Theo sử sách ghi lại danh nhân Bùi Viện là sứ giả của Vua Tự Đức, vào năm 1875 đã trình quốc thư lên Tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ là Ulysses Grant, được xem như người Việt đầu tiên đặt chân lên đất nước Hoa Kỳ. Nhưng thực sự không phải vậy, vì hơn 20 năm trước ông Trần Trọng Khiêm là người Việt đã đến thành phố New Orleans vào năm 1849, bắt đầu cho cuộc phiêu bạt làm ăn trên lãnh thổ Mỹ quốc rồi. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cuộc đời của nhân vật này.
(Minh họa của Timy dựa theo câu chuyện của Nguyễn Hiến Lê). |
Ông Trần Trọng Khiêm, sinh năm 1821, vào năm thứ 2 triều đại vua Minh Mạng (1791-1841), tại vùng quê Phú Thọ, làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao (nay là xã Xuân Lũng, Lâm Thao, Phú Thọ) trong một gia đình có 2 anh em trai và mấy chị em gái. Người anh trai tên Trần Mạnh Trí sinh sống tại quê nhà. Ông Khiêm với thân hình cao lớn, tính tình cương trực, đầu óc thông minh học hành rất tiến bộ, vào năm 18 tuổi đã thông suốt các kinh sử, lại nổi tiếng văn hay chữ tốt nhất trong vùng. Ông được thầy dạy quý mến và bạn bè đồng môn nể phục, kỳ vọng ông sẽ làm vẻ vang cho nhà trường, nhưng với tính tình khác người chẳng màng công danh, coi thường khoa cử nên ông không tham gia kỳ thi nào...
Năm 20 tuổi cậu Khiêm kết hôn với cô thôn nữ họ Lê, chung sống với nhau đã 3 năm vẫn chưa có con nối dõi tông đường, thì gia đình lại xẩy ra oan nghiệt, do trước khi kết hôn với ông Khiêm, vợ ông bị tên Chánh Tổng muốn lấy về làm vợ lẽ nhưng bị cự tuyệt, Tên quan này đem lòng thù hận, đã cho thuộc hạ giết bà rồi đốt nhà phi tang. Một năm sau, đúng vào ngày giỗ đầu của vợ, ông Khiêm giết tên Chánh Tổng gian ác để trả thù, rồi bỏ quê trốn đi biệt tích vì mang án giết người.
BỎ XỨ RA ĐI VÀ HÀNH TRÌNH ĐẾN MỸ
Tàu neo đầy cảng San Francisco, 1850-1851 |
Thời đó miền Bắc vùng đất Phố Hiến ở Hưng Yên nổi tiếng là nơi buôn bán sầm uất, dân gian đã ví von “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” nên ông Khiêm đã đến chốn đô hội này, đổi họ tên là Lê Kim trà trộn cùng đám thợ thuyền, phu phen khuân vác, rồi lần hồi dò la xin xuống các tàu buôn phụ việc, nhờ có sức khỏe và siêng năng chăm chỉ nên đã được các chủ nhân thuê mướn cho xuống đi theo tàu ngoại quốc, vì vậy ông được đi đến nhiều quốc gia, mỗi khi tàu buôn cập bến cảng các nước trao đổi hàng hóa.
Với bản chất thông minh, trong thời gian này ông đã tự học thông thạo 4 ngôn ngữ làm cho bạn bè thợ thuyền cùng trang lứa ai cũng khâm phục.
Để thay đổi công việc dưới tàu buôn sau 5 năm vất vả giữa sông nước, ông không ngần ngại bước lên đất liền nơi xứ người vào năm 1849 tại miền Saint Louis, bên bờ sông Mississipi, tiếp đến qua New Orleans, tiểu bang Lousiana, trong 4 năm phiêu bạt ở đất Mỹ, khởi đầu Lê Kim theo đoàn người qua miền Tây Hoa Kỳ đi với những kẻ gồm nhiều quốc tịch, nhiều sắc dân tụ họp lại đi tìm vàng.
Thủ lãnh tên Maxk người Canada của nhóm tìm vàng gồm chừng 60 người, đã hỏi về việc Lê Kim nói được nhiều thứ tiếng. Ông mạnh dạn trả lời: “Tôi nói được tiếng Pháp, Anh, Hòa Lan, Trung Hoa và một thứ tiếng khác nữa!”. Thứ “tiếng khác” đó trong đoàn chẳng ai biết, nên không đề cập đến. (Có lẽ là tiếng Việt Nam ta chăng?). Nhờ ngoại ngữ thông thạo và tài ngoại giao xử thế khôn khéo ông được chọn làm thông ngôn kiêm trợ lý cho đoàn, chẳng những được mọi người trong đoàn thán phục, mà khi gặp những trường hợp va chạm xích mích, tranh dành đất đai quyền lợi với dân địa phương, người da đỏ ngăn cản không cho đi qua, bắt trưởng đoàn phải nộp cho họ một số vật dụng. Lúc này Lê Kim đã đem đạo đức của người Á Đông “Một sự nhịn, chín sự lành” ra khuyên giải dàn xếp, tránh cho đôi bên khỏi sự xô xát, nên ai cũng tuân phục.
Nước Mỹ những năm đầu của thế kỷ XIX |
Chuyện đi khai thác vàng thật là vất vả cực khổ, nhiều người vì đói khát, bệnh tật hoặc gặp thú dữ rắn độc cắn phải bỏ mạng. Trong khi Lê Kim lại không ham vàng, nên một hôm đi chơi về ông đã khoe với mọi người: “Nhân đi qua Tòa soạn Deaily Evening, thấy họ dán giấy cần một người làm việc vặt trong Tòa soạn biết tiếng Anh, tiếng Pháp nên xin vào, và còn nói là biết tiếng Hòa Lan, tiếng Trung Hoa nữa nên họ nhận ngay, trả mỗi tuần 100USD. Công việc chỉ phải ngồi tiếp khách đến mua báo hay đăng quảng cáo.” Sau này ông còn được nhận làm phóng viên, viết tin tức cho báo với bút danh Lee Kim. Ngoài ra ông còn cộng tác viết bài cho hai báo Alta California và Morning Post nữa. Nhiều bài báo của Lê Kim đăng trên tờ Daily Evening hiện nay vẫn còn lưu giữ ở thư viện Đại học California.
