Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ. |
Cuộc sống của con người trong xã hội ngày nay có vẻ như thường vội vã và bận rộn, đặc biệt nơi các thành phố lớn. Người ta bận rộn với công việc, vội vã và gấp rút với những mối tương quan, mong làm sao cuộc sống được đủ đầy và dư giả. Những điều đó hoàn toàn không sai nhưng không phải là cùng đích của con người. Qua Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta: Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh (Ga 6,27). Lương thực đó không đâu khác chính là Mình và Máu Thánh Chúa, hằng ngày vẫn được ban cho người Kitô hữu qua Bí tích Thánh Thể trong thánh lễ.
Bài trích sách Xuất Hành thuật lại cho chúng ta về hành trình của dân Ixraen trong sa mạc. Trong hành trình đó, đã có lúc dân kêu trách Chúa, kêu trách ông Môsê vì họ lo sợ bị chết đói trong sa mạc. Tuy nhiên, Thiên Chúa yêu thương đã không chấp tội họ, nhưng đã ban cho họ manna mỗi ngày trong suốt hành trình qua sa mạc. Thiên Chúa nuôi dân Người vào chính lúc họ thiếu mọi sự. Vào lúc nguy cấp, sự trợ giúp này đối với Ixraen là bằng chứng Thiên Chúa không bỏ rơi họ. Cho nên, hành động này của Thiên Chúa vẫn được các thế hệ sau này nhắc nhớ để cho thấy quyền phép và tình thương mà Thiên Chúa dành cho dân Người.
Tình thương của Thiên Chúa dành cho dân không chỉ bằng việc ban manna mỗi ngày, nhưng Người còn muốn cho họ nhiều hơn nữa. Truyền thống Kitô giáo coi lương thực manna là hình ảnh Thánh Thể, là Đức Kitô, Đấng hiến mình làm bánh trường sinh trong Thánh Thể, lương thực thần linh nuôi Hội Thánh trong cuộc xuất hành ở trần gian này.
Nhà tâm lý học người Mỹ, Abraham Maslow đưa ra mô hình nổi tiếng về tháp nhu cầu của con người với năm cấp bậc. Trong đó nhu cầu đầu tiên, nhu cầu cơ bản nhất, quan trọng nhất của con người là thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, v.v.. Mối quan tâm hàng đầu của con người luôn là sự bảo đảm của ăn cho ngày mai, vì không có của nuôi thân thì sự sống sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, sau phép lạ hóa bánh ra nhiều (x.Ga 6,1-15), dân chúng đi tìm Chúa Giêsu vì muốn được tiếp tục ăn bánh, để khỏi làm việc. Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này để dạy cho họ về lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh. Thứ lương thực đó không đâu khác là chính Ngài, là bánh thật, bánh đem lại sự sống đời đời cho ai lãnh nhận. Lương thực đó cũng chính là Lời Chúa, Lời có sức cứu độ (x.Gc 1,21).
Hàng ngày, nơi Thánh Lễ, Giáo hội “dọn ra” cho chúng ta bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Đó là nguồn mạch đem lại cho chúng ta sức sống trong cuộc đời lữ khách này, cũng là thức ăn đem lại cho chúng ta phúc trường sinh vĩnh cửu. Thế nhưng, đôi khi chúng ta coi việc tham dự thánh lễ như là một nghĩa vụ chúng ta phải thực hiện, và có khi chỉ tham dự một cách chiếu lệ cho xong bổn phận. Tình yêu của chúng ta đối với Chúa lắm lúc còn mang tính vụ lợi, đó là những khi gặp khó khăn đau khổ chúng ta mới nhớ đến Chúa, mới cầu nguyện với Người. Chúng ta chưa thực sự gắn bó với Chúa trong mọi hoạt động của cuộc đời mình. Chúng ta cần đặt đúng bậc thang giá trị của những hoạt động hàng ngày. Của cải vật chất là cần thiết cho đời sống nhưng không phải là tất cả, không phải là đích nhắm của một người Kitô hữu sống đức tin.
Dân Ixraen xưa vì chút của ăn hàng ngày mà đã đánh mất lòng tin và không nhận ra ân huệ lớn lao Chúa ban khi giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Họ thà quay lại chịu làm nô lệ, chỉ để được ăn thịt ăn bánh, chứ không muốn trở thành một dân tộc tự do (x. Xh 16,3). Còn chúng ta, chúng ta đã được phép rửa biến đổi tận gốc rễ để trở thành con người mới. Con người mới đòi phải có những tiêu chuẩn sống mới. Từ nay, người Kitô hữu sống dưới ảnh hưởng của Chúa Kitô, phải không ngừng đổi mới cả trong cách suy nghĩ lẫn trong hành động.