đàng/ Lạy Mẹ ngự trên tòa vàng/ chúng con còn phải gian nan khách đày/ Xin hằng phù hộ cầu thay/ ngõ cho ai nấy sống rày bình an/ Chết rồi lại đặng quy thiên/thanh nhàn vinh phước vô biên đời đời/
“Kính mừng các Thánh trên trời/ xin thương nhân loại còn nơi khách đày/ Chúa cho sống tới năm nay/ dám xin các Thánh hằng ngày chở che/ Xác hồn mạnh khỏe mọi đàng/ cùng nhau sum họp thảnh thơi/ Chực chầu một Chúa/nghỉ ngơi chẳng cùng”.
Chúa có cần chúng ta mừng tuổi Chúa không? Tuy Chúa không cần chúng con Mừng tuổi Chúa, nhưng việc chúng con Mừng tuổi Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con Mừng tuổi Chúa chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ (xin mạo muội được thay đổi đôi chữ trong lời Kinh Tiền tụng).
Thánh vịnh 92, câu 1: “Lạy Chúa, thú vị thay được tạ ơn Chúa”, tôi cũng xin mạn phép được sửa lại: “Lạy Chúa thú vị thay được mừng tuổi Chúa”!
Mừng tuổi Chúa là một nét đẹp trong văn hóa của người Công giáo Việt Nam. Về mặt tâm linh có giá trị rất là thiêng liêng. Do đó, việc mừng tuổi Chúa cần được duy trì và nhân rộng trong tất cả các xứ đạo
NGUYỄN VĂN NGHỆ