Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Tân Đảo ngày 30/6/1946. Ảnh: TL Ảnh: TL |
Cách bờ biển phía Đông nước Úc hai giờ bay có hai quần đảo New Hebrides và New Caledonia, người Việt vẫn gọi New Hebrides là Tân Đảo và New Caledonia là Tân Thế Giới. Đây là hai quần đảo thuộc địa của thực dân Pháp tại Nam Thái Bình Dương. Những người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến đây vào khoảng năm 1891, đó là những tù nhân nguy hiểm và tù chính trị. Năm 1923, 145 người lao động Bắc Kỳ đầu tiên đến Tân Đảo theo diện hợp đồng mộ phu thời hạn 5 năm. Công việc của họ là làm trong các hầm mỏ hoặc đồn điền của người Pháp. Cùng khoảng thời gian đó cũng có một số lượng lớn người lao động chọn đi làm phu ở Tân thế giới.
Cuộc sống của người làm phu vất vả khổ cực, việc làm nặng nhọc, thường xuyên bị đánh đập. Họ bị coi như những “nô lệ da vàng”. Thực tế khác xa với những gì các công ty mộ phu hứa hẹn. Miền quê đồng bằng Bắc Bộ đông dân, hay bão lũ, cuộc sống nghèo khổ, nghe hứa hẹn lương cao lại làm việc có thời hạn, hết hạn được hồi hương nên nhiều người đã không ngần ngại ra đi. Người ta gọi những người còn trong hợp đồng làm việc cho các mỏ, đồn điền là “chân đăng”. Sau khi hết hạn hợp đồng có thể ra ngoài làm lao động tự do. Nhờ tính cần cù chịu thương chịu khó nên những người này nhanh chóng có cuộc sống khá giả hơn. Trong khi đó những chân đăng làm ở hầm mỏ, đồn điền thì hết sức khổ cực và thường xuyên bị ngược đãi nên đã có những cuộc biểu tình, thậm chí nổi dậy chống lại giới chủ. Đỉnh điểm của cuộc đấu tranh này là sự kiện 6 người chân đăng đã giết một chủ đồn điền ở đảo Malo và bị tòa án thủ đô Tân Đảo là Port Villa kết án tử hình. Sau khị bị xử bắn, họ bị chôn trong cùng một ngôi mộ ở nghĩa trang Port Villa. Một thời gian sau đó, để trừng phạt những chân đăng này, bọn thực dân cai quản Tân Đảo còn cho xiềng xích lên ngôi mộ đó. Phải mấy chục năm sau, nhờ sự đấu tranh của người Việt tại đây, ngôi mộ mới được tháo bỏ xiềng xích và trả lại tên cho người đã chết. Đó mãi là một câu chuyện đau thương trong ký ức tất cả những người chân đăng thời đó. Cuối cùng, những chủ mỏ người Pháp ở Tân Đảo đã phải chấp nhận nhượng bộ, trả lại quyền lợi chính đáng cho người chân đăng. Những người hết hạn hợp đồng được cấp thẻ căn cước ra ngoài làm ăn, xây dựng cuộc sống mới.
Những năm 1940, thông tin về cuộc cách mạng ở trong nước khiến tất cả người chân đăng ở Tân Đảo hết sức vui mừng. Như bao người Việt Nam đã phải sống quá lâu dưới xiềng xích nô lệ, họ đều khao khát độc lập cho dân tộc và cho chính họ. Nhiều bài hát ủng hộ Việt Minh đã ra đời, do chính những người chân đăng mù chữ sáng tác, thể hiện tinh thần yêu nước và tấm lòng luôn hướng về quê hương. Khi hay tin nước nhà độc lập, người chân đăng đã sáng tác một bài hát, họ gọi là “quốc ca” để chào mừng sự kiện lịch sử này: “Cờ quốc túy nước Việt Nam trông xem hùng vĩ, Ngọn cờ đào năm cánh hoàng tinh, Đông dương gặp hội thanh bình, Tôn thờ chủ nghĩa Việt Minh cộng hòa, Chào cờ dân chủ quê ta, Mau mau tỉnh dậy theo gương văn hóa nước nhà cho quen, Đừng mê man trong đám đỏ đen, Lãng quên hai chữ lợi quyền, Đại Việt Nam đắc thế cộng hòa, Chào cờ dân chủ quê ta…”. Bản nhạc này đã lưu truyền trong giới chân đăng cho đến ngày bài “Tiến quân ca” được phổ biến.
Ngày 30/6/1946 là một ngày lịch sử với tất cả những người chân đăng Việt Nam đang sống ở Tân đảo. Ngày hôm đó lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được tung bay trên bầu trời Tân Đảo, trong niềm xúc động của hàng nghìn người chân đăng ở đây. Đó là kết quả đấu tranh của tất cả người Việt, không phân biệt lương, giáo, nghề nghiệp, quê quán, đã đoàn kết lại, cùng với người dân Tân đảo và những người Pháp yêu chuộng hòa bình, kéo lá cờ lên giữa bầu trời Port Villa, thủ phủ của Tân Đảo. Chứng kiến cảnh tượng này mọi người đều xúc động và có cảm giác đang được đứng trên mảnh đất quê hương. Sau sự kiện này, Hội Người Việt Nam yêu nước ở Tân Đảo đã được thành lập, với mục đích đấu tranh đòi tự do, bình đẳng và quyền lợi cho người lao động Việt Nam ở đây. Cuộc đấu tranh đó đã kết thúc thắng lợi. Lá cờ Việt Nam cũng được treo trên nóc trụ sở của Hội. Nhiều người Việt sống ở cách xa đó hàng nghìn cây số cũng đã tìm cách đến đó, để được làm lễ chào cờ, bày tỏ tình yêu và nỗi nhớ Tổ quốc.
Tuy sống xa Tổ quốc nhưng họ vẫn luôn coi mình là người Việt Nam, trong cuộc sống gia đình và cộng đồng họ vẫn giữ phong tục, tập quán, lối sống của quê nhà. Có một chuyện kể lại rằng ban đầu người Pháp chỉ mộ phu nam sang hai hòn đảo nói trên, nhưng người việt sống co cụm và không hòa đồng với người sở tại, nhất là không chịu kết hôn với người bản xứ, nên người Pháp phải bổ sung bằng cách mộ phu nữ sang để mong lập cân bằng xã hội người Việt. Ngày những chuyến tầu đưa phụ nữ sang là ngày hội của cánh đàn ông. Khi tầu cập bến, các chàng trai lao xuống tầu và nắm tay bất cứ người phụ nữ nào họ có thể nắm được, mang về nhà và thế là nên vợ nên chồng. Vì số phụ nữ có hạn nên nhiều người kém may mắn phải về tay không. Đã có những trường hợp phải đợi bạn bè có gia đình đẻ con gái, đến tuổi cập kê mới nhận bạn làm bố vợ. Chính vì lối sống co cụm đó mà các thế hệ con cháu của họ sau này vẫn nói tiếng Việt nhuần nhuyễn như người trong nước.