Từ Thông điệp Laudato Sí của Đức Thánh Cha về bảo vệ ngôi nhà
chung- trái đất, nhiều giáo xứ tại giáo phận Phát Diệm đã có những hoạt
động thiết thực bảo vệ môi sinh, môi trường. Qua đó đã góp phần tích
cực vào cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”.
Thông điệp Laudato Si’ lấy tên từ lời cầu của thánh Phanxicô. “Laudato Sí, mí Signore” (Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa) trong Bài ca của các thụ tạo. Bài ca đã nhắc đến trái đất là “ngôi nhà chung” của nhân loại: “Cũng như người chị của chúng ta, chúng ta chia sẻ cuộc sống với chị ấy, và như người Mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta trong vòng tay của Mẹ”.
Để bảo vệ “ngôi nhà chung”, theo Thông điệp, cần phải có những đề nghị “đối thoại và hành động đòi hỏi có sự can dự của mỗi người chúng ta, cũng như của nền chính trị quốc tế nữa”… Thông điệp cũng kêu gọi “tất cả và từng người - cá nhân, gia đình, tập thể địa phương, quốc gia và cộng đồng quốc tế - hãy “hoán cải về môi sinh”, đón nhận vẻ đẹp và trách nhiệm dấn thân để “săn sóc căn nhà chung”.
Các Kitô hữu hãy yêu quý “Mẹ thiên nhiên” bằng cách thay đổi lối sống. Cụ thể là, hãy bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực hằng ngày với những từ khóa dễ nhớ, dễ áp dụng như sau: Giảm bớt - Tái sử dụng - Tái chế - Tiết kiệm.
Ở góc độ mỗi người, Thông điệp cho thấy mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm can dự vào lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trái đất. Đây cũng là điểm tương đồng để phát huy vai trò của tổ chức Công giáo trong thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước ta về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Ninh Bình, trách nhiệm bảo vệ môi trường đã được phát huy hiệu quả qua Chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Điển hình như tại các giáo xứ Áng Sơn (xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư), giáo xứ Cách Tâm (xã Chính Tâm, huyện Kim Sơn). Qua hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các giáo xứ đã xây dựng mô hình bảo vệ môi trường với những nội dung cụ thể và đa dạng, phù hợp với đặc điểm thực tế tại khu dân cư, như: giữ gìn nơi ở của gia đình sạch sẽ, có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; thu gom và để rác thải đúng nơi quy định, đổ rác đúng giờ; thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; hạn chế sử dụng túi nilon; giữ gìn vệ sinh chung đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng; không thả rông súc vật; trồng và bảo vệ cây xanh...; Trong sản xuất, kinh doanh, giáo dân thực hiện các tiêu chí như: chuồng trại chăn nuôi đảm bảo hợp vệ sinh, không để khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường; không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm; thực hiện thu gom bao bì thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật vào các bể chứa chung để xử lý đúng quy trình…
Những nội dung cụ thể trên được các gia đình kí cam kết thực hiện. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc, Ban hành giáo đã phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức về môi trường trong cộng đồng, lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường…
Sau vài năm thực hiện mô hình trên, đến nay ý thức bảo vệ môi trường của người dân nói chung, giáo dân nói riêng đã được nâng lên rõ rệt qua các thói quen bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, các thôn đều thành lập được tổ thu gom rác; tại các cánh đồng được bố trí các hố hoặc bể chứa để nông dân thu gom và bỏ vỏ thuốc bảo vệ thực vật; các gia đình thực hành sử dụng tiết kiệm nước và đều xây dựng được công trình phụ hợp vệ sinh… Vào thứ bảy hoặc trước ngày lễ trọng, các hội đoàn thuộc giáo xứ tổ chức vệ sinh đường làng, khuôn viên nhà thờ, làm sạchđẹp cảnh quan xứ đạo…
Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình, mô hình bảo vệ môi trường tại các xứ đạo đã góp phần tích cực làm khang trang bộ mặt nông thôn, tạo cảnh quan xanh- sạchđẹp, qua đó nâng cao chất lượng môi sinh cũng như cuộc sống người dân. Những nội dung bảo vệ môi trường tại giáo xứ, giáo họ phù hợp với Chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, nên đem lại nhiều ý nghĩa. Đây là hoạt động thiết thực để lan tỏa cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”.
An Luých