Sau thời gian gần một thập niên xa xứ, vào cuối năm 1853 vì quá mệt mỏi với cuộc sống nơi đất khách, cộng với niềm thương nhớ quê cha đất tổ, ông đã quyết chí hồi hương trở về.
CUỐI ĐỜI TRỞ THÀNH NHÀ YÊU NƯỚC
Qua chuyến tàu quá giang ghé Hồng Kông, ông đã nhập tịch Trung Quốc, rồi trở về Việt Nam trong thân phận người Minh Hương. Hành trình tàu ghé vào miền đất Nam Bộ năm 1854, Lê Kim bắt tay cùng bạn bè khai khẩn đất hoang lập ấp Hòa An, thuộc phủ Tân Thành, tỉnh Định Tường (nay là Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Nơi đây ông Khiêm lấy một người phụ nữ họ Phan, sinh 2 người con trai, đặt tên là Lê Xuân Lãm và Lê Xuân Lương. Lấy chữ lót Xuân để nhớ về làng Xuân Lũng ngày nào. Khi về nước ông Khiêm có nhờ bạn tâm phúc, giả dạng người Hoa kiều mang thư tới quê cũ thăm gia đình anh ruột Trần Mạnh Trí, nhìn nét chữ và những ý ngầm gửi trong thư, nhận ra đúng là ông em đã gây án mạng và trốn biệt tích từ nhiều năm trước. Ông Trí dè dặt không tin ông tàu đưa thư, nên chẳng dám viết thư hồi âm, mà chỉ nhắn miệng khuyên em nên cứ ở lại trong đó làm ăn. Một duyên may khi ông Nguyễn Hiến Lê học năm thứ ba trường Bưởi, chơi thân với người bạn tên Trần Văn Bảng, rủ về ngôi nhà Tổ của mình quê ở Phú Thọ chơi, trong một đêm thanh vắng hai người trao đổi văn học lịch sử, anh Bảng đã tiết lộ chi tiết về cuộc đời “ba chìm bảy nổi” của cụ Khiêm và còn cho xem bức thư bằng chữ Nôm, thư không dám đề tên thật, chỉ ghi là Lê Kim, chữ viết trên tờ giấy vàng khè, lủng vài lỗ, có nhiều nếp gấp gần muốn rách, nét mực đã mờ, nhưng còn đọc được. Bức thư đã được lưu giữ tới anh Bảng là bảy đời, căn cứ vào lời kể trên, sau này học giả Hiến Lê đã viết lại cuộc đời “chọc trời khuấy nước” của Trần Trọng Khiêm.
Sau gần 10 năm tạo dựng và đời sống nhân dân đang dần đi vào ổn định, thì vùng đất hiền hòa Định Tường, bao la này bị quân đội Pháp đánh chiếm, tàn sát vơ vét tài sản của dân chúng.
Đứng trước thảm cảnh ngoại xâm tàn phá, năm 1864, ông Khiêm bỏ hết ruộng vườn nhà cửa, gom góp tài sản chung sức cùng nhà yêu nước Thiên Hộ Võ Duy Dương (1827 - 1866) chiêu mộ được mấy ngàn nghĩa quân, phất cờ khởi nghĩa tại tỉnh Đồng Tháp Mười, Ông có tài bắn súng, bách phát bách trúng và mưu lược xây đắp đồn lũy chống lại quân Pháp rất mãnh liệt. Vợ ông cũng đưa 2 con theo chồng gia nhập quân kháng chiến.
Năm Bính Dần (1866) Pháp đem quân bao vây ba mặt tấn công đồn, ông cầm cự không nổi đành tuẫn tiết, các đồn khác dần dần cũng thất thủ, nghĩa quân phải rút lui, khí thế suy mòn sau cùng thì tan rã. Trước khi mất, ông đã kịp dặn vợ hãy lánh qua Rạch Giá, ráng nuôi và dạy bảo con giữ đạo hiếu trung. Ông mất lúc 45 tuổi, nghĩa quân chôn ông ở Đồng Tháp, trên mộ bia có khắc ghi câu đối: “Lòng trời không tựa, Tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh - Chính khí nêu cao, tinh thần Hùng Nhị còn truyền hậu thế”.
Ngày nay để ghi công người con yêu qúy của Tổ quốc, tên Trần Trọng Khiêm đã được lưu danh trên hai con đường tại phường Long Bình, thành phố Thủ Đức, và tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Câu chuyện về cuộc đời người Việt đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ này được Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984) một học giả nổi tiếng mô tả trong cuốn “Con đường Thiên Lý”, Ông viết xong năm 1972 nhưng chưa kịp cho ra mắt độc giả, mãi tới năm 1987 sau 3 năm tác giả qua đời, mới được Nhà xuất bản Văn nghệ ở California phát hành.
Liên quan đến ông Khiêm cũng được ghi lại trong cuốn sách bằng tiếng Pháp “La Ruée vers L’or - Đổ xô đi tìm vàng” của nhà văn René Lefèvre, do Nhà xuất bản Dumas ở Lyon in năm 1937. Đó là những tài liệu hiếm quý viết về một nhân vật đã sống cuộc đời trôi nổi cách nay hơn 200 năm (1821 - 2024).