Nhà thờ giáo xứ Yên Trì. Ảnh: CTV |
Nét nổi bật trong thi đua phát triển kinh tế là bà con giáo dân đã rút kinh nghiệm từ thành công của một vài người thành phương thức làm ăn, chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho nhiều người. Cụ thể như ở giáo xứ Đông Khê (thị xã Đông Triều), một vài hộ mạnh dạn cải tạo vườn tạp để chuyển sang làm trang trại cây ăn quả. Mặc dù đầu tư khá nhiều vốn và thời gian đầu tư dài nhưng sau vài ba năm, những mô hình này đã mang lại gấp nhiều lần so với trồng hỗn tạp nhiều cây. Trong thời gian chờ bưởi, cam cho thu hoạch, chủ trang trại đã linh hoạt lấy ngắn nuôi dài bằng cách trồng xen canh một số loại cây trồng mùa vụ, ngắn ngày. Vì vậy trong lúc chờ cam sinh trái, vẫn có thu nhập để trang trải cuộc sống. Nay những trang trại cam, bưởi đã cho thu hoạch ổn định, mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng. Từ thành công này, đến nay mô hình cải tạo vườn tạp sang chuyên canh cam, bưởi đã lan tỏa ra nhiều giáo xứ như Đông Tân, Đông Khê (huyện Đông Triều), Cẩm Phả (thị xã Cẩm Phả)... Nhiều hộ gia đình đang trở nên giàu có từ mô hình này, như gia đình ông Long, ông Hào ở giáo xứ Đông Khê. Tại giáo xứ Sông Khoai (thị xã Quảng Yên), giáo dân đã chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, vịt trời…
Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con còn phát triển các ngành dịch vụ như kinh doanh vận tải, chế biến sứa, hải sản. Đặc biệt từ lao động, sản xuất, giáo dân, nông dân Đinh Văn Giang (giáo xứ Sông Khoai) đã chế tạo thành công máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng, góp phần giải phóng sức lao động trong chăn nuôi, được bà con ưa dùng.
Không chỉ thi đua làm giàu chính đáng, đồng bào Công giáo còn phát huy nét đẹp bác ái và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc tích cực tham gia các hoạt động từ từ thiện xã hội như ủng hộ các quỹ Vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa, Bảo trợ trẻ em, Cứu trợ thiên tai, Khuyến học… Theo số liệu của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Ninh, trong các năm từ 2012-2017, đồng bào Công giáo Quảng Ninh đã ủng hộ trên 2,9 tỷ đồng, 13,4 tấn gạo và nhiều vật dụng, nhu yếu phẩm khác vào lĩnh vực từ thiện, bác ái. Trong đó, giáo dân Nguyễn Thị Oanh (giáo xứ Cẩm Phả, thị xã cẩm Phả) đỡ đầu thường xuyên từ 6- 12 hộ nghèo; các hội đoàn giáo xứ Yên Trì (huyện Yên Hưng) đỡ đầu 6- 12 cháu hoàn cảnh khó khăn…
Trong bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhiều giáo xứ đã xây dựng mô hình tổ tự quản, tổ liên gia, tổ hòa giải để cùng nhau giữ bình yên nơi xứ đạo, phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm. Điển hình như giáo dân xứ đạo Trà Cổ (Tp.Móng Cái) đã phát huy tốt phong trào 5 không trong giữ gìn an ninh trật tự (không trộm cắp, không cờ bạc, không nghiện hút, không tham gia mại dâm; không tàng trữ, buôn bán chất ma túy) và phối hợp với bộ đội biên phòng bảo vệ an ninh biên giới. Giáo dân ở giáo xứ Đông Tân (thị xã Đông Triều) làm nghề đánh bắt hải sản thường xuyên phối hợp với bộ đội biên phòng phát hiện, cung cấp nguồn tin giúp cơ quan chức năng đấu tranh ngăn chặn tội phạm… Trong 5 năm 2012-2017, đã có với 33 cá nhân trong đó có 5 linh mục được Công an tỉnh khen thưởng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đặc biệt, giáo dân luôn tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động tôn giáo. Chính quyền cũng quan tâm giải quyết kịp thời nhiều nhu cầu chính đáng của giáo dân, vì thế quan hệ giữa chính quyền và giáo xứ ngày càng hài hòa hơn để cùng chăm lo việc đời việc đạo.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Quang Trung- Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng- tôn giáo cùng với việc Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Đoàn kết Công giáo kịp thời định hướng và phát động các phong trào đã phát huy mạnh mẽ truyền thống sống tốt đời, đẹp đạo, qua đó góp phần tích cực xây dựng quê hương, xứ đạo.
Để nhân lên truyền thống tốt đời đẹp đạo, ông Trung cho biết, trong những năm tới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh sẽ hướng dẫn, tuyên truyền đường hướng “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” của Hội đồng Giám mục Việt Nam và Huấn từ “người Công giáo tốt cũng là công dân tốt” của Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI để thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”, phấn đấu 5 năm tới, có khoảng 70% hộ giáo dân giàu và khá, không còn hộ nghèo